Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bốn công ty dược phản bác kết luận thanh tra

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bốn công ty dược phản bác kết luận thanh tra

Đào Loan

Ông Huỳnh Tấn Nam, Tổng giám đốc Pymepharco trao đổi với phóng viên sau cuộc họp báo sáng 13-9 – Ảnh: Đào Loan

(TBKTSG Online) – Bốn doanh nghiệp dược gồm Imexpharm, Stada Vietnam, Pymepharco và Pharimexco cho rằng mình không sai phạm trong hợp đồng bán thuốc Oseltamivir (tương tự thuốc Tamiflu) chống dịch cúm A/H5N1 cho Bộ Y tế cũng như không nhận tiền hoa hồng từ đối tác nước ngoài.

Do vậy các doanh nghiệp khẳng định sẽ không nộp lại tiền vào tài khoản tạm giữ của thanh tra như yêu cầu. Thông tin được đưa ra trong buổi họp báo giải thích một số thông tin liên quan đến việc sản xuất thuốc Oseltamivir 75 mg do bốn công ty trên tổ chức tại TPHCM sáng 13-9.

Cuộc họp này được tổ chức để giải thích thông tin từ một số cơ quan truyền thông, dẫn thông tin từ tài liệu của Thanh tra Chính phủ cho rằng, bốn doanh nghiệp này đã vận động để được lựa chọn vào chương trình sản xuất thuốc chống dịch cúm gia cầm, việc mua nguyên liệu có vấn đề vì đã mua với giá cao, ba công ty Imexpharm, Stada Vietnam, Pymepharco đã nhận hoa hồng hàng trăm ngàn đô la Mỹ từ đối tác nước ngoài, từ Stada Hồng Kông trong thương vụ này.

Doanh nghiệp “tố” Bộ Y tế

Tương tự như những thông tin đưa trước đó, ba tổng giám đốc của Imexpharm, Stada Vietnam, Pymepharco, cho rằng hợp đồng giữa doanh nghiệp và Bộ Y tế là hợp đồng bán thuốc chứ không phải bán nguyên liệu. Đã là hợp đồng bán thuốc thì doanh nghiệp có quyền chọn nhà cung cấp nguyên liệu, đàm phán giá để sản xuất thuốc bán theo giá thỏa thuận cho bộ. Ba công ty này đã chọn nguyên liệu của Stada IE- Hồng Kông còn Pharimexco chọn đối tác Singapore.

“Chúng tôi mua giá nguyên liệu cao nhưng bán cho bộ với giá 1,75 đô la Mỹ/viên, một mức giá thấp so với giá thuốc trên thị trường lúc bấy giờ”, bà Trần Thị Đào, Tổng giám đốc Imexpharm nói.

Theo ông Ông Văn Dũng, Tổng giám đốc Stada Vietnam, từ cuối năm 2005 đến hết 2006, hãng dược Roche không chào bán nguyên liệu sản xuất Tamiflu cho bất cứ nước nào trên thế giới. Các nước có yêu cầu thì phải chờ đợi và Việt Nam đứng hàng thứ 41 trong danh sách chờ này.

Các doanh nghiệp cho rằng, trong thương vụ này doanh nghiệp đã bị nhà nước (Bộ Y tế) không thực hiện những cam kết về ứng vốn, không thương thảo giá với doanh nghiệp, thay đổi số lượng đặt hàng liên tục trong thời gian ngắn và vẫn còn còn nợ doanh nghiệp 8 tỉ đồng dù hợp đồng đã thanh lý từ tháng 5-2007.

Theo đó, cuối tháng 11-2005, Bộ Y tế kêu gọi doanh nghiệp bằng mọi cách tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc phục vụ chống dịch và gấp rút sản xuất Oseltamivir 75 mg. Nhà nước sẽ ứng vốn để giữ số lượng nguyên liệu nhưng sau đó bộ đã không thực hiện nên doanh nghiệp phải chi ra nhiều triệu đô la để đặt cọc cho đối tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế thay đổi số lượng đặt hàng liên tục trong thời gian ngắn và trong bối cảnh thế giới đang có nhu cầu cấp bách với loại nguyên liệu này, đã đưa doanh nghiệp vào thế nguy hiểm do khả năng sẽ thua lỗ lớn do vi phạm hợp đồng với phía nước ngoài. Ngày 21-11-2005, Bộ Y tế đặt hàng 5 triệu viên/doanh nghiệp nhưng đến 9-12-2005 đặt hàng 10 triệu viên rồi chỉnh thành 7,5 triệu viên và cuối cùng hợp đồng chính thức, ký ngày 17-1-2006 là 5 triệu viên với giá là 27.765,5 đồng/viên.

Còn bà Đào thì cho biết, doanh nghiệp đã trình chi phí sản xuất để tính ra giá bán của thuốc lần lượt là 1,9, 1,91 và 1,92 đô la/viên nhưng Bộ Y tế lại không xem xét và áp giá thấp nhất của Thái Lan lúc bây giờ là 1,75 đô la.

Không nhận hoa hồng, không trả lại tiền

Bà Trần Thị Đào, Tổng giám đốc Imexpharm cho biết phân nửa số thuốc Oseltamivir 75 mg hiện đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn còn đạt đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng như quy định. Vì thế, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Y tế gia hạn sử dụng thuốc.

Việc công bố hạn dùng trong 2 năm kể từ ngày sản xuất chỉ có nghĩa là ngay thời điểm sản xuất, doanh nghiệp chỉ có đủ dữ liệu khoa học để định ra hạn dùng này. Sau đó, nếu chất lượng đảm bảo thì nhà sản xuất sẽ tiếp tục xin phép cơ quan quản lý dược cho nâng hạn dùng.

Theo ba doanh nghiệp tại buổi họp báo (đại diện một doanh nghiệp bị trễ chuyến bay là Pharimexco nên không có mặt trong họp báo), việc đoàn Thanh tra Chính phủ yêu cầu Imexpharm, Stada Vietnam và Pymephaco phải nộp các khoản bồi thường hao hụt tổng cộng trên 45 tỉ đồng, lần lượt là gần 15,7 tỉ đồng (Imexpharm), gần 15 tỉ đồng với hai công ty còn lại vào tài khoản tạm giữ của thanh tra là không có cơ sở.

“Chúng tôi đã kiến nghị là không nộp và chúng tôi vẫn kiên trì với ý kiến này vì đây là khoản tiền mà Stada IE – Hồng Kông chuyển cho chúng tôi để đền bù thiệt hại do sản lượng không đạt chứ không phải là tiền hoa hồng”, ông Ông Văn Dũng của Stada Vietnam nói.

Bà Đào của Imexpharm cho rằng, theo thông lệ của các công ty dược thì có đến ba hợp đồng được ký kết giữa bên mua và bán, gồm hợp đồng mua bán thành phẩm nguyên liệu, hợp đồng sản xuất và hợp đồng chuyển giao công nghệ. Trong đó hợp đồng cuối cùng có ghi các khoản bồi thường nếu sản lượng không đạt.

Tuy nhiên, thanh tra lại không xem xét hợp đồng cuối cùng mà chỉ xem hợp đồng thứ nhất vốn không có điều khoản này.

“Chúng tôi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm, nếu muốn lấy thì nhà nước lấy từ cơ quan thuế, Bộ tài chính. Đây là khoản tiền bên bán nguyên liệu chuyển cho chúng tôi để bồi thường”, bà nói.

Ông Huỳnh Tấn Nam, Tổng giám đốc của Pymepharco giải thích thêm, Stada IE – Hồng Kông cam kết 1 kg nguyên liệu sẽ sản xuất được 10.100 viên nhưng sau đó sản lượng không đạt. Do đó, bên mua đã khiếu nại và được chấp thuận số tiền đền bù trên.

Tuy nhiên, khi nhiều phóng viên hỏi về sản lượng thực tế của 1 kg nguyên liệu để làm căn cứ đòi bồi thường từ đối tác nước ngoài thì ba doanh nghiệp trên chưa trả lời được và hẹn sẽ gởi thông tin đến phóng viên sau khi lấy số liệu từ sổ sách.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, tại sao doanh nghiệp vẫn mua nhiều nguyên liệu thuốc khi biết thời gian sử dụng nguyên liệu chỉ có ba năm, ông Dũng cho rằng không phải doanh nghiệp muốn mua mà phải theo đúng hợp đồng với Bộ Y tế. Với số nguyên liệu các công ty mua lúc đó đủ để sản xuất 2 triệu liều, tức khoảng 2%/tổng dân số lúc đó thực chất còn thấp hơn yêu cầu của một số nước dự trữ thuốc chống cúm vào khoảng 4%/tổng dân số.

Cùng với những thông tin “tố” Bộ Y tế, ba doanh nghiệp trên đều cho rằng, việc thanh tra không công bằng với doanh nghiệp. “Công an (C37, Bộ Công an) đến nói là để xác minh đơn tố giác nhưng sau đó làm việc như thể doanh nghiệp có tội rồi Thanh tra Chính phủ thấy có tiền từ đối tác chuyển vào nên cho rằng có sai phạm”, bà Đào nói.

Trong buổi họp báo, ngoài các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, còn có đại diện một số công ty quản lý quỹ đầu tư tham gia. Đại diện của một quỹ đầu tư đã đầu tư vào Pharimexco, cho biết quỹ này vẫn đang theo dõi sát những thông tin liên quan đến vụ việc nhưng hiện chưa đưa ra quyết định mới nào liên quan đến việc đầu tư vào công ty dược này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới