Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bốn nhà phân phối cam kết sẽ tiêu thụ xăng dầu cho Dung Quất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bốn nhà phân phối cam kết sẽ tiêu thụ xăng dầu cho Dung Quất

Ngọc Lan

Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ có thể dự trữ tối đa lượng tồn kho 360.000 mét khối nên việc đẩy mạnh tiêu thụ luôn là nhiệm vụ hàng đầu. Ảnh:TL.

(TBKTSG Online) – Để tránh tình trạng lượng xăng dầu sản xuất ra nhưng chưa có hợp đồng tiêu thụ dẫn đến tồn kho lớn như thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã cùng 4 doanh nghiệp phân phối đầu mối: Petrolimex, PV Oil, Petec và Vinapco đã ký kết hợp đồng tiêu thụ gần hết số sản phẩm mà nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ sản xuất năm 2011.

Theo tính toán của BSR, dự kiến năm 2011, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ sản xuất khoảng 4,9 triệu tấn sản phẩm, trong đó có 4,6 triệu tấn là sản phẩm xăng dầu các loại (tương đương 5,8 triệu mét khối). Kể từ khi đi vào vận hành chính thức từ cuối tháng 5-2010, đến thàng 7 và tháng 8-2011, nhà máy sẽ tạm dừng sản xuất 2 tháng để bảo dưỡng định kỳ theo đúng thiết kế.

Để tránh tình trạng tồn kho sản phẩm nhiều như hồi tháng 10 vừa qua, BSR đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để thỏa thuận các điều khoản hợp đồng và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất cho năm 2011.

Theo đó, BSR đã đạt được thỏa thuận với 4 doanh nghiệp: Petrolimex sẽ mua 2 triệu mét khối, PV Oil (1,5 triệu mét khối), Petec (1 triệu mét khối) và Vinapco (200.000 mét khối). Tính ra, tổng khối lượng tiêu thụ sản phẩm dự kiến mà BSR sẽ đạt được với các đối tác khoảng 4,7 triệu mét khối sản phẩm các loại, từ xăng A92, A95 đến diesel, xăng máy bay Jet A1 và dầu FO. Ngoài ra, BSR còn tiếp tục thỏa thuận với một số đầu mối phân phối khác để phân phối hết số sản phẩm từ nhà máy cho kế hoạch năm tới, với giá tương đương giá bán thị trường thế giới sản phẩm cùng loại và giá nhập khẩu cùng các loại thuế và phí khác.

Trước thời điểm tháng 10, xăng dầu của Dung Quất sản xuất ra nhưng tồn kho lớn vì các nhà phân phối chính trong cả nước như Petrolimex (chiếm 60% thị phần) đã từ chối tiêu thụ với lý do không đồng tình với phương án phân phối qua PV Oil, một “người anh em” trong cùng Tập đoàn dầu khí (PVN) với BSR và cho là PVN hưởng hoa hồng quá cao. Các nhà phân phối muốn mua trực tiếp sản phẩm từ BSR thay vì qua trung gian.

Đầu tháng 10, BSR còn tồn kho khoảng 180 ngàn mét khối. Nhưng do không dự tính sát với thực tế, khả năng từ đó đến cuối năm, Dung Quất sẽ có lượng tồn kho cuối kỳ là 727 ngàn mét khối, so với sức chứa dự trữ tối đa ở đây là 360 ngàn mét khối. Lãnh đạo PVN đã nhiều lần phải cầu cứu sự can thiệp của Chính phủ và các bộ ngành để giải phóng hàng tồn kho cho Dung Quất.

Nhờ can thiệp của các cơ quan quản lý, Petrolimex đã đồng ý mua cho BSR khoảng 680 ngàn mét khối xăng dầu trong quý IV. Các doanh nghiệp khác như Petec, PV Oil và một số đầu mối khác cũng tham gia giải phóng hàng cho Dung Quất. Với kế hoạch tiêu thụ đó, lượng xăng dầu còn thừa của Dung Quất vào cuối năm nay chỉ còn 157.200 mét khối, so với năng lực sản xuất 6,21 triệu tấn sản phẩm các loại/năm.

Phát biểu tại lễ ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất hôm 9-11 ở Hà Nội, ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng giám đốc Petrolimex nói rằng việc ký hợp đồng chỉ là bước khởi đầu cho quá trình tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình thực hiện cam kết, nhà sản xuất thường xuyên phải thông tin cho nhà phân phối kế hoạch sản xuất để việc tiêu thụ được suôn sẻ vì đây là mặt hàng rất nhạy cảm trên thị trường, cung cầu mà lệch nhau thì sẽ gây tác động lớn. “Năng lực cầu cảng ở Dung Quất cũng là vấn đề vì cầu cảng ở đây nhỏ, tàu lớn ra vào hết sức khó khăn. Nếu gặp bất lợi về thời tiết mà mùa tiêu thụ cao điểm thì việc đưa hàng ra thị trường cũng là thách thức”, ông Kiên nói.

Nhưng ông nhấn mạnh hơn ý kiến rằng việc tiêu thụ xăng dầu cho Dung Quất đang khiến các nhà phân phối gặp bất lợi. Thông thường, khi nhập khẩu xăng dầu, các khoản liên quan đến ngoại tệ đều được tính theo tỉ giá chính thức của ngân hàng.Nhưng mua xăng dầu của Dung Quất, nhà nhập khẩu bị tính theo tỉ giá cao hơn giá chính thức từ các ngân hàng thương mại: “Sự chênh lệch tỉ giá khiến chúng tôi đau đầu và làm cho xăng dầu mua từ Dung Quất đắt hơn xăng dầu nhập khẩu”. Ông Kiên nói Petrolimex và một số doanh nghiệp phân phối đã gửi kiến nghị tới Bộ Công thương, Bộ Tài chính về vấn đề này. “Nếu không giải quyết được chuyện này, khó khăn lại dồn về PVN do khó bán được hàng”.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương nói Bộ này đã kiến nghị Bộ Tài chính phải xử lý kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề tỉ giá khi mua bán xăng dầu của Dung Quất để việc thực hiện cam kết mua bán giữa các bên đạt kết quả hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới