Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bớt gánh, nhẹ người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bớt gánh, nhẹ người

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Khó khăn trong kinh doanh đang làm cho trái tim và cái đầu của doanh nhân không yên ổn. Rất nhiều doanh nhân trong thời gian qua với ước mong tìm được liệu pháp ngăn chặn sự căng thẳng, bất an đã tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý, đọc kinh sách hoặc tham dự các khóa tu ngắn ngày tại các chùa, thiền viện…

Muôn vẻ bất an

Chưa bao giờ sự bất an hiện rõ trên khuôn mặt các lãnh đạo doanh nghiệp như trong năm 2008. Theo bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, TPHCM, tám tháng đầu năm 2008, tỷ lệ doanh nhân đến tư vấn tâm lý tại Hồn Việt là 43%, năm 2007 là 32%, trong khi năm 2006 chỉ là 19% trên tổng số khách đến tư vấn.

Bà Tâm cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự bất an của doanh nhân có nhiều nhưng xét trên khía cạnh tâm lý, có mấy điểm đáng lưu ý: doanh nhân kiềm chế cảm xúc nhiều, lâu ngày tạo ra nhiều triệu chứng về bệnh lý tinh thần; ít tuân thủ nguyên tắc về thời gian làm việc, bảo vệ sức khỏe tinh thần và giữ gìn sức khỏe thể lý; đơn độc trong đời sống tinh thần; đời sống tâm linh ít được chú trọng; tình hình kinh doanh gặp khó khăn khiến trái tim và cái đầu của doanh nhân không yên ổn.

Sự bất an trong giới doanh nhân được thể hiện rõ nhất khi có đến hơn 300 người là lãnh đạo, cấp quản lý các doanh nghiệp trên cả nước tham dự chương trình “Thở và cười 2008” tại Hội An, hồi tháng 5-2008.

Trong phần trao đổi trực tiếp với thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhiều doanh nhân đã không ngần ngại chia sẻ sự bất an trong bối cảnh làm ăn thời giá cả tăng vọt, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc bảo vệ môi trường, đạo đức trong kinh doanh, mâu thuẫn trầm trọng giữa lãnh đạo và nhân viên… với hy vọng sẽ tìm được cách giải quyết.

Thiền sư Nhất Hạnh đặt lại câu hỏi: Các anh, chị (chủ doanh nghiệp) có nhận diện được hạnh phúc đang ở bên mình trong mỗi giây phút không, hay luôn sống với sự khổ đau do giá vàng, giá đô la Mỹ, giá dầu thô trên thế giới biến động liên tục từng ngày, từng giờ?

Tại sao mình muốn thành công trong kinh doanh nhưng lại mong người khác thất bại? Tại sao không nghĩ rằng mình cần hợp tác với doanh nghiệp khác để hai bên cùng vững mạnh hơn là việc trở thành đối thủ của nhau? Vì sao không tập lắng nghe những bức xúc của nhân viên với tư cách là một người bạn (chứ không phải sếp)?

Bớt gánh, nhẹ người

Trong hành trình tìm đến sự thanh thản tâm hồn, nhiều doanh nhân đang có xu hướng tìm đến đạo Phật, trong đó có thiền. Nhiều doanh nhân đã chọn những vị tu sĩ có giới hạnh để nương tựa tinh thần và xem đó là điểm tựa vững chắc trong những lúc bế tắc, hụt hẫng.

Ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại TTT, thành viên Ban tổ chức chương trình “Thở và cười”, cho rằng bản thân ông đôi lúc cũng bế tắc trong việc tìm phương pháp tịnh dưỡng tâm hồn. “Trước đây, tôi chưa từng biết đến thiền. Nhưng sau khi tham dự hai khóa “Thở và cười” 2007 và 2008, tôi thấy thiền là phương pháp có thể giúp những người bận rộn cân bằng cuộc sống. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đối với một doanh nhân như tôi là khả năng tập trung, chưa có nhiều thời gian để thực tập thiền trong đi, đứng, nằm, ngồi”, ông Thông nói về sự mâu thuẫn của chính mình.

Theo thiền sư Thích Thanh Từ (Thiền viện Trúc Lâm, Đà Lạt) và Thích Nhất Hạnh (Làng Mai, Pháp), sự bất an có thể thâm nhập vào bất cứ người nào và phát triển mạnh mẽ nếu họ không biết trở về với chính mình, biết sống tỉnh thức trong hiện tại.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần May – In lụa Ngọc Phước, quận 12, cho biết: 12 năm nay bà gần như không còn tiếp xúc với bạn bè. Ứng dụng tinh thần “tu trong bận rộn” nghe từ băng cassette bài giảng của thiền sư Thanh Từ, những năm qua cả vợ chồng bà Ngọc cùng hai con tập trung vào việc “hướng nội” phát triển doanh nghiệp, chăm lo đời sống cho người lao động.

“Trong tổng số 62 nhân viên, có 28 người khuyết tật, ngoài tiền lương, họ còn được bao ăn ở miễn phí. Người lao động có nhu cầu tịnh dưỡng tâm hồn theo tôn giáo nào đều được tạo điều kiện, dù là đi lễ nhà thờ hoặc tĩnh tâm tại vườn thiền trong khuôn viên của công ty. Giúp nhân viên hướng đến việc thiện, làm điều lành là mình đã góp phần cùng xã hội tạo ra một người tốt”, bà Ngọc nói. Việc bà Ngọc làm được, đó là “bớt gánh” những chuyện thị phi, giành giật trong thương trường và “nhẹ hẳn cả người” khi âm thầm làm công tác từ thiện giúp đồng bào nghèo vài trăm triệu đồng/năm.

Cuối năm 2007, bác sĩ L., dù đang nắm giữ vị trí quan trọng thứ hai trong tổ chức mà ông đang làm việc, đã quyết định làm đơn nghỉ việc sau gần 20 năm công tác. “Không hề có mâu thuẫn nội bộ, đơn giản là tôi muốn được thảnh thơi, trở về với chính mình”, vị bác sĩ này cho biết.

Bác sĩ L. kể: “Lúc còn làm việc, công việc điều hành, lịch họp của tôi dày đặc, gần kín hết cả tuần, kéo dài suốt nhiều năm liền. Làm bác sĩ mà không có thời gian nghiên cứu, đào sâu chuyên môn, thật áy náy hết sức”. Đầu năm 2008, bác sĩ L. chính thức được thảnh thơi. Nay, buổi sáng, ông làm việc tại một trung tâm y học; buổi chiều thì chữa bệnh tại phòng mạch ở nhà. Hai ngày cuối tuần, ông “đóng cửa không tiếp khách”, tắt điện thoại di động, đọc sách và thực tập thiền. Những năm gần đây, ông đoạn tuyệt hẳn các cuộc giao du nhậu nhẹt. “Bây giờ tôi thật thong dong, tự tại, có nhiều thời gian nghiên cứu, viết báo…”, bác sĩ L. cho biết.

Trường hợp khác là ông Lâm Hoàng Lộc, hiện đang làm cố vấn cho Ngân hàng VPBank. Những năm trước, do áp lực công việc quá căng thẳng, ông chợt nghĩ đến chùa. Ông cho biết, sau một thời gian đọc nhiều kinh sách, nghe những bài giảng của các vị thiền sư và thực tập phương pháp thiền theo dõi hơi thở, ông từ từ buông bớt công việc, sống hài hòa với môi trường chung quanh. “Ngoài việc thực tập đếm hơi thở giúp trị được sự căng thẳng không cần thiết, có được cảm giác an lạc trong đời sống hàng ngày, tôi còn có thể áp dụng tinh thần thiền quán nhìn mọi hiện tượng trong xã hội”, ông nói.

Ông Lộc cho rằng độ tuổi từ 55 trở đi là thích hợp nhất đối với những doanh nhân có nhu cầu tìm hiểu kỹ những phương pháp chữa trị bất an. “Một chủ doanh nghiệp nếu biết “tu”, hiểu lý nhân quả, sự vô thường trong đời sống, kinh doanh, chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp đó giảm bớt tham vọng cạnh tranh không lành mạnh, sự tham lam, tầm nhìn hạn hẹp”, ông Lộc đúc kết kinh nghiệm.

Theo thiền sư Nhất Hạnh, ngoài việc trở về với mái ấm gia đình, lắng nghe, chia sẻ với người thân, doanh nhân cũng phải biết cách trở về với những vấn đề nội bộ trong doanh nghiệp. “Khi nào những mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ được giám đốc giải quyết triệt để, thông suốt; người lãnh đạo và nhân viên cùng hiểu biết lẫn nhau, khi đó mới có thể gọi là người chủ doanh nghiệp giỏi”, thiền sư Nhất Hạnh nói.

“Liệu pháp căn bản nhất để chữa trị sự căng thẳng, mang lại sự bình an là phương pháp theo dõi hơi thở. Dùng hơi thở để điều thân và điều tâm sẽ giúp mỗi người biết sống tỉnh thức trong mỗi giây phút hiện tại, cảm nhận được nhịp thở của trái tim, cảm nhận được từng bước chân thảnh thơi, vững chãi, biết nghe tiếng sóng vỗ, ngắm cánh hoa đang nở, tiếng chim kêu… Đó là hạnh phúc. Thở vào tôi biết tôi đang thở vào; thở ra tôi biết tôi đang thở ra; vào – ra – sâu – chậm; khỏe – nhẹ – lắng – cười; hiện – tại – tuyệt – vời. Chính vì thế sự hiện diện của mình là món quà quý nhất dành cho những người thân”, thiền sư nói.  

UYÊN VIỄN

Tìm tĩnh lặng trong mâu thuẫn của cuộc đời

Thiền sư Thích Thanh Từ cho biết: Cuộc đời là những mâu thuẫn, vì thế ai cũng có những buồn phiền. Các thành viên trong một gia đình, trong một doanh nghiệp thường không thống nhất ý chí với nhau, chuyện này thường xảy ra. Lý do gì xảy ra những buồn phiền đó?

Tập thể nào cũng có một lập trường riêng, sinh hoạt riêng, chính kiến riêng không giống nhau. Ai nghĩ rằng những gì mình đề nghị mọi người đều phải nghe theo 100% là ảo tưởng, được 60-70% ý kiến đồng thuận là tốt lắm rồi. Hiểu như vậy rồi, chúng ta phải sống sao cho ôn hòa, vui vẻ.

Do biết cuộc đời là mâu thuẫn nên chúng ta phải điều hòa bằng hai hạnh: hạnh nhẫn nhục và hỷ xả. Muốn nhẫn nhục, hỷ xả, phải có tâm từ bi, xem tất cả là bạn, không có ai là thù. Luôn cho người làm trái ý mình là kẻ thù thì không bao giờ chúng ta biết nhường nhịn. Cho nên đừng xem ai là kẻ thù cả, chỉ có bạn thông cảm và chưa thông cảm. Đó là tâm từ bi. Chính do tâm từ bi nên chúng ta mới biết nhường nhịn, tha thứ cho nhau, sống đạo đức và an vui.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới