Bồi thường đất nông nghiệp vẫn chưa cụ thể
![]() |
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định mới liên quan đến bồi thường đất nông nghiệp nhưng nhiều ý kiến cho rằng quyết định này vẫn chưa cụ thể – Ảnh minh họa: Lê Toàn |
(TBKTSG Online) – UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định về bồi thường cho những trường hợp nông dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá rằng quyết định mới này vẫn chưa cụ thể.
Quyết định nói trên (Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND – Quyết định 33) ra đời trong bối cảnh số lượng dự án liên quan đến thu hồi đất tại Hà Nội đang tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ dân.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, tính đến ngày 1-5-2008, thành phố phải thực hiện thu hồi đất ở 360 dự án, với tổng diện tích 2.209 héc ta. Trong đó có trên 280 dự án liên quan đến thu hồi đất nông nghiệp với diện tích khoảng 1.700 héc ta, ảnh hưởng đến khoảng 28.000 hộ gia đình đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Việc ban hành Quyết định 33 vào thời điểm này được đánh giá là cần thiết, khi nhiều công trình trọng điểm đang bị chậm tiến độ do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, các dự án liên quan đến thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đều bị chậm trễ. Tuy nhiên, nhiều hạn chế của quyết định, kéo theo những vấn đề nảy sinh cũng đã được dự báo.
Trước hết, Quyết định 33 quy định chính sách bồi thường bằng đất ở, nhà ở hoặc bằng tiền khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao. Nhưng nhiều nhà đầu tư băn khoăn, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường cho hộ dân bị thu hồi đất khi diện tích đất bị thu hồi vượt 30%.
Một ý kiến nêu ra giả định rằng trong trường hợp một hộ dân có 1.000m2 đất nông nghiệp, chủ đầu tư thứ nhất thu hồi 10% đất, chủ đầu tư thứ hai thu hồi 20%, chủ đầu tư thứ 3 thu hồi 10%, thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư nào? Không lẽ chủ đầu tư cuối cùng sẽ phải chấp nhận đền bù đất cho dân theo kiểu “rơi vào ai người ấy chịu” như giải thích của một quan chức thuộc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội?
Quyết định mới nói trên cũng nêu, các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không thuộc đối tượng thực hiện quyết định này. Quy định này được đánh giá là hợp lý vì trong thực tế, nhiều trường hợp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với mục đích đầu cơ, mua đi bán lại nhiều lần để kiếm lời.
Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội cho biết, đối tượng Quyết định 33 nhắm tới là người nông dân bị thu hồi đất sản xuất, cần được đền bù thỏa đáng. Với các trường hợp mua đi bán lại để kiếm lời, cuộc sống của họ không gắn với đất, do vậy đất nông nghiệp trong trường hợp này lại không đóng vai trò là tư liệu sản xuất.
Ông Biền cũng lý giải nguyên nhân vì sao chính sách chỉ áp dụng đối với trường hợp người nông dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất, vì khi đó cuộc sống của người dân mới bị ảnh hưởng lớn.
Tuy vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy đúng nhưng chưa đủ khi chưa tính đến trường hợp nhận chuyển nhượng đất của người nông dân nhưng vẫn trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp thì sẽ được bồi thường như thế nào?
Quyết định cũng có nhiều điểm gây trở ngại cho nhà đầu tư và người dân. Trong điều khoản quy định quỹ đất ở, nhà ở để bồi thường, quyết định nêu rõ: “Trường hợp khi thu hồi đất nông nghiệp mà chủ đầu tư chưa bố trí được quỹ nhà ở, đất ở thì UBND quận, huyện ghi nhận diện tích đất ở và nhà ở căn hộ sẽ giao, bán cho các hộ gia đình, cá nhân. Thời gian giao đất ở hoặc bán nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất là ba năm kể từ khi các hộ gia đình, cá nhân bàn giao diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi”. Có ý kiến cho rằng với quy định như trên thì trong ba năm kể từ giao đất người dân sẽ ở đâu?
Hơn nữa, quyết định nói rằng khi thực hiện khoản này, chủ đầu tư phải cam kết ghi nhận nợ với UBND các quận, huyện. Một chủ đầu tư cho biết, lẽ ra quy định phải yêu cầu chủ đầu tư phải ghi nợ với người dân, chứ không phải với UBND quận, huyện vì chính người dân là đối tượng bị thu hồi đất. Trong trường hợp UBND các quận, huyện không thực hiện đúng những cam kết mà chủ đầu tư đã cam kết đối với dân, thì nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu thiệt hại.
Một quan chức thuộc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội cho biết, vấn đề khó khăn nhất khi áp dụng Quyết định 33 vào thực tế là làm sao vừa quản lý được diện tích đất nông nghiệp, lại phải liên kết được chủ đầu tư và người dân trong giải quyết tranh chấp.
Theo quyết định trên, tại các xã, thị trấn thuộc huyện, hình thức bồi thường là giao đất ở có hạ tầng kỹ thuật. Các hộ gia đình, cá nhân trú tại các phường thuộc các quận được mua căn hộ trong quỹ đất tái định cư. Hộ gia đình, cá nhân tại các xã ven đô, thị trấn đủ điều kiện được giao đất ở, nếu không nhận đất, có nguyện vọng mua căn hộ chung cư mà tại địa bàn huyện đó có quỹ nhà ở tái định cư thì được mua căn hộ trong quỹ nhà đó. Căn cứ quỹ đất thực tế của thành phố Hà Nội, hạn mức giao đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân tại các huyện được quy định như sau: thị trấn và các xã ven đô là 60 m², các xã đồng bằng là 80 m², và các xã trung du là 120m². Các hộ gia đình, cá nhân khi nhận căn hộ, đất ở thì phải nộp tiền sử dụng đất ở, tiền mua nhà một lần nộp vào ngân sách thành phố, không áp dụng hình thức trả chậm. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không có nhu cầu nhận đất ở, nhà ở thì được bồi thường bằng tiền. Số tiền được tính như sau: T=[(Gđ- (Gnn+Ppt)]x Sđ T: Số tiền được nhận bồi thường Gđ: Giá đất tại vị trí được giao theo bảng giá đất do UBND Thành phố ban hành Gnn: Giá đất nông nghiệp tương ứng bị thu hồi theo bảng giá đất do UBND thành phố ban hành Ppt: Chi phí đầu tư hạ tầng bình quân khu dân cư Sđ: Diện tích đất được giao cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định. |
HẠNH LIÊN