Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Brazil-Argentina: Đối nghịch chính sách nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Brazil-Argentina: Đối nghịch chính sách nông nghiệp

Argentina đứng đầu về xuất khẩu đậu nành nhưng chính sách thuế không khuyến khích nông dân tăng năng suất và sản lượng

(TBKTSG) – Trước tình hình giá lương thực tăng cao, hai nước láng giềng – cũng là hai cường quốc nông nghiệp – Brazil và Argentina đã ứng phó bằng hai chính sách trái ngược: một nước khuyến khích nông dân tăng sản lượng và xuất khẩu, một nước tăng thuế xuất khẩu để bảo đảm nhu cầu trong nước.

Ông Luciano Alves trồng đậu, bắp và các loại ngũ cốc trong một nông trang rộng 3.035 héc ta ở miền Nam Brazil. Năm nay, ông có kế hoạch tăng diện tích lên 3.480 héc ta, một phần nhờ chính sách khuyến khích nông nghiệp của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva.

“Chính phủ cho vay tiền để mua sắm nông cụ. Chúng tôi được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian trả nợ dài hơn. Đó là điều cốt yếu”, ông Alves nói.

Ông vừa mua một chiếc máy kéo và một máy gặt đập liên hợp với giá 512.000 đô la Mỹ nhưng chỉ phải trả 70% số tiền, phần còn lại được vay tín dụng với lãi suất thấp. Nhiều đồng nghiệp của ông cũng làm như vậy.

Tháng trước, Chính phủ Brazil công bố một chương trình tín dụng nông nghiệp có giá trị kỷ lục 49 tỉ đô la Mỹ – thực chất là một hình thức trợ cấp gián tiếp, nhằm khuyến khích nông dân sản xuất nhiều hơn vào lúc nông phẩm có giá cao trên thị trường thế giới.

Nhưng Argentina, đối thủ kinh tế và chính trị của Brazil, lại đi theo hướng ngược lại: lo lắng trước tỷ lệ lạm phát dâng cao, chính phủ của bà Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner đã tăng thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản để khuyến khích nông dân bán sản phẩm ở thị trường nội địa, từ đó kiềm chế đà tăng giá hàng hóa trong nước.

*    *    *

Trong cuộc ganh đua khai thác thị trường lương thực thế giới, Brazil có nhiều lợi thế hơn nước láng giềng ở phía Nam. Đất đai Brazil rộng lớn, với 70 triệu héc ta đất trồng trọt đang được canh tác, nhiều hơn hai lần so với Argentina. Nông sản xuất khẩu của Brazil cũng đa dạng hơn. Argentina đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu bắp, thứ ba về xuất khẩu đậu nành còn Brazil xếp thứ nhất, thứ nhì thế giới về xuất khẩu thịt bò, đậu nành, nước cam vắt, thịt gà, đường và cà phê.

Ông Reinhold Stephanes, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil, cho rằng: “Chính phủ cần khuyến khích nhà sản xuất bởi vì mọi người đang mua nhiều hơn, tiêu thụ nhiều hơn các mặt hàng lương thực thực phẩm. Đây là cơ hội để gia tăng sản xuất và xuất khẩu nhằm giúp nhân loại vượt qua nạn đói”.

Để thực hiện mục tiêu đó, chính phủ nước này tăng khoản ngân sách dành cho chương trình tín dụng nông nghiệp thêm 12% so với năm ngoái. Phần lớn số tiền này được dùng vào việc tài trợ lãi suất và thời gian vay vốn đầu tư vào nông nghiệp; các tập đoàn nông nghiệp lớn được hưởng khoảng 40 tỉ đô la Mỹ, phần còn lại dành cho các nông dân sản xuất nhỏ.

Mong muốn của chính phủ là giúp các nhà sản xuất có phương tiện khai thác những vùng đất hoang hóa để mở rộng diện tích canh tác và nâng cao năng suất lao động. Chính phủ Brazil dự tính đất nước còn khoảng 89 triệu héc ta đất trống có thể khai thác để trồng trọt.

“Sản lượng lương thực của chúng ta không thể đứng nguyên một chỗ khi người ta tiêu thụ nhiều hơn. Chúng ta phải canh tác nhiều hơn”, Tổng thống Lula da Silva nói và ám chỉ hiện tượng dân số gia tăng và mức giàu có cũng gia tăng ở Ấn Độ, Trung Quốc, châu Mỹ La tinh.

*    *    *

Trong khi đó ở Argentina, chính phủ của bà Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner tìm cách nâng cao thuế suất xuất khẩu ngũ cốc và đậu nành tương đương với mức tăng giá của các mặt hàng này trên thị trường thế giới. Mục tiêu của chính sách này là buộc nông dân Argentina bán sản phẩm ở thị trường nội địa, tạo ra một sự sung mãn trên thị trường, giúp kéo giá cả hàng hóa xuống và đưa lạm phát vào vòng kiểm soát.

Nhưng Chính phủ Argentina đang phải đối mặt với rất nhiều vụ phản đối. Với thuế suất mới, cộng với các khoản phụ thu, thuế xuất khẩu đậu nành – mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Argentina chẳng hạn, hiện đã tương đương 50% giá trị hàng hóa; điều đó khiến nông dân nổi giận và dẫn tới nhiều cuộc biểu tình phản đối trên đường phố.

Sau nhiều tuần tranh luận căng thẳng, ngày 17-7 vừa qua Thượng nghị viện Argentina đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết mới, theo đó thuế xuất khẩu đậu nành được ấn định ở mức 35%. Nhiều doanh nghiệp Argentina vẫn không tán thành chủ trương của chính phủ. Ông Eduardo Cucagna, Chủ tịch Công ty Giống cây trồng FN Semillas, nói rằng: “Chính phủ đang cố kiếm tiền để trợ giá cho những khu vực khác của nền kinh tế. Nhưng tôi nghĩ Brazil làm đúng hơn: họ biết thích nghi với những gì đang diễn ra trên thế giới”.

Hiện thời làn sóng biểu tình đã lắng dịu nhưng nông dân vẫn còn hoài nghi. Ông Sean Cameron, một nông dân đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Aprotrigo, nhận định: “Chúng tôi vẫn cảm thấy rõ rằng chính phủ có thể tăng thuế lần nữa và thật khó xác định kế hoạch làm ăn trước mắt hay lâu dài. Vấn đề này cần phải được giải quyết nhanh”. Nhiều nông dân Argentina cũng đồng ý với quan điểm đó và nhiều tổ chức của nông dân đã bắt đầu gây áp lực buộc chính phủ phải thay đổi chính sách sao cho việc xuất khẩu nông sản của họ được dễ dàng hơn và có lợi hơn.

Các chuyên gia thương mại ủng hộ tự do hóa cũng khuyên Argentina nên thay đổi chính sách nông nghiệp để có thể gia tăng sản xuất và tiếp tục giữ vai trò nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về ngũ cốc và các loại hạt có dầu.

THÁI BÌNH (Theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới