Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

BRIC vượt qua suy thoái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

BRIC vượt qua suy thoái

Thị trường chứng khoán Thượng Hải gần như sụp đổ vào năm ngoái, đã liên tục tăng điểm từ đầu năm đến nay nhờ biện pháp kích cầu của chính phủ.

(TBKTSG) – Cuộc khủng hoảng kinh tế “toàn cầu” tồi tệ nhất trong 70 năm qua thực chất không mang tính toàn cầu: các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái nhưng các nền kinh tế đang phát triển cỡ lớn vẫn tăng trưởng, dù với tốc độ chậm hơn.

Đó là nhận định của tuần báo Newsweek số ghi ngày 30-3-2009, phản ánh quan điểm của tờ báo và của ông Tim O’Neill – nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.

Trong bài viết của mình, ông O’Neill nhắc lại một dự báo gây chấn động mà ông đưa ra vài năm trước, theo đó tổng sản lượng hàng năm tính bằng đô la Mỹ của bốn nền kinh tế đang phát triển lớn nhất, gọi chung là BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), sẽ bằng nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vào năm 2035.

Theo ông O’Neill, với xu thế hiện nay, thời điểm “đuổi kịp” này sẽ diễn ra vào năm 2027, sớm hơn dự báo cũ gần một thập niên.

Khủng hoảng không dành cho mọi người

Cơ sở để Goldman Sachs điều chỉnh dự báo là cuộc suy thoái của các nền kinh tế lớn chỉ có thể làm chậm lại mà không đảo ngược được đà tăng trưởng chung của các nước BRIC.

Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế cho thấy năm nay tăng trưởng kinh tế của châu Âu sẽ giảm 3,2%, Nhật Bản giảm 5,8% và Mỹ giảm 2,8%; trong khi đó Ấn Độ sẽ tăng 5% và Trung Quốc tăng 7%; tính chung nhóm BRIC sẽ tăng 4%, theo Goldman Sachs.

Các chuyên viên phân tích của ngân hàng này ghi nhận thị trường chứng khoán và hoạt động kinh tế nói chung của phương Tây và Trung Quốc đang diễn ra ngược chiều: từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 của Mỹ mất 15% số điểm trong khi chỉ số SCI của Thượng Hải tăng 20%.

Trong khi tại các nước phát triển, doanh nghiệp và người dân tỏ ra bi quan trước tình trạng thất nghiệp tăng nhanh thì tại Trung Quốc và Ấn Độ, doanh số xe hơi, hàng điện tử gia dụng và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác tiếp tục tăng mạnh, một phần nhờ các gói kích cầu mạnh mẽ và nhanh chóng của chính phủ. 

 Trong lúc Mỹ và châu Âu chật vật tìm biện pháp chấn chỉnh hệ thống ngân hàng và khai thông dòng chảy tín dụng thì tại Trung Quốc, dư nợ tín dụng tháng 12-2008 cao gấp 10 lần tháng 12-2007 và trong ba tháng đầu năm nay các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay nhiều hơn cả năm ngoái.

Kích cầu có hiệu quả

Nhiều người vẫn cho rằng, các nền kinh tế đang phát triển đi theo mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, EU và Nhật Bản nên khi các nước này suy thoái, người dân giảm chi tiêu thì mô hình này cũng sụp đổ. Trái lại, theo tính toán của Goladman Sachs, các nền kinh tế đang phát triển nào gia tăng đáng kể nhu cầu tiêu thụ trong nước thì càng ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng thắt lưng buộc bụng ở phương Tây.

Trong khối BRIC, Brazil và Nga bị khủng hoảng nặng hơn cả do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu, tăng trưởng kinh tế của Nga năm nay có thể giảm 3% còn Brazil thì giẫm chân tại chỗ. Nhưng trái lại Ấn Độ và Trung Quốc vừa có thị trường nội địa rộng lớn vừa ít phụ thuộc vào xuất khẩu nên chẳng những không rơi vào suy thoái mà còn tăng trưởng, tuy chậm hơn trước.

Ở Ấn Độ, tiêu dùng của người dân đóng góp hơn 60% GDP, còn ở Trung Quốc con số này mới chỉ vào khoảng 35% nhưng đang tăng nhanh nhờ các biện pháp kích cầu của chính phủ. Goldman Sachs cho biết, doanh số bán lẻ của Trung Quốc hai tháng đầu năm tăng 15%, và chỉ số giá tiêu dùng giảm có nghĩa là thu nhập thực của người dân tăng lên.

Chính sách giảm thuế, khuyến khích người dân mua nhà đã làm thị trường địa ốc của Trung Quốc bùng lên trở lại, và theo các nhà kinh doanh địa ốc, nhu cầu nhà cửa không còn bó hẹp trong các đô thị vùng duyên hải mà đã lan ra các vùng nông thôn nghèo hơn, nơi căn hộ cỡ nhỏ và ít tiền được ưa chuộng. Chính sách đầu tư lớn để thiết lập hệ thống bảo hiểm y tế toàn quốc mà Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua cũng sẽ giúp người dân yên tâm hơn khi chi tiêu, không còn phải ra sức chắt chiu dành dụm từng đồng bạc để phòng những ngày đau ốm.

Sử dụng số liệu thu thập từ năm 2004-2008, điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát và quy mô của từng nền kinh tế, Goldman Sachs tính ra rằng, châu Âu và Nhật Bản gần như không đóng góp gì vào sự tăng trưởng tiêu dùng của thế giới trong quãng thời gian này, đóng góp của Mỹ giảm dần trước năm 2007 rồi ngừng hẳn từ năm ngoái đến nay. Trong khi đó đóng góp của khối BRIC vào tăng trưởng tiêu dùng thế giới vẫn tăng ngay cả trong năm ngoái, trái ngược với sự co lại của thị trường Mỹ, Nhật Bản.

Mô hình tài chính cẩn trọng

Bên cạnh việc kích cầu, các nền kinh tế BRIC từ lâu đã đi theo mô hình tài chính “cẩn trọng”: kiểm soát lạm phát, ngân sách thặng dư hoặc thâm hụt ở mức chấp nhận được, tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống an sinh xã hội và duy trì sự ổn định chính trị. Những yếu tố này tạo cho chính phủ các nước BRIC một khoảng không gian rộng rãi để hoạch định chính sách giữa lúc môi trường kinh tế vĩ mô ở các nước giàu đang xuống cấp trầm trọng. Ngay cả Nga và Brazil từ lâu đã lợi dụng việc tăng giá nguyên liệu (dầu khí của Nga, đậu nành và quặng sắt của Brazil) để xây dựng các quỹ dự trữ ngoại tệ lớn; Nga đã chi ra 300 tỉ đô la Mỹ để hỗ trợ đồng rúp mà vẫn còn hơn 200 tỉ đô la, trong khi quỹ dự trữ 208 tỉ đô la của Brazil gần như chưa được đụng tới.

Hầu hết các nước BRIC đều đã từng trải qua khủng hoảng kinh tế và bài học từ quá khứ khiến họ kiên trì theo đuổi chính sách quản lý chặt chẽ hệ thống tài chính – ngân hàng, nhờ đó tránh được ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ vào năm ngoái. Theo số liệu mới nhất, trong nửa đầu năm 2008 các ngân hàng Trung Quốc đã tận dụng tình thế, mua lại nhiều đối thủ cạnh tranh nước ngoài và gia tăng thị phần trên thị trường tài chính toàn cầu.

Một báo cáo của Ngân hàng Deutsche Bank công bố tuần trước dự báo, nếu xu thế này tiếp tục, đến năm 2018 Trung Quốc sẽ là một trong các thị trường tài chính thống trị, ngang với EU và Mỹ, chiếm khoảng 13% thị trường trái phiếu, 40% thị trường cổ phiếu và 18% hoạt động ngân hàng của toàn thế giới.

Sắp xếp lại trật tự thế giới

Nhà báo Rana Foroohar của báo Newsweek cho rằng, khoảng cách tăng trưởng giữa nhóm nước đang phát triển BRIC và nhóm nước công nghiệp G7 sẽ định hình lại tương lai kinh tế và chính trị thế giới.

Trước tiên, kinh tế tăng trưởng khiến các nhà lãnh đạo BRIC trở nên tự tin hơn, “mạnh miệng” hơn. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos hồi đầu năm nay, các thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc và Vladimir Putin của Nga đã lớn tiếng phê phán những khuyết tật của mô hình tư bản chủ nghĩa phương Tây.

Trả lời phỏng vấn báo Newsweek, Tổng thống Brazil Lula da Silva cáo buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm chính về cuộc khủng hoảng và phải có biện pháp sửa chữa. Tại các nước này cũng đang diễn ra các cuộc thảo luận sôi nổi về sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản, đề cao vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và yêu cầu gia tăng sự kiểm soát đối với các hoạt động tài chính – ngân hàng.

Sự hình thành nhóm G20 tháng 11-2008 cũng là một dấu hiệu khẳng định vai trò ngày càng lớn của khối BRIC trong các vấn đề kinh tế toàn cầu. Cho đến nay, Vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới vẫn tiếp tục bế tắc vì không dung hòa được những mâu thuẫn quyền lợi giữa nhóm nước công nghiệp và nhóm nước đang phát triển, đại diện bởi Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc.

Sắp tới, người ta kỳ vọng nhóm BRIC cũng sẽ đưa ra tiếng nói quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay – chủ đề của hội nghị thượng đỉnh G20 tại London vào ngày 2-4-2009. Trong lúc các nước lớn ở châu Âu (Đức và Pháp) chủ trương siết chặt sự kiểm soát hệ thống tài chính như là giải pháp hàng đầu, còn Anh và Mỹ chủ trương tăng kích cầu và hỗ trợ xã hội như biện pháp then chốt, và không ai chịu nhường ai thì những kinh nghiệm của khối BRIC có thể là một gợi ý đáng tham khảo.

HUỲNH HOA (tổng hợp từ Newsweek và báo nước ngoài)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới