Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bóng đá Anh bên bờ khủng hoảng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bóng đá Anh bên bờ khủng hoảng

Manchester United và niềm vui đoạt giải Premier League 2008 dưới màu áo của nhà tài trợ AIG.

(TBKTSG Online) – Làn sóng chấn động của khủng hoảng tài chính đang làm lung lay giải ngoại hạng Anh Premier League, biểu tượng của nền kinh tế toàn cầu hóa và đồng tiền kiếm dễ.

Ông chủ của Manchester United, Malcolm Glazer, đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo bồi hoàn khoản vay mượn lúc mua lại câu lạc bộ vào năm 2005. Các ngân hàng thương mại ở London sẽ tìm kiếm một người mua mới.

Vụ phá sản Bear Stearns khiến nhà đầu tư người Anh, Joe Lewis, cổ đông chính của Tottenham Hotspur mất trắng 1 tỉ euro. Trong khi đó, do doanh số của hệ thống phân phối các mặt hàng thể thao Sports Direct bị tụt giảm mạnh, doanh nhân Mike Ashley định nhượng lại Newcastle United.

Hai ông chủ người Mỹ của Liverpool, Tom Hicks và George Gillett, đã hoãn dự án xây dựng sân vận động mới thay cho sân Anfield cũ kỹ. Câu lạc bộ Everton láng giềng cũng đã chính thức được rao bán. Và sự suy sụp của nền kinh tế Iceland đã làm bất ổn doanh nhân Björgölfur Gudmandsson, chủ tịch câu lạc bộ West Ham và cổ đông chính của ngân hàng Landsbanki đứng hàng thứ hai của đảo quốc này.

Ngay cả Liên đoàn bóng đá Anh cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, như thừa nhận của lãnh đạo liên đoàn khi họ lên kế hoạch kêu gọi một phần vốn đầu tư xây sân Wembley mới từ các tập đoàn tư nhân.

Và cơn bão đến từ Mỹ cũng tác động các môn thể thao khác như bóng bầu dục, đua xe, đua ngựa và cricket. Việc nhiều công nhân người Ba Lan trong ngành xây dựng ra đi sau vụ sụp đổ của thị trường bất động sản đang đe dọa lịch kết thúc các công trình xây dựng phục vụ Olympic London 2012.

Ngoại trừ một số ít câu lạc bộ thực sự mạnh lúc nào cũng có đông khán giả trên sân, hầu hết các đội bóng Anh khó thu hút người xem, hệ quả của việc sa thải hàng loạt nhân viên trong các lĩnh vực dịch vụ. Thu nhập từ thị trường tài trợ cũng gặp khó khăn, trong đó có AIG của Manchester United và ngân hàng Northern Rock của Newcastle.

Vụ phá sản hãng hàng không charter XL khiến West Ham mất đi nhà tài trợ chính, trong khi Aston Villa phải in lên áo cầu thủ tên một bệnh viện chăm sóc bệnh nhân trẻ em.

Đối với các cầu thủ, tiền lương trả cho họ không còn như thời huy hoàng trước đây. Thị trường chuyển nhượng vào tháng 1-2009 chắc chắn sẽ kém rất xa con số kỷ lục mùa hè vừa qua (650 triệu euro).

Theo tờ Le Monde, điểm sáng duy nhất trong bức tranh tối là tiền bản quyền truyền hình của giải Premier League thương lượng đến năm 2010 đảm bảo khoản thu nhập đều đặn cho các câu lạc bộ. BskyB và Setanta, hai hãng giữ bản quyền hiện nay sẽ phải chạy đua với ESPN khi tái ký hợp đồng.

TẤN LỘC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới