Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bóc ngắn cắn dài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bóc ngắn cắn dài

Lưu Hảo

(TBKTSG) – Thông tư 04/2011/TT-NHNN mới đây quy định những khoản tiền gửi rút trước hạn của dân cư, doanh nghiệp sẽ chịu lãi suất không kỳ hạn thấp nhất. Mục đích của quy định đó là nhằm ngăn chặn việc khách hàng rút tiền gửi từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao, gây bất ổn cho hệ thống.

Thế nhưng, văn bản ban hành còn chưa ráo mực, một số ngân hàng đã nâng lãi suất không kỳ hạn lên gấp 2-3 lần mức cũ, thấp thì 7-8%/năm, cao tới 12%/năm.

Các ngân hàng nhỏ, luôn đối mặt với nguy cơ thiếu thanh khoản, là những người tham gia cuộc đua nâng lãi suất không kỳ hạn nhanh nhất. Một số ngân hàng lớn phải chạy theo nếu không muốn mất khách hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng tức thì đến cơ cấu nguồn vốn huy động của ngân hàng và đặt các tổ chức tín dụng trước rủi ro kỳ hạn. Mặt khác, vốn huy động càng ngắn ngày, thì thời hạn cho vay càng co hẹp. Cả bên vay và cho vay cùng phải đối phó với diễn biến lãi suất để sao khỏi bất lợi cho mình. Rộng ra, vốn cung ứng cho nền kinh tế, thay bằng kỳ hạn dài ổn định khoảng 6-12 tháng, lại được đắp đổi bằng những kỳ hạn vài tuần, phổ biến là một, hai tháng. Sự bất ổn tiền tệ có thể dấy lên từ đây.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải tìm cách để Thông tư 04 không bị vô hiệu hóa. Nhưng trước mắt, việc cần làm là phải chấn chỉnh ngay chất lượng tín dụng của các ngân hàng nhỏ. Sở dĩ các ngân hàng nhỏ luôn phải chạy đôn chạy đáo lo mượn tiền, cả trên thị trường liên ngân hàng lẫn trong dân cư, vì họ đã có nhiều năm tăng trưởng tín dụng “nóng”, tổng dư nợ cao hơn tổng vốn huy động. Hơn nữa, một tỷ lệ lớn dư nợ của họ là cho vay bất động sản. Có ngân hàng vốn điều lệ 5.000-6.000 tỉ đồng, vốn huy động chừng 10.000 tỉ đồng mà dư nợ 15.000-20.000 tỉ đồng, thử hỏi làm sao không thiếu thanh khoản? Nhìn từ các ngân hàng đó, có thể hiểu tại sao lãi suất cho vay đang rất cao, mà tăng trưởng tín dụng quí 1-2011 vẫn có thể tăng tới 4% so với cuối năm ngoái. Thị trường bất động sản đang đóng băng, các khoản vay bất động sản đến hạn không trả được, có khả năng đã và đang được đảo nợ, nên lãi suất cao mấy, chủ nợ cũng phải vay tiếp và ngân hàng phải “cắn răng” bơm thêm vốn bởi nếu không, nợ xấu phải hạch toán, dự phòng rủi ro phải trích, lợi nhuận sẽ âm.

Hiện NHNN chỉ đạo tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng không được vượt quá 20% so với năm 2010. Với các ngân hàng nhỏ, biện pháp cần phải mạnh và dứt khoát hơn. Những ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cao so với vốn huy động cần phải giảm dư nợ về mức an toàn trước khi có tăng trưởng tín dụng mới. Đặc biệt, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay phi sản xuất ở mức trên 25% tổng dư nợ phải có biện pháp chấn chỉnh gấp, mà điều kiện tiên quyết là bắt buộc ngừng cho vay chứng khoán, bất động sản. Giới ngân hàng cho biết gần đây thanh tra của NHNN khá tích cực trong mảng tín dụng, song lại chỉ tập trung vào các ngân hàng lớn, nơi dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều, trong khi các ngân hàng nhỏ mới là nơi cần được thanh tra kỹ lưỡng.

Các ngân hàng nhỏ “bóc ngắn cắn dài”, tiềm lực tài chính mỏng nhưng luôn chạy theo tốc độ tăng trưởng tín

Ngân hàng nhỏ phải được đặt ở đúng vị trí, phù hợp với quy mô, chứ không nhất thiết phải có đủ chức năng kinh doanh ngoại tệ, tín dụng, dịch vụ, thẻ… như các ngân hàng tầm cỡ và là đối tượng điều chỉnh của các quy định chung liên quan đến tiền tệ, tài chính.

dụng cao, bất chấp các nguyên tắc về quản trị rủi ro, bấy lâu nay là một trong những nguyên nhân gây xáo trộn môi trường kinh doanh tiền tệ. Dư luận đã nhiều lần phản ứng, các giới chức cũng nhiều lần kiến nghị các giải pháp xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa có một chủ trương cứng rắn và thích hợp nào đối với các ngân hàng này. Ngân hàng nhỏ phải được đặt ở đúng vị trí, phù hợp với quy mô, chứ không nhất thiết phải có đủ chức năng kinh doanh ngoại tệ, tín dụng, dịch vụ, thẻ… như các ngân hàng tầm cỡ và là đối tượng điều chỉnh của các quy định chung liên quan đến tiền tệ, tài chính. Nếu tình trạng quản lý hòa đồng cứ tiếp tục, bất chấp quy mô vốn liếng, công nghệ, quản trị, thì sẽ đến lúc không chỉ các ngân hàng nhỏ, mà là cả hệ thống ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung phải trả giá.

NHNN có thể điều chỉnh Thông tư 04 bằng một mệnh lệnh hành chính như kiểu áp đặt mức lãi suất không kỳ hạn áp dụng chung cho tất cả các ngân hàng. Nhưng đã là giải pháp hành chính thì không thể kéo dài, nó chỉ có ý nghĩa tạm thời. Vậy tại sao chúng ta không đi theo chuẩn mực quốc tế? Ở các nước, lãi suất không kỳ hạn luôn luôn là 0%. Những khoản tiền gửi vào ngân hàng mà có thể rút ra bất cứ lúc nào thì không được hưởng lãi suất. Ngân hàng chỉ giữ hộ tiền cho khách hàng mà thôi. Nếu Việt Nam mạnh dạn sử dụng chuẩn mực này, việc “vốn chạy vòng quanh” mới có thể chấm dứt.

Ngoài ra, việc thỏa thuận lãi suất giữa ngân hàng với khách hàng đã bắt đầu biến tướng dưới những hình thức tinh vi như hợp đồng ủy thác đầu tư. Mức lợi nhuận trong các hợp đồng ủy thác đầu tư chẳng khác nào lãi suất kỳ hạn 3 -6-9-12 tháng, nhưng lại không bị giới hạn bởi bất cứ quy định lãi suất nào. Xét cho cùng, không thể cứ nước rỏ rỉ chỗ nào, cơ quan quản lý lại lấy xi măng trét lỗ hổng ở đó. Ở đây, cần chấp nhận hy sinh một số nhóm lợi ích đặc quyền để có giải pháp thích hợp tháo gỡ tận gốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới