Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sẽ tìm giải pháp tháo gỡ nhanh cho dự án metro

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sẽ tìm giải pháp tháo gỡ nhanh cho dự án metro

Tư Giang thực hiện

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sẽ tìm giải pháp tháo gỡ nhanh cho dự án metro
Ông Nguyễn Chí Dũng (giữa). Ảnh: TG

(TBKTSG Online) – Ngay trong kỳ họp Quốc hội này, các bộ ngành sẽ ngồi lại với nhau để có giải pháp xử lý làm sao cho công trình tuyến metro số 1 có hiệu quả, không ảnh hưởng tiến độ, không ảnh hưởng đến nhà tài trợ.

Trao đổi với TBKTSG Online bên hành lang Quốc hội sáng 24-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, dự án metro tuyến Bến Thành – Suối Tiên đang vướng mấy khía cạnh, hiện Bộ đã có báo cáo. Vấn đề lớn nhất là Bộ Giao thông Vận tải, TPHCM phải xem lại phê duyệt điều chỉnh dự án. TPHCM đã phê duyệt rồi, nhưng ai là người có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh này. Bên cạnh đó, phải thống nhất được cơ chế cấp phát và vay lại, nghĩa là Chính phủ cấp bao nhiêu và thành phố chi bao nhiêu trong số vốn 30.000 tỉ đồng tăng thêm của dự án này.

Dự án lúc đầu có tổng vốn là 17.000 tỉ đồng, nhưng sau điều chỉnh lên 47.000 tỉ đồng. Theo quy định thì dự án vượt trên 35.000 tỉ đồng thì phải báo cáo Quốc hội.

Thống nhất được những vấn đề này Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có thể đưa dự án vào kế hoạch giải ngân vốn trung hạn và bố trí vốn giải ngân. Cần phải có cơ chế riêng, đặc thù cho dự án này, chứ không theo Nghị định cấp phát cho vay lại mới của Bộ Tài chính.

TBKTSG Online: Đây là dự án rất lớn mà bị nghẽn như vậy, trách nhiệm nằm ở đâu?

– TPHCM có trách nhiệm, Bộ Giao thông Vận tải cũng có trách nhiệm, và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm đã thiếu đôn đốc các bên. Chúng tôi nhận trách nhiệm của mình. Chúng tôi đã phải rà soát lại để đưa ra hướng giải quyết cho dự án này trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ báo cáo lên Chính phủ.

TPHCM đã tiếp xúc trực tiếp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm cách tháo gỡ dự án này?

– Chúng tôi có trao đổi 1-2 lần nhưng chưa bàn được cách tháo gỡ. Hiện Bộ đang chủ động đưa ra cách tháo gỡ cho dự án trọng điểm này. Tinh thần là làm nhanh hết cỡ, nhưng trước hết phải thống nhất lại cách hiểu, thống nhất quy trình: ai phê duyệt, xác định mức tăng có hợp lý hay không? Tăng 30.000 tỉ đồng không phải là số tiền nhỏ. 

Được biết, trong báo cáo về kế hoạch vốn đầu tư công tư trung hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có dòng nào về vốn cho dự án metro số 1? 

– Cái đó chỉ làm thủ tục bổ sung. Vẫn còn nguồn dự phòng 10%.

Tóm lại là ngân sách trung ương còn tiền cho dự án? Và làm sao để xử lý câu chuyện 30.000 tỉ đồng cho dự án?

– Chắc chắn phải xử lý. Nguồn vốn thì có, phía Nhật đã chuyển, nhưng cân đối ngân sách, kế hoạch thì phải xử lý.

Có ý kiến cho rằng phải mất thêm 6 tháng nữa Quốc hội mới có thể ra được Nghị quyết tăng vốn cho dự án này?

– Tinh thần là rất khẩn trương, nhưng còn phụ thuộc vào phía các bộ, ngành liên quan. Thực tế, hiện đang có việc hiểu chưa đúng quan điểm chỉ đạo trước đây của lãnh đạo cấp có thẩm quyền đối với dự án này. Văn bản Chính phủ ký trước đây là đồng ý cho phép điều chỉnh dự án, chứ không phải phê duyệt điều chỉnh đó. Cho phép làm việc đó, thực hiện hành vi đó nhưng không phê duyệt kết quả đó. Đó là hai cách hiểu khác nhau. Còn khi làm phải theo quy trình thủ tục. Do cách hiểu chưa đúng nên TPHCM nghĩ đã được phê duyệt tăng thêm vốn rồi. Bộ Giao thông Vận tải thiếu trách nhiệm theo dõi, giám sát. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có trách nhiệm thiếu đôn đốc, báo cáo. Còn báo cáo công trình trọng điểm hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đưa dự án này vào báo cáo của mình, nhưng thực tế chưa ai phê duyệt.

Dự án này hiện chưa đưa vào trung hạn vì chưa được phê chuẩn, nên chưa thể có cơ chế thỏa thuận cấp phát bao nhiêu, vay lại bao nhiêu. Nên Trung ương chưa biết bố trí vốn theo số nào, và ai là người có thẩm quyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có làm đầu mối để ngồi lại giữa các bên?

– Có. Ngay trong kỳ họp Quốc hội này các bộ ngành sẽ ngồi lại, vì hiện nay cách hiểu khác nhau mà chưa ai khâu lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nhận vai trò quản lý đầu tư, quản lý ODA ngồi lại đấu nối với nhau, phải nói cho rõ, đúng, đủ, nhưng phải làm nhanh và phải có giải pháp xử lý làm sao cho công trình hiệu quả, tiến độ không ảnh hưởng, cũng như không ảnh hưởng đến nhà tài trợ.

Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phát biểu rằng, nếu Việt Nam thiếu vốn đối ứng để giúp giải ngân vốn ODA, nợ nhà thầu Nhật Bản thì Chính phủ Nhật khó thuyết phục nhân dân Nhật Bản cho Việt Nam vay tiếp. Bộ trưởng nghĩ hế nào về điều này?

– Điều này rất đáng suy nghĩ. Vì thế, tinh thần là phải giải quyết nhanh dự án, xác định lại yếu tố đặc thù chứ để chậm, hiệu quả dự án thấp và ảnh hưởng tới đối ngoại.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó đoàn đại biểu TPHCM: "Cử tri rất quan ngại về dự án này"

Vấn đề nguồn vốn cho tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên (TPHCM) những ngày gần đây được phương tiện truyền thông đề cập có khả năng nghẽn nguồn vốn, khiến cử tri quan tâm. Tuyến metro này chậm sẽ ảnh hưởng tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ODA vào quốc gia, chứ không riêng TPHCM.

Vấn đề này không phải không tháo gỡ được. Chúng ta cần soát xét lại Nghị quyết 49 của Quốc hội khóa trước xem có bất hồi tố hay không, hay những điểm nghẽn thao tác hành chính nào đó để tháo gỡ. Tôi tin rằng Chính phủ đã tiếp nhận sự tắc nghẽn này. Tôi nghĩ rằng, Quốc hội trên cơ sở Nghị quyết đặc thù cho TPHCM phát triển thì Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để tháo gỡ tắc nghẽn vốn của metro tuyến Bến Thành-Suối Tiên.

Tôi tin rằng tại kỳ họp này Quốc hội sẽ ban hành, vì vấn đề này hết sức ảnh hưởng trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn ODA. TPHCM bước đầu tạm ứng gần 1.000 tỉ đồng cho dự án này. Trong tuần này tuyến đường này đã bắt đầu đặt thử những mét đường ray đầu tiên, đảm bảo lộ trình không bị tắc nghẽn.

Về giải pháp vốn của dự án, TPHCM sẽ tích cực kiến nghị với Trung ương có thể bằng những nguồn vốn khác, có thể điều tiết từ dự án chưa đạt được lộ trình để dành cho dự án này, có thể từ nguồn trái phiếu đô thị, cân đối vốn. Tôi tin trung ương đã tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn TPHCM.

Khi tiếp xúc cử tri chúng tôi nhận được những quan ngại của cử tri thành phố với dự án này, mong muốn đoàn đại biểu Quốc hội tích cực phản ảnh để Quốc hội tháo gỡ. Tôi nghĩ rằng trong quá trình Thành ủy, UBND TPHCM làm việc với các cơ quan trung ương, thông tin này đã được tiếp nhận, vì thế đoàn TPHCM không có ý kiến thêm tại kỳ họp này.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới