Bỗng cái ác lù lù xuất hiện
Đoàn Khắc Xuyên
![]() |
(TBKTSG) – Giết người nói chung, cũng như giết người để cướp của, xưa nay đâu phải chuyện gì mới lạ. Nhưng giết người như cái cách mà kẻ thủ ác Nguyễn Đức Nghĩa đã làm trong vụ án mới đây ở Hà Nội – giết chính bạn gái cũ của mình, chặt đầu và các đầu ngón tay vứt một nơi, phần thi thể lõa lồ còn lại vứt một nơi – là cái gì đó nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người.
Nó ghê rợn như trong một số phim tội ác ở nước ngoài. Một sự tàn ác không sao hiểu nổi. Không hiểu nổi, nhưng nó vẫn xảy ra, đã xảy ra. Nó khiến xã hội rúng động, choáng váng, như bị một chấn thương khủng khiếp.
Và hàng loạt câu hỏi vọt ra: Tại sao? Ở đâu ra? Ở đâu ra sự độc ác đến cực điểm ấy, sự độc ác mà ta vẫn thường nghĩ chỉ có thể xảy ra ở đâu đó xa xôi, trong một xã hội nào đó mà ta vẫn nghĩ là hư hỏng hơn xã hội chúng ta chứ không thể nào xảy ra trong xã hội mà chúng ta đang sống?
Cơn cớ nào mà, chỉ để cướp ít tài sản, cái khuôn mặt đeo kính cận trông sáng sủa thế kia có thể xuống tay một cách lạnh lùng, tàn độc, tính toán kỹ lưỡng thế kia với bạn gái cũ của mình? Cho dù mất hết nhân tính, chẳng lẽ đôi tay lạnh lùng, tàn độc ấy không hề có chút run sợ trước bất kỳ thứ gì, kể cả thánh thần, kể cả sự trừng phạt ở một kiếp nào đó?
“Bỗng” thực ra chỉ là một cách nói, bởi làm gì có chuyện gì tự nhiên xảy ra. Trước khi bộc phát, trước khi lù lù xuất hiện trước mắt khiến chúng ta hoảng kinh, nó đã phải âm ỉ ở đâu đó, lẩn quất ở đâu đó, thậm chí được dung dưỡng ở đâu đó mà không ai hay, trong khi chúng ta mải lo kiếm sống, mải lo chạy đuổi theo sự giàu có vật chất, mải lo lập thành tích, mải lo tụng kinh, mải lo cầu khẩn, và lo cho nhiều thứ khác nữa.
Phải, kẻ thủ ác có khuôn mặt sáng sủa kia đã từng học dưới mái trường của xã hội này, đã từng trải qua những tiết học đạo đức, đã từng tham gia hết phong trào thi đua này đến phong trào thi đua khác, đã từng sống giữa chúng ta như bao người. Nhưng chi phối tâm hồn anh ta lại là những tiếng nói khác, những ước muốn khác, những khát khao khác.
Mà những thứ khác ấy, có khi anh ta thấy hiển hiện đây đó trong xã hội. Bề ngoài anh ta vẫn sống bình thường như bao người, nhưng bên trong, tâm hồn đã trở nên chai sạn, vô cảm, không tin vào bất cứ điều gì ngoài những gì mà anh ta đang đeo đuổi, rắp tâm đạt cho bằng được. Một nhân cách lưỡng phân, cũng giống như sự lưỡng phân của xã hội. Phải chăng đó là kịch bản khả dĩ giải thích được sự tính toán lạnh lùng đến mức khó tin của kẻ thủ ác khi xuống tay với nạn nhân – người yêu cũ của mình?
Dù sao thì vụ án rồi sẽ được xét xử, xã hội rồi sẽ bị khuấy động một thời gian, và cùng với thời gian nó cũng sẽ chìm vào quên lãng như bao vụ án khác. Nhưng, nếu xã hội không tự phân tích chấn thương này, không tự cật vấn xem điều gì đang xảy ra với mình, có sự trục trặc nào trong cơ thể, trong sự vận hành của mình để tìm cách cứu chữa thì có thể đến một ngày nào đó xã hội sẽ lại phải giật thót mình, hoảng kinh trước mức độ dã man còn khủng khiếp hơn của tội ác.