Bom nợ trái phiếu doanh nghiệp đe dọa kinh tế Trung Quốc
Chánh Tài
![]() |
Bom nợ trong nền kinh tế đang chực chờ nổ nếu chính phủ TQ không có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Ảnh minh họa: Internet |
(TBKTSG Online) – Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cao ngất ngưởng đang làm gia tăng các rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc (TQ), trong bối cảnh Bắc Kinh khuyến khích vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo The Wall Street Journal, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới làm dấy thêm các lo ngại của giới đầu tư và các nhà phân tích rằng nợ của TQ, vốn đã tăng nhanh gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của GDP, đang làm trầm trọng thêm nguy cơ về cuộc khủng hoảng tín dụng đang manh nha và có thể gây trở ngại cho các nỗ lực của TQ nhằm chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng chậm hơn và dựa chủ yếu vào sức mua trong nước.
Nợ doanh nghiệp bằng 160% GDP
Nợ doanh nghiệp của TQ (bao gồm trái phiếu và các khoản vay khác) hiện nay đã lên mức 160% GDP, so với mức 98% GDP vào năm 2008, theo Công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s. Tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là 70% GDP.
Theo Ngân hàng Nhân dân, tức Ngân hàng trung ương TQ, chỉ riêng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán (outstanding bonds) vào năm ngoái ở Trung Quốc đã là 14,6 nghìn tỉ nhân dân tệ (2.200 tỉ đô la Mỹ), tăng 25% so với năm trước đó.
Chính sách của nhà nước TQ đang dẫn đến cơn bùng nổ phát hành trái phiếu doanh nghiệp; doanh nghiệp thích huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu vì rẻ hơn 15% so với vay nợ ngân hàng, có nghĩa là những doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể sử dụng chúng để tái cơ cấu các khoản vay nợ.
Chính phủ TQ lý giải rằng thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu là một phần của kế hoạch buộc các doanh nghiệp phải gánh rủi ro trực tiếp khi các ngân hàng đang chật vật với các khoản nợ xấu gia tăng. “Điều này phù hợp với chỉ đạo cải cách của TQ. Trước đây, chúng tôi chủ yếu dựa vào các khoản vay ngân hàng, còn bây giờ chúng tôi muốn dần dần tăng vay nợ trực tiếp từ thị trường (direct financing)”, Yang Yiming, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện TQ nói vào tuần trước.
Từ lâu, TQ tìm cách đa dạng hóa thị trường vốn bằng cách phát triển kênh huy động vốn bằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Thông thường, các ngân hàng thường cung cấp khoảng 70% tất cả các khoản cho vay ở TQ. Khi nợ xấu bắt đầu dâng cao cách đây hai năm, các cơ quan quản lý TQ phải trông chờ vào thị trường chứng khoán và trái phiếu nhằm phân tán rủi ro tín dụng trong hệ thống, hạ thấp chi phí huy động vốn và mở rộng các kênh huy động tài chính cho các công ty.
Các hy vọng về việc sử dụng thị trường chứng khoán như là một công cụ huy động vốn chủ lực đã vỡ vụn khi giá cổ phiếu sụp đổ vào mùa hè năm ngoái, kéo dài đến hôm nay. Mới hôm qua 25-2-2016, thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến lại chứng kiến một phiên giao dịch tồi tệ khi các chỉ số chính giảm tới 6%-7% so với phiên trước. Tuy nhiên, các nhà quản lý vẫn xem thị trường chứng khoán là kênh khả quan để tái cấu trúc rủi ro. “Năm 2016, chúng tôi muốn thực hiện đầy đủ chức năng huy động vốn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp để thúc đẩy hơn nữa cải cách, tăng trưởng bền vững”, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia TQ cho biết trong trong tuyên bố ngày 24-2.
Bế tắc chính sách
![]() |
Công nhân làm việc trong một nhà máy thép ở tỉnh Hồ Bắc. Nhiều công ty thép ở TQ đang chìm ngập trong nợ nần khi nhu cầu ảm đạm. Ảnh: Reuters |
Khuyến khích phát hành trái phiếu tạo ra xung đột giữa quyết tâm duy trì tăng trưởng kinh tế và nỗ lực chung nhằm giảm nợ trong nền kinh tế.
“TQ sẽ không cho phép nền kinh tế giảm tốc quá sâu nhưng TQ cũng không thể chấp nhận gia tăng các rủi ro tài chính”, Fang Xinghai, cố vấn kinh tế cấp cao của Chủ tịch Tập Cận Bình nói vào tháng trước. Ông Fang cho biết chính phủ không quá lo lắng về mức tăng nhanh chóng của nợ doanh nghiệp vì tin rằng các doanh nghiệp huy động vốn bằng phát hành trái phiếu có các chỉ số tài chính tốt. Ông cho rằng giảm đòn bẩy tài chính phải diễn ra dần dần và phải xem xét đến tăng trưởng kinh tế.
Các quan chức Ngân hàng Nhân dân TQ lập luận rằng mô hình tăng trưởng cũ (sử dụng tín dụng giá rẻ để thúc đẩy tăng trưởng) đã đạt đến giới hạn của nó.
Trong khi đó, giới phân tích lo ngại đẩy mạnh phát hành trái phiếu sẽ giúp duy trì tình trạng lay lắt một số ngành công nghiệp đang què quặt vì dư thừa công suất và gây rủi ro vỡ nợ trên diện rộng.
“Chính phủ TQ đang bế tắc về chính sách. TQ muốn tăng trưởng đạt ít nhất 6,5% (mức trung bình trong 5 năm tới) và muốn cải cách đế tái cân bằng nền kinh tế nhưng đồng thời cũng muốn giảm đòn bẩy tài chính. Bạn không thể thực hiện cả ba điều này cùng một lúc được”, chuyên gia Ivan Chung của Công ty tư vấn Moody's Investors Services nhận xét.
Khoảng 70% lượng trái phiếu phát hành năm ngoái ở TQ phục vụ các ngành bất động sản và các công ty liên quan đến xây dựng đang nợ đầm đìa; 10 % lượng trái phiếu phục vụ các ngành công nghiệp nặng và các công ty xây dựng cở sở hạ tầng chẳng hạn các nhà máy thép, nhà máy xi măng. Các công ty này đang chìm ngập trong nợ nần khi giá nhà đang giảm ở một số thành phố nhỏ của TQ và ngành công nghiệp nặng đang chật vật với tình trạng dư thừa năng suất.
Tình trạng nợ nần lớn đang là “dịch bệnh” của nhiều công ty lớn của TQ, chẳng hạn Tập đoàn Hóa chất quốc gia TQ (ChemChina) – tập đoàn vừa quyết định bỏ ra 43 tỉ đô la Mỹ để mua lại tập đoàn hóa chất nông nghiệp Syngenta AG tuần trước – có mức nợ cao gấp 12 lần lợi nhuận trước thuế. Giới phân tích thường báo động rủi ro khi nợ của doanh nghiệp cao hơn gấp 5 lần lợi nhuận trước thuế.
Khi chi phí nợ gia tăng, các công ty buộc phải sử dụng nguồn vốn để trả lãi thay vì để đầu tư. Công ty nghiên cứu và tư vấn Gavekal Dragonomics, có trụ sở ở Bắc Kinh, ước tính TQ đang chi khoảng 20% GDP chỉ để thanh toán nợ doanh nghiệp và nợ của hộ gia đình.