Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ Y tế bãi bỏ thông tư về đấu thầu trang thiết bị y tế

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thông tư mới bãi bỏ 3 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Trong 3 văn bản này có Thông tư 14/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Bộ Y tế bãi bỏ một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Ảnh minh họa: Minh Thảo

Theo Baochinhphu.vn, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 08/2023/TT-BYT bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Đó là các Thông tư số 03/2016/TT-BYT quy định hoạt động kinh doanh dược liệu; Thông tư số 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường; Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Đáng chú ý, Bộ Y tế bãi bỏ quy định khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng và giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố.

Bãi bỏ quy định không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán…

Thông tư mới có hiệu lực thi hành từ ngày 14-4 cũng nêu rõ điều khoản chuyển tiếp: Đối với những gói thầu trang thiết bị y tế đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước ngày thông tư này có hiệu lực thì đơn vị được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT hoặc thực hiện thủ tục điều chỉnh các nội dung có liên quan theo quy định hiện hành về đấu thầu.

Việc phân nhóm của gói thầu trang thiết bị y tế có thể có một hoặc nhiều chủng loại trang thiết bị y tế và mỗi chủng loại trang thiết bị y tế, theo thông tư mới có thể được phân chia theo các nhóm.

Nhóm 1 gồm các trang thiết bị y tế đáp ứng đồng thời các tiêu chí: Được ít nhất hai (02) nước trong số các nước được tham chiếu cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do; sản xuất tại nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Nhóm 2 được ít nhất hai (02) nước tham chiếu cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do; không sản xuất tại các nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Nhóm 3 được ít nhất một (01) nước tham chiếu cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do; sản xuất tại nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Nhóm 4 được ít nhất một (01) nước tham chiếu cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do; không sản xuất tại các nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam. Nhóm 5 có số lưu hành tại Việt Nam bao gồm cả các trường hợp được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành; sản xuất tại Việt Nam.

Thông tư cũng quy định việc xác định nước sản xuất trang thiết bị ̣y tế căn cứ vào thông tin ghi trên một trong các giấy tờ: Giấy phép nhập khẩu; Số lưu hành, bao gồm cả giấy chứng nhận đăng ký lưu hành; Giấy chứng nhận lưu hành tự do và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 13485.

2 BÌNH LUẬN

  1. Phản ứng rất chậm chạp. Những cản trở, bế tắc trong lĩnh vực y tế công, có liên quan mật thiết đến sức khỏe đời sống hàng ngày của người dân, nhưng việc xử lý rất lúng túng, sợ trách nhiệm. Thời gian qua, không chỉ bệnh nhân mà cả người nhà vô cùng vất vả, tốn kém, bệnh tật dày vò. Không rõ câu chuyện này liệu đã đến hồi chấm dứt ?

  2. Người nhà của tôi bị bệnh lao. Vào bệnh viện phổi nhà nước cũng không còn thuốc, mặc dù loại bệnh xã hội đặc trị này thuộc diện miễn phí (Lao/ HIV…). Rốt cuộc, phải tìm đến phòng mạch của bác sĩ đang công tác ở bệnh viện, thuốc gì cũng có.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới