Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ Y tế giải thích Việt Nam chưa nên coi Covid-19 là bệnh lưu hành

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo Bộ Y tế, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành vì vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn mới. Khi đến thời điểm thích hợp, Bộ Y tế sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh này là bệnh lưu hành.

Liên quan đến thuốc điều trị Covid-19, Bộ Y tế cho biết các nhà sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước có thể đáp ứng nhu cầu điều trị.

Người dân TPHCM đi tiêm mũi 3, vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Minh Duy

Chưa thể coovid-19 là bệnh lưu hành

Vài ngày gần đây, người dân rất quan tâm đến thông tin Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu hay còn gọi là bệnh lưu hành.

Báo cáo Thủ tướng về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết bệnh lưu hành (Endemic diseases) có một số tiêu chí cụ thể, gồm có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh, tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh, bệnh dịch xảy ra ở một nhóm cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định và tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định, có thể dự báo được.

Tại Việt Nam, tuy tỉ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao, trên dưới 100 trường hợp mỗi ngày, cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh một số bệnh lưu hành như dại, sốt xuất huyết hay sởi gây ra.

Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, WHO, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ về tình hình dịch tại Việt Nam và thấy rằng dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh lưu hành.

Tỷ lệ mắc Covid-19 chưa ổn định, có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt, giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những địa phương mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ từ vong hàng đầu trước đây.

Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron. Trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ. Chẳng hạn, biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3, các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm. Do đó, tỷ lệ mắc bệnh là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Vì vậy, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cùng các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch, cập nhật biến đổi của SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng quyết định coi Covid-19 là bệnh lưu hành khi đến thời điểm thích hợp.

Việt Nam đã chủ động được thuốc điều trị Covid-19

Bộ Y tế cho biết, năng lực sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước có thể đáp ứng nhu cầu điều trị Covid-19. Sắp tới, Việt Nam cũng sẽ có thêm thuốc điều trị Covid-19 từ nguồn tại trợ.

Theo đó, nguồn tài trợ dự kiến sẽ về thời gian tới là 1 triệu viên Favipiravir (Công ty AIC) và khoảng 3.000 liều Casirivimab and Imdevimab (Thai Holdings).

Với thuốc Molnupiravir, tính tới thời điểm hiện tại, Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu 37.610.540 viên Molnupiravir để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, tức khoảng 940.000 liệu trình điều trị.

Liên quan năng lực sản xuất của 3 đơn vị trong nước đã được cấp phép, tổng công suất sản xuất thuốc Molnupiravir có thể đạt 280 triệu viên/tháng, tương ứng với 11 triệu liệu trình mỗi tháng.

Theo tính toán của Cục Quản lý khám chữa bệnh, số ca mắc Covid-19 mức độ nhẹ/tháng là 1.116.000 ca/tháng, ước tính 30% số bệnh nhân này phải dùng thuốc kháng virus và nếu dùng toàn bộ Molnupiravir thì nhu cầu Molnupiravir là 334.800 liệu trình/tháng.

Như vậy, sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu điều trị và giá thành hiện tại cho một liệu trình điều trị khoảng 300.000 đồng, được xem rẻ nhất trên thế giới.

Bộ Y tế cũng tiếp tục tổ chức thẩm định, xem xét để cấp giấy đăng ký lưu hành và cấp phép nhập khẩu thuốc cho tất cả các hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc Molnupiravir đáp ứng yêu cầu, gồm cả hồ sơ thuốc nước ngoài và hồ sơ thuốc sản xuất trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới