Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bông vải hay thời trang?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bông vải hay thời trang?

Tấn Đức

(TBKTSG) – Tháng 1-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam trong giai đoạn 10 năm, từ 2010-2020. Một trong những mục tiêu trước mắt của chương trình này là mở rộng diện tích trồng bông trên cả nước từ khoảng 8.000 héc ta trong niên vụ 2009-2010 lên 30.000 héc ta vào năm 2015, với sản lượng 20.000 tấn bông xơ.

Có thể nói, đây là mục tiêu khó khăn, vì thu nhập từ cây bông hiện nay không thể cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho diện tích trồng bông xuống dốc thảm hại kể từ khi đạt đỉnh với 37.000 héc ta vào năm 2002.

Đã qua thời kỳ hoàng kim của cây bông vải

Bông vải có thuận lợi hơn hẳn những sản phẩm nông nghiệp khác về thị trường. Sản xuất bông trong nước hiện mới đáp ứng 1-2% nhu cầu của thị trường nội địa. Theo thống kê của tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm ngoái ngành dệt Việt Nam nhập khẩu 385 triệu đô la bông xơ. Những tháng đầu năm nay, nhu cầu tiêu thụ bông tăng vọt và chỉ trong vòng bốn tháng lượng bông nhập về Việt Nam đã lên đến 100.000 tấn, trị giá gần 200 triệu đô la. Vinatex ước tính, nhu cầu bông xơ của ngành dệt năm nay sẽ vào khoảng 300.000 tấn, trong khi trong nước chỉ có thể đáp ứng 3.000-4.000 tấn.

Tuy nhu cầu thị trường rất lớn, nhưng suốt tám năm qua cây bông vẫn không thể phát triển. Sau thời điểm phát triển rầm rộ vào niên vụ 2002-2003, ngành bông bắt đầu thời kỳ tuột dốc thảm hại. Đến niên vụ 2008-2009, diện tích bông vải của Việt Nam chỉ còn lại 3.000 héc ta. Nguyên nhân chính của tình trạng này là thu nhập do cây bông mang lại quá thấp, nên nông dân đã bỏ bông để chuyển sang trồng những cây khác cho thu nhập tốt hơn như ngũ cốc, đậu, mía, cao su…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do điều kiện thổ nhưỡng không thật sự phù hợp, giống bông cũ và thoái hóa, điều kiện canh tác chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa, nên năng suất thu hoạch bông của Việt Nam quá thấp. Ở phía Nam, sản lượng trên một héc ta chỉ khoảng 1,3 tấn, còn ở miền Bắc chưa tới 1 tấn. Hơn nữa, trồng bông đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu lớn, nên giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với bông nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ và một số nước Trung Á khác.

Có nên tiếp tục đẩy mạnh trồng bông?

Mục tiêu chính của chương trình phát triển cây bông vải là tăng dần nguồn cung nội địa cho ngành dệt may, qua đó góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành xuất khẩu này. Theo chương trình, Nhà nước sẽ dùng ngân sách đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình thủy lợi và hệ thống tưới tiêu nhằm tạo điều kiện cho người trồng bông cải thiện năng suất. Đồng thời, Nhà nước cũng lập quỹ bình ổn giá mua bông hạt, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mua bông trong nước để sản xuất, qua đó tăng thu nhập cho người trồng.

Có thể thấy, nhu cầu đầu tư cho mục tiêu sản xuất 20.000 tấn bông xơ vào 2015 và 60.000 tấn vào 2020 là rất lớn, lên đến 9.000 tỉ đồng. Nhưng hiệu quả của nó mang lại (xét về mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa) sẽ không như mong đợi. Giả sử chương trình phát triển ngành bông thuận lợi và đạt chỉ tiêu đến năm 2020 là 60.000 tấn bông xơ, thì với giá gần 2.000 đô la Mỹ/tấn như hiện nay, tổng giá trị bông xơ sản xuất trong nước mới vào khoảng 120 triệu đô la. Trong khi đó, theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của ngành này vào năm 2020 nhiều khả năng sẽ vượt 25 tỉ đô la. Như vậy, giá trị nội địa hóa của bông đóng góp cho ngành dệt may cũng chỉ chiếm chưa đầy 0,5%.

Một số chuyên gia dệt may cho rằng không nhất thiết phải chạy theo cây bông để tăng tỷ lệ nội địa hóa, khi mà điều kiện về đất đai, khí hậu và kỹ thuật của Việt Nam không thật thích hợp cho loại cây này. Trong khi đó, vẫn còn những giải pháp khác khả thi và hiệu quả hơn, đồng thời cũng không tốn kém nhiều chi phí để phát triển cây bông, chẳng hạn như phát triển lĩnh vực thiết kế thời trang.

Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may lớn cho biết giá xuất khẩu một chiếc áo sơ mi, bao gồm cả nhân công và nguyên phụ liệu, hiện nay khoảng 6 đô la Mỹ. Nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể tự thiết kế và sản xuất theo mẫu thiết kế của mình, thì có thể nâng giá bán lên 10 đô la Mỹ/chiếc. Trong trường hợp này, hiệu quả của việc đầu tư vào khâu thiết kế rõ ràng hiệu quả hơn nhiều so với tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng bông.

Đương nhiên, thâm nhập được vào thị trường thiết kế thời trang của thế giới không dễ, nhưng cũng không có nghĩa Việt Nam không thể làm được. Vấn đề quan trọng cần giải quyết là tăng cường công tác đào tạo, nhằm hình thành đội ngũ thiết kế thời trang giỏi ngang tầm khu vực và thế giới.

Công việc này tất nhiên đòi hỏi nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp, nhưng cũng không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu được đầu tư thích đáng, trong tương lai không xa ngành dệt may Việt Nam sẽ có thể xuất đi những sản phẩm do chính những nhà tạo mẫu trong nước thiết kế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới