Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Boeing rót 450 triệu đô la vào startup phát triển taxi bay tự hành

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm 24-1, hãng sản xuất máy bay Boeing thông báo đầu tư thêm 450 triệu đô la vào Wisk Aero, một công ty khởi nghiệp (startup) đang phát triển taxi bay điện tự hành.

Được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo, taxi bay của Wisk Aero có thể chở theo hai hành khách, bay quãng đường tối đa 40 km. Hành khách có thể gọi taxi bay này qua một ứng dụng. Ảnh: The Sun

Wisk Aero, có trụ sở tại California (Mỹ), là một liên doanh gữa Boeing và Kitty Hawk, startup taxi điện do Larry Page, người đồng sáng lập Google, thành lập, là một trong số hàng chục hãng đang phát triển máy bay điện cất và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL). Tuy nhiên, Wisk Aero khác với các hãng khác ở chỗ tập trung nỗ lực vào phát triển taxi bay tự hành.

Marc Allen, Giám đốc chiến lược của Boeing, nói: “Lợi thế chiến lược lớn của Wisk Aero là hướng thẳng đến máy bay tự hành, xây dựng các nguyên tắc đó ở mọi cấp độ thiết kế và phát triển”.

Được trang bị 12 cánh quạt động cơ điện, taxi bay tự hành của Wisk Aero có thể chở hai người và được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Hành khách sẽ gọi taxi bay thông qua một ứng dụng. Nếu chở theo hai hành khách, nó sẽ bay quãng đường tối đa 40 km sau một lần sạc đầy pin và có thể đạt tốc độ tối đa 177 km/ giờ.

Kể từ khi thành lập năm 2010, Wisk Aero đã thực hiện hơn 1.500 chuyến bay thử nghiệm và phát triển 5 thế hệ taxi bay. Công ty khởi nghiệp này hiện đang phát triển taxi thế hệ thứ 6, được kỳ vọng trở thành chiếc máy bay điện tự hành chở khách đầu tiên được chứng nhận ở Mỹ.

Wisk Aero cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn mới để triển khai một lộ trình tăng trưởng nhanh chóng, tuyển dụng thêm nhân viên mới vào đội ngũ nhân sự khoảng 350 người hiện tại, đồng thời khởi động quy trình sản xuất để hướng đến mục tiêu triển khai kinh doanh dịch vụ taxi bay toàn diện trong 5 năm tới. Đến lúc đó, Wisk dự báo sẽ thực hiện 14 triệu chuyến bay mỗi năm tại khoảng 20 thị trường lớn trên toàn cầu.

Dĩ nhiên, điều này còn phụ thuộc vào Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) và các cơ quan quản lý hàng không khác trên thế giới, những nơi mà Wisk Aero cần phải xin cấp phép vận chuyển hành khách cho taxi bay của mình. Cho đến nay, FAA chưa cấp phép hoạt động thương mại cho bất kỳ máy bay eVTOL nào. Các chuyên gia cho rằng có thể mất tối thiểu 5 năm, và có thể lâu hơn, để các cơ quan quản lý chứng nhận rằng những loại máy bay mới này đủ an toàn để vận chuyển hành khách.

Boeing, đang sở hữu cổ phần đa số tại Wisk Aero, không phải là công ty hàng không vũ trụ duy nhất hợp tác với Thung lũng Silicon để chia sẻ chi phí phát triển và thúc đẩy cách tiếp cận linh hoạt đối với đổi mới khi những bước nhảy vọt diễn ra đồng thời trong lĩnh vực công nghệ điện, vật liệu và xử lý đưa hàng không vào tầm với của các startup.

Các hãng sản xuất máy bay khác bao gồm Airbus và Embraer, cùng với một loạt startup khác, cũng đang phát triển taxi bay điện của riêng họ. Đây là một trong những thị trường nóng bỏng nhất dù hầu hết các startup chưa giới thiệu được một nguyên mẫu taxi bay có thể chở hành khách.

Theo dữ liệu của hãng tư vấn McKinsey, năm ngoái, giới đầu tư đã rót hơn 7 tỉ đô la vào các công ty tập trung phát triển tất cả các loại giải pháp di chuyển bằng hàng không trong tương lai, tăng hơn gấp đôi so với 10 năm trước đó cộng lại.

Tính đến nay, đã có hơn 7.500 đơn đặt hàng và quyền chọn mua cho tất cả các loại taxi bay, cũng như hệ thống động cơ đẩy với tổng trị giá 30 tỉ đô la.

Một số công ty phát triển taxi bay đã niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán New York hồi năm ngoái nhưng đang giao dịch với mức giá thấp hơn so với ngày mới lên sàn do cơn hưng phấn của giới đầu tư lắng xuống.

Robin Riedel, đối tác của McKinsey, cho biết sau khi đón nhận dòng vốn ồ ạt vào năm ngoái, ông dự báo năm nay, các công ty phát triển taxi bay sẽ tập trung vào việc sửa chữa các thiết kế nguyên mẫu của họ và bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng.

Ông bày tỏ tin tưởng vào tương lai của loại hình taxi bay điện. Thực tế là các hãng hàng không lớn đã tham gia một số thỏa thuận góp vốn vào các startup phát triển taxi bay điện, cho thấy thái độ nghiêm túc của họ. Các nhà phân tích dự báo thị trường taxi bay toàn cầu có thể đạt giá trị 150 tỉ đô la vào năm 2035.

Hai trong số những thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực này là phát triển cơ sở hạ tầng cũng như xin giấy chứng nhận của các cơ quan quản lý an toàn hàng không. Năm ngoái, Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu cho biết họ dự kiến taxi bay thử nghiệm thương mại đầu tiên sẽ triển khai vào năm 2024 hoặc 2025.

Riedel cho biết thêm ngoài việc chính thức giới thiệu taxi bay ra thị trường, thách thức lớn nhất là làm thế nào để kinh doanh có lãi với dịch vụ taxi này.

Theo Financial Times, The Sun

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới