Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ trưởng Nội vụ: Sẽ không có việc hạ cánh an toàn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ trưởng Nội vụ: Sẽ không có việc hạ cánh an toàn

Trúc Diễm

Bộ trưởng Nội vụ: Sẽ không có việc hạ cánh an toàn
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn chiều nay – Ảnh: Trúc Diễm

(TBKTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội đã làm nóng diễn đàn bằng việc liên tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc xử lý nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và việc bổ nhiệm ồ ạt cán bộ tại thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ.

Trường hợp khó và chưa có tiền lệ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là thành viên Chính phủ thứ 4 đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tại phiên chất vấn này, nhiều câu hỏi đã được đưa ra xung quanh vấn đề xử lý kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và tình trạng “đúng quy trình” trong quá trình bổ nhiệm.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho hay, hiện đã có quyết định kỷ luật về mặt Đảng với ông Vũ Huy Hoàng bằng việc cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng của Bộ Công Thương trong giai đoạn 2011-2016. Ông Tùng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết quan điểm xử lý về mặt nhà nước với ông Vũ Huy Hoàng.

Theo ông Tùng, đây là trường hợp đặc biệt vì ông Hoàng đã được Quốc hội khóa 13 miễn nhiệm từ tháng 4-2016 và do đó, ông Hoàng không còn chịu tác động của Luật Cán bộ công chức và các luật có liên quan. “Có cần thiết nghiên cứu, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức và các luật khác có liên quan nhằm đảm bảo xử lý nghiêm cán bộ công chức, kể cả khi người vi phạm đã nghỉ hưu?”, ông Tùng đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, sẽ không để tình trạng người có sai phạm khi nghỉ hưu sẽ được “hạ cánh an toàn”.

Đối với riêng trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết đây là vấn đề khó, chưa có tiền lệ, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mưu để Ban cán sự Đảng Chính phủ có biện pháp xử lý.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thừa nhận, Luật Cán bộ công chức hiện nay chưa quy định việc xử lý cán bộ công chức đã nghỉ hưu. Bộ Nội vụ đang tổng kết 10 năm thực hiện Luật Cán bộ công chức và sẽ sửa đổi theo hướng thể hiện trách nhiệm cao của cán bộ công chức, kể cả đương chức cũng như nghỉ hưu. Tuy nhiên, trước khi sửa được luật, Bộ Nội vụ sẽ có những văn bản phù hợp với quy định để xử lý trước mắt tình hình cán bộ vi phạm đã nghỉ hưu, trong đó có trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng.

Ngoài vấn đề trên, đại biểu Quốc hội còn một loạt những bất cập của ngành như tình trạng bổ nhiệm tràn lan tại thời điểm chuyển giao quyền lực và tình trạng bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng lại là "đúng quy trình" bổ nhiệm người nhà chứ không phải người tài.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nói vấn đề bổ nhiệm tràn lan đã được bà nêu nhiều lần ở nghị trường, thậm chí là gửi kiến nghị bằng văn bản nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Bộ Nội vụ. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng tỏ ra rất bức xúc vì cụm từ “bổ nhiệm đúng quy trình” bị lạm dụng quá nhiều. Ông Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ có giải pháp khắc phục tình trạng trên, lấy lại niềm tin cho nhân dân và cứu nguy cho quốc gia trong việc chọn người tài, quản lý đất nước.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết sau khi có ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tới thời điểm này, Bộ Nội vụ đang tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành địa phương, và khi có ý kiến đầy đủ sẽ báo cáo Chính phủ và đại biểu Quốc hội.

Song, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận: “Đến giờ này, theo báo cáo sơ bộ của chúng tôi thì hiện tượng bổ nhiệm nhiều vào cuối nhiệm kỳ là có nhưng chúng ta cần phân tích cho rõ là bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, điều kiện và có quy hoạch. Do đó cần có thời gian để làm rõ vấn đề”.

Không trả lời trực tiếp về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong vấn đề trên, ông Tân chỉ cho biết, trong thời gian qua, thanh tra công vụ của bộ chỉ tập trung vào việc tổ chức biên chế, thi tuyển công chức… mà chưa chú trọng tới vấn đề tổ chức đề bạt, bổ nhiệm. Do đó, đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thanh tra công vụ trong năm 2017.

Bất công trong việc trả lương công chức

Vấn đề lương, thưởng, phụ cấp… đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng được nhiều đại biểu nêu lên. Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), tiền lương và phụ cấp lương, chức vụ đang có sự bất bình đẳng giữa các cán bộ và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu.

Hơn nữa, theo đại biểu Phúc, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy chi thường xuyên chiếm tới 64% trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm nhưng thu nhập cán bộ nhà nước còn thấp, bộ máy nhà nước cồng kềnh, một số cơ quan, đơn vị giữa khối Đảng và Nhà nước có sự chồng lấn về nhiệm vụ và đối tượng quản lý. Đại biểu Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu hướng giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Thừa nhận vấn đề trên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, trong hai năm liên tiếp 2014-2015 tiền lương cơ sở không hề tăng. Vừa rồi, Quốc hội có thông qua việc tăng lương cơ sở của công chức thêm 7% lên 1,3 triệu đồng vào giữa năm 2017. Tuy nhiên, mức lương này cũng chỉ đáp ứng chưa tới 50% mức sống tối thiểu của cán bộ công chức.

Theo mục tiêu đặt ra đến năm 2021 sẽ tinh giản biên chế 10% cán bộ công chức, viên chức nhưng thực tế trong hai năm qua mới chỉ tinh giản được hơn 17.000 người. Nếu thực hiện bình quân giảm 1% mỗi năm thì năm 2016 phải tinh giản biên chế công chức từ cấp huyện trở nên hơn 36.000 người. “Do đó, biện pháp trước mắt là phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế”, ông Tân đề nghị.

Đối với các đơn vị sự nghiệp, ngoài việc tinh giản biên chế 10% đến năm 2021, Bộ Nội vụ còn khuyến khích việc xã hội hóa và giao quyền tự chủ cho các đơn vị này để giảm thêm 10% nữa. Như vậy, theo kế hoạch, đến năm 2021, nếu các đơn vị sự nghiệp giảm được 20% viên chức và giảm thêm 10% công chức thì sẽ có cơ sở để thực hiện lộ trình tăng tiền lương đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các chính sách như tiết kiệm các khoản chi lãng phí, từng bước nâng phí dịch vụ công; hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn khi sử dụng dịch vụ công. Ngoài ra, cần tách lương công chức đang làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước ra khỏi lương của cán bộ hưởng lương hưu từ BHXH.

Mời đọc thêm:

Vay tiền công chức để cải cách lương chính họ!

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới