(KTSG Online) – SBI Ven Holdings Pte.Ltd, FPT Capital, Công ty TNHH JB và Công ty TNHH SP đã mua 24,1 triệu cổ phiếu TPB của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong trong thời gian từ 5-10 đến 3-11.
- Số hóa giúp TPBank hiệu quả như thế nào
- TPBank cấp tín dụng không tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp ngành nhựa
Số cổ phiếu này nằm trong tổng số 28,4 triệu đơn vị mà 4 tổ chức liên quan đến cổ đông Nhật Bản SoftBank đã đăng ký mua trước đó. Các giao dịch diễn ra theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận nhưng không thực hiện hết khối lượng đăng ký.

Cụ thể, SBI Ven Holdings Pte.Ltd mua vào 4,2 triệu cổ phiếu TPB theo phương thức thỏa thuận, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp tại TPBank từ 4,14% lên 4,5%. Hai đại diện vốn góp của quỹ đầu tư này tại ngân hàng là ông Suzo Shikata – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) TPBank và ông Eiichiro So – thành viên HĐQT.
Công ty Quản lý Quỹ đầu tư FPT (FPT Capital), đơn vị liên quan ông Suzo Shikata và bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – thành viên Ban Kiểm soát TPBank – mua 4,2 triệu cổ phiếu TPB theo hợp đồng ủy thác của SBI Ven Holdings.
Công ty TNHH JB và Công ty TNHH SP đều mua hơn 7,8 triệu cổ phiếu TPB, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của mỗi công ty tại TPBank từ hơn 3,4% lên 4,08%. Hai doanh nghiệp này do bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt làm Chủ tịch HĐQT.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, bà Nguyệt cũng đảm nhận vai trò Chủ tịch Công ty FD và Công ty VG – hai doanh nghiệp sở hữu lần lượt 3,81% và 4,08% vốn điều lệ TPBank, theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2021.
Việc đăng ký giao dịch của nhóm cổ đông nêu trên diễn ra trong bối cảnh TPBank vừa hoàn tất đợt chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho 14 nhà đầu tư với mức giá 33.000 đồng một cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cách đây ít tuần.
Mới đây, HĐQT TPBank đã thông qua việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ đợt hai trong năm 2021 bằng hình thức phát hành hơn 410 triệu cổ phiếu TPB trả cổ tức. Nếu việc phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ hơn 11.700 tỉ đồng lên hơn 15.800 tỉ đồng.
Kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn của ngân hàng nhằm đảm bảo chỉ tiêu an toàn hoạt động, cải thiện tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II – một trong những cơ sở quan trọng để được Ngân hàng Nhà nước cấp room tăng trưởng tín dụng tốt.