Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ Y tế: Đã cơ bản khống chế được dịch tay chân miệng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ Y tế: Đã cơ bản khống chế được dịch tay chân miệng

Đào Loan

Theo báo cáo của các địa phương số ca bệnh tay chân miệng nhập viện đang giảm rõ rệt trong vài ngày qua. Ảnh Vietnamnet

(TBKTSG Online) – Bệnh tay chân miệng đã cơ bản được khống chế. Cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành trọng điểm có dịch, đã chi nguồn lực rất lớn cho phòng chống bệnh. Bộ Y tế quyết định chưa công bố dịch vì số ca bệnh, số người tử vong đã giảm, đặc biệt là 4-5 ngày gần đây.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã kết luận như trên, sau cuộc giao ban trực tuyến với một số các tỉnh thành có bệnh, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Cuộc họp này nhằm xem xét tình hình dịch bệnh trong thời gian gần đây để tính toán khả năng có hoặc không công bố dịch tay chân miệng tại Việt Nam.

Theo báo cáo của 6 tỉnh thành phía Nam có nhiều ca bệnh nhất gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre và Tiền Giang thì số ca bệnh nhập viện đã giảm rõ rệt. Chẳng hạn, TPHCM sau khi vào cao điểm dịch từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4-2011, với số ca mắc bệnh kỷ lục là 101 ca/ngày (ngày 22-6) thì trong vòng 5 ngày nay chỉ còn trung bình 50 ca/ngày. Đến ngày hôm nay, TPHCM còn 7.683 ca bệnh đang điều trị. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 1.513 ca với ngày cao điểm lên đến 33 ca và tuần thứ 25 có đến 159 ca nhập viện, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nhưng đến nay chỉ còn từ 5 đến 10 ca/tuần…

Virus gây bệnh chưa biến đổi độc tố

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho biết: năm 2005 có 764 bệnh nhân tay chân miệng nhưng số ca do virus EV71 chỉ chiếm 42%, còn lại là do Coxsackie nhưng từ năm 2009-2011 số ca do EV71 gây nên lại chiếm đến 71%. Tuy nhiên, vẫn là các chủng từ C1-C5, không thay đổi gen hay biến đổi độc lực.

“Tuy số người mắc bệnh vượt dự tính so với biểu đồ cùng năm nhưng căn cứ vào tình hình chung của thành phố thì bệnh có xu hướng giảm đáng kể trong những ngày gần đây. Những cách điều trị đã hiệu quả, không để tử vong cao. Vì thế, hội đồng chuyên môn của sở cùng 3 bệnh viện đầu ngành của thành phố cho rằng TPHCM chưa đủ điều kiện để công bố dịch và vẫn đủ điều kiện khống chế bệnh”, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói.

TPHCM: Đã tính đến trường hợp khẩn cấp

Bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng I, cho biết ngày 19-8, Sở Y tế đã điều động chuyên gia của 3 bệnh viện đầu ngành họp bàn về điều kiện làm việc trong tình trạng khẩn cấp có thể xảy ra. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho khả năng có thể số bệnh nhân sẽ tăng lên gấp 10 lần và tính toán cách cứu chữa, phân tuyến đến các bệnh viện vệ tinh để đối phó”.

Đại diện các sở y tế khác cùng Viện Pasteur TPHCM cũng đồng ý là hiện nay chưa là thời điểm công bố dịch, số bệnh nhiều nhưng rải rác từ đầu năm đến nay. Bệnh tay chân miệng đang được khống chế. Tình hình dịch ở các địa phương phía Bắc không “nóng” như phía Nam. Chẳng hạn, Hà Nội chỉ có 116 ca bệnh từ đầu năm đến nay, không có bệnh nhân tử vong hay bị di chứng.

Bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng I, cho biết phác đồ điều trị hiện nay đã đem lại kết quả tốt. Trong tháng 5-2011, khi số ca tử vong tăng cao, các bệnh viện Nhi Đồng I, II và Nhiệt Đới đã làm việc và cụ thể hóa phác đồ điều trị. Bệnh viện Nhi Đồng I đã làm đầu mối tập huấn về phác đồ điều trị cho các bệnh viện từ Đà Nẵng trở vào và sẽ phối hợp với Cục khám chữa bệnh thực hiện tiếp cho các bác sĩ và điều dưỡng phía Bắc trong thời gian từ 1 đến 2 tuần sau.

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn yêu cầu trong vòng 10 ngày tới phải kiểm tra liên tục về việc phòng chống bệnh.

Theo ghi nhận của ngành y tế, có đến 52% số trẻ mắc bệnh có tiếp xúc với bệnh nhân, 41% truyền từ mẹ sang con. Trong tổng số bệnh thì có đến 80% là mắc ở cộng đồng. Virus gây bệnh có thể sống vài ngày, thậm chí hàng tuần ở sàn nhà, đồ chơi, phân… Do đó, công tác phòng chống bệnh quan trọng nhất vẫn diệt khuẩn và tuyên truyền đến tận nhà để sát khuẩn, rửa tay bằng xà phòng vẫn là quan trọng nhất để khống chế dịch.

“Tôi lo cho năm 2012, khi đó cường độ dịch, tính chất dịch sẽ khác. Ở nước ngoài, có trường hợp người trên 70 tuổi vẫn mắc bệnh, không phải chỉ là trẻ em như ở Việt Nam hiện nay nên phải thực hiện quyết liệt, liên tục các biện pháp tuyên truyền, khử khuẩn”, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn nói.

Hiện các địa phương mua số lượng lớn Cloramin B để khử khuẩn, riêng TPHCM đã mua đến 70 tấn.

Cloramin B khan hàng, có tình trạng làm giá

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết giá Cloramin B đang tăng giá rất nhanh và nguồn cung đang khan hiếm. Hiện giá Cloramin B đang sử dụng được nhập từ Cộng hòa Séc và Trung Quốc. Trước đây giá hóa chất của Séc chỉ 90.000 đồng/kg nay dao động từ 127.000-140.000, giá hóa chất Trung Quốc cũng từ 100.000-130.000/kg. “Chúng tôi đã được Bộ Y tế cấp 3 tấn, tỉnh có thêm 1 tấn, định sẽ mua thêm 70 tấn nữa nhưng nguồn cung đang khan hiếm. Nếu mua hóa chất của Cộng hòa Séc phải mất 2 tuần để nhập về. Hiện cũng có 3 công ty chào hàng nhưng chưa mua được vì giá quá cao”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới