Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra mẫu cá chứa phenol

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra mẫu cá chứa phenol

Hoàng Nhung

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra mẫu cá chứa phenol
Cục An toàn Thực phẩm yêu cầu kiểm nghiệm lại cá nục để ổn định sản xuất. Ảnh CTV

(TBKTSG Online) – Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế vừa gửi công văn yêu cầu Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị báo cáo quy trình, phương pháp kiểm nghiệm, gửi mẫu cá có chứa chất phenol ra Bộ Y tế để kiểm tra lại nhằm đảm bào sức khỏe người dân và ổn định tình hình sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, cho biết sáng nay 13-6, rằng Bộ Y tế cũng yêu cầu địa phương gửi gấp mẫu cá nục có chứa chất phenol cho Cục để tìm hiểu kỹ hơn.

Trước đó, truyền thông đã đưa tin vào ngày 7-6, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Y tế và Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh tổ chức kiểm tra số hải sản còn tồn đọng tại các kho đông lạnh ở thị trấn Cửa Tùng.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị đã lấy 6 mẫu ngẫu nhiên tại kho đông lạnh của hộ bà Lê Thị Thuộc (khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh), gồm một mẫu cá ngừ, một mẫu cá trích, một mẫu cá song và ba mẫu cá nục. Trong số các mẫu này, một mẫu lấy từ lô hàng 20 tấn cá thu mua trước thời điểm cá chết, một mẫu từ 20 tấn cá thu mua sau thời điểm cá chết 10 ngày, và mẫu còn lại của 30 tấn cá thu mua ngay sau thời điểm cá chết.

Kết quả phân tích, kiểm nghiệm cho thấy 5/6 mẫu có các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục đại diện cho lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết đã phát hiện có hàm lượng phenol 0,037mg/kg. Đây là kết quả xét nghiệm từ một trung tâm kiểm nghiệm tại Huế. Cơ quan kiểm tra cho rằng phenol là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được phép có trong thực phẩm.

Theo kết quả kiểm nghiệm này, Sở Y tế Quảng Trị đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cho phép tiêu thụ 5 lô hàng có kết quả đạt yêu cầu và niêm phong, chờ xử lý gần 30 tấn cá nục có chứa chất phenol.

Ngay sau đó, trên các tờ báo và mạng xã hội đã rộ lên thông tin về cá nục có chất phenol cực độc được phát hiện ở Quảng Trị, gây hoang mang trong dư luận.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị báo cáo sự việc, từ quy trình cho đến phương pháp kiểm nghiệm, và gửi gấp mẫu cá nục có chứa chất phenol để Cục này kiểm tra lại nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và kiểm chứng để ổn định sản xuất.

Ông Phong của Cục An toàn thực phẩm cho rằng, xác định chính xác hàm lượng phenol trong thực phẩm là việc rất khó; do vậy Cục sẽ giao cho Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kiểm nghiệm lại; kết quả sẽ được công bố công khai, rộng rãi cho người dân biết.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo trong giai đoạn này phải xét nghiệm hải sản liên tục để phát hiện kim loại nặng, độc tố; mẫu nào, lô sản phẩm nào không đảm bảo chất lượng cần phải xử lý ngay tại địa phương, những mẫu khó phải gửi ra trung ương.

Trước một số ý kiến trái chiều về tác hại của chất phenol, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, Khoa Dược – Trường Đại học Y dược TPHCM, cho biết chất phenol trong thực phẩm nguy hại cho sức khỏe người dùng.

Ở Việt Nam, Bộ Y tế không cho phép sử dụng phenol trong thực phẩm, vì thế cũng không có quy định nào nhắc đến hàm lượng phenol trong thực phẩm.

Theo dược sĩ Đức, nếu phenol có trong cá nục ở Quảng Trị có thể có hai nguyên nhân: một là do ô nhiễm nguồn nước thải ra biển, nước biển có thành phần phenol nên cá nục ăn vào và chết. Hai là, ngư dân dùng chất phenol để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, dù từ nguyên nhân nào, chất này đều không nên có trong cá vì phenol có cấu trúc cực độc, có thể tan trong một số hợp chất hữu cơ, nhưng gây bỏng nặng khi rơi vào da.

Phenol được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, như được dùng để làm chất sát trùng, tẩy uế, hoặc để điều chế các chất diệt nấm mốc; là nguyên liệu để điều chế một số phẩm nhuộm, thuốc nổ. Từ phenol điều chế được chất diệt cỏ dại và kích thích tố thực vật 2,4 – D; và trong công nghiệp phenol là nguyên liệu để điều chế nhựa phenol formaldehyde; từ phenol có thể tổng hợp ra sợi tơ hóa học…

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục An Toàn thực phẩm, cho biết, Bộ Y tế không có quy định hàm lượng hàm lượng phenol trong thực phẩm vì đây là chất cấm sử dụng. Cục đang rà soát lại những quy định trên thế giới về hàm lượng phenol, xem trong danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế – Codex có phenol trong danh mục bị cấm không, nếu không cấm thì mức độ, ngưỡng cho phép là bao nhiêu để sớm công bố cho người dân biết.

Phenol ở mức 0,037 mg/kg chưa gây hại sức khỏe

Đối chiếu với tiêu chuẩn của cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA), một số chuyên gia cho rằng, với hàm lượng chất phenol ở mức 0,037mg/kg trong cá nục, một người ăn trung bình mỗi ngày 200 gram cá sẽ không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định, nếu dùng với liều lượng ít, khoảng 200g cá/ngày với hàm lượng trên thì không ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng nếu dùng nhiều, với tần suất lớn thì phenol vẫn gây tác hại.

Theo ông Long, hàm lượng chất phenol ở mức 0,037mg/kg trong cá nục gây hại cho sức khỏe như một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin thời gian qua là không có cơ sở.

“Khi đưa ra số liệu nào cần phải có cơ sở và bằng chứng chứng minh cụ thể, để tránh gây hoang mang cho người dân”, ông Long nói và cho biết thêm: “Hiện tại, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới chưa có quy định về hàm lượng phenol trong thực phẩm”, ông Long nói.

Theo ông Long, phải kiểm tra chất phenol nhiều lần mới có độ chính xác cao. Do đó, Sở Y tế và Sở Khoa học và công nghệ Quảng Trị đã gửi mẫu cá nục nhiễm phenol tại tỉnh Quảng Trị tới các viện chuyên môn ở Hà Nội để đánh giá lại một lần nữa.

Hàm lượng phenol trong các mẫu cá này sẽ được so sánh với số liệu từ cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu và Hoa Kỳ. Do vậy, để có kết luận chính xác, cần phải chờ kết quả các mẫu kiểm nghiệm này.

Trúc Diễm

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới