Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bốn hình thức huy động vốn để đầu tư hạ tầng hàng không

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bốn hình thức huy động vốn để đầu tư hạ tầng hàng không

Lan Nhi (thực hiện)

Bốn hình thức huy động vốn để đầu tư hạ tầng hàng không
Cảng hàng không Phú Quốc có tên trong danh sách bán đứt hoặc chuyển nhượng quyền khai thác để lấy tiền đầu tư các sân bay mới. Ảnh:Bộ GTVT

(TBKTSG Online)- Sau khi công bố Đề án xã hội hóa đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng không, tuyên bố bán sân bay Phú Quốc, một phần nhà ga T1 sân bay Nội Bài…, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã xây dựng kế hoạch huy động vốn qua bốn hình thức để kêu gọi nhà đầu tư.

TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT),  xung quanh các hình thức gọi vốn này.

* TBKTSG Online: Thưa ông, mấy ngày qua, Bộ GTVT công bố rộng rãi việc kêu gọi các nhà đầu tư ngoài nhà nước rót vốn xây sân bay, bán đứt hoặc chuyển nhượng một số cảng để có tiền xây sân bay Long Thành. Dường như nhu cầu tìm tiền để đầu tư vào hạ tầng hàng không đã trở nên bức bách?

– Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ như hiện nay thì hàng không là phương thức vận tải tối ưu. Nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội càng lớn thì đột phá về hạ tầng hàng không chắc chắn càng trở nên cần thiết, cần những đột phá bởi thực tế còn nhiều tiềm năng phát triển cho lĩnh vực này. Nó kéo theo triển vọng thu hút vốn của các thành phần kinh tế-xã hội rất khả quan.

Điều này đã được minh chứng trong thời gian qua bằng việc các doanh nghiệp đã chủ động huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đội tàu bay mà điển hình là Vietjet Air.

Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, phải dành ngân sách tập trung vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động các nguồn lực xã hội thì việc huy động vốn từ các nguồn xã hội hóa là lựa chọn tối ưu.

* Bộ GTVT hướng đến các hình thức huy động cụ thể như thế nào nhằm thu hút các nhà đầu tư , đảm bảo đôi bên cùng có lợi?

– Trong thời gian qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã triển khai hàng loạt dự án  xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông bằng nguồn vốn doanh nghiệp và vốn vay. Các  dự án này đều khai thác tốt, đủ khả năng hoàn vốn đầu tư.

Trong giai đoạn 2011-2014 vừa qua, chỉ tính riêng vốn cho lĩnh vực kết cầu hạ tầng cảng hàng không, sân bay là hơn 45.000 tỉ đồng thì trong đó nguồn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ chỉ chiếm 13,7% (6.154 tỉ đồng).

Trong giai đoạn tới, Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa qua bốn hình thức sau: đề xuất nguồn thu từ cổ phần hóa công ty mẹ ACV, nguồn từ thoái vốn, cổ phần hóa các công ty con, nguồn từ chuyển nhượng quyền khai thác một số cảng hàng không, sân bay, nhà ga, và nguồn từ huy động các thành phần kinh tế thông qua thành lập các công ty cổ phần, công ty liên doanh, liên kết để cùng đầu tư xây dựng khai thác các dự án hạ tầng hoặc các nhà đầu tư độc lập trực tiếp đầu tư các dự án.

Với tiềm năng sẵn có và nhu cầu thực tế hiện nay thì Việt Nam đứng thứ 7 trong số quốc gia có tốc độ tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới (theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế – IATA) nên việc thu hút các nguồn lực là khả thi, nhất là trong điều kiện các cảng hàng không hiện đang kinh doanh có lãi.

* Những dự án nào sẽ được chọn làm thí điểm xã hội hóa bên cạnh sân bay Phú Quốc và nhà ga T1 sân bay Nội Bài?

– Bộ GTVT đã lên một danh mục các dự án, các sân bay và cảng hàng không cùng dự kiến hình thức đầu tư để các doanh nghiệp lựa chọn. Ưu tiên số một hiện nay là các danh mục xã hội hóa ở sân bay quốc tế Long Thành; bên cạnh đó là dự án mở rộng nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất do ACV làm chủ đầu tư; và kêu gọi vốn để mở rộng cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (đường cất hạ cánh, nhà ga). Ngoài ra là dự án xây dựng nhà ga hàng hóa, nhà ga quốc tế cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Về các dự án nhượng quyền khai thác, trước mắt sẽ nghiên cứu để chuyển nhượng quyền khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng Đà Nẵng và một phần nhà ga sân bay Nội Bài.                                                

Ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc phát triển dự án của CTCP hàng không Vietjet:

"Chủ trương xã hội hóa sẽ kéo ngành hàng không hội nhập nhanh hơn, đồng thời giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước. Ba năm vừa qua, nhu cầu vận chuyển hàng không nội địa tăng khoảng trên 20% mỗi năm, nghĩa là mỗi năm tăng thêm khoảng trên dưới 4 triệu lượt khách.

VietJet hiện đang khai thác khoảng 150 chuyến bay mỗi ngày, nếu được giao quyền khai thác nhà ga, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong kế hoạch phát triển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi tin rằng với cơ chế quản lý tư nhân thì có thể khẩn trương đầu tư, ứng dụng những mô hình và công nghệ tiên tiến trên thế giới để tăng công suất, hiệu quả khai thác của nhà ga, từ đó vẫn tăng được lượng khách vận chuyển.

Các dịch vụ dành cho hành khách tại nhà ga chắc chắn sẽ được nâng cao khi chúng tôi chủ động có mặt bằng để đầu tư. Bên cạnh đó, khi quản lý khoa học và đồng bộ sẽ tăng được khả năng khai thác, hạn chế tắc nghẽn, giảm tỉ lệ chậm chuyến."

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới