Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

BT Bùi Q. Vinh: Đổi mới chưa đồng bộ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

BT Bùi Q. Vinh: Đổi mới chưa đồng bộ

Ngọc Lan

BT Bùi Q. Vinh: Đổi mới chưa đồng bộ
Kinh tế tư nhân ở Việt Nam phải là động lực cho phát triển mới tạo ra hiệu quả của cả nền kinh tế. Ảnh:TL

(TBKTSG Online)-  Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII (22-1), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh nhận xét: 5 năm qua Việt Nam đã tích cực đổi mới về thể chế kinh tế và đạt được một số kết quả nhất định. Nhưng đổi mới về chính trị hầu như chưa làm. Vì vậy mà công cuộc đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.

Đổi mới chưa đồng bộ

Để minh chứng cho nhận định trên, ông Vinh nêu ra ví dụ: tháng 1/2011, tại Đại hội Đảng XI đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020. Trang 99 của của văn kiện này nêu rõ việc phải kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới, đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp. Trọng tâm của đối mới là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội.

Nghị quyết cũng khẳng định phải lấy mục tiêu này làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển.

Thực tế 5 năm qua, Việt Nam đã tích cực đổi mới về thể chế kinh tế, đạt được một số kết quả nhất định. Đó là việc chuyển được nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. “Chính nó đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống của chúng ta, đưa đất nước phát triển”, ông Vinh nhấn mạnh.

Liên quan đến việc hầu như chưa có đổi mới chính trị, ông Vinh dẫn chứng suốt 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị hầu như không thay đổi và chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.

“Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường, thậm chí là rào cản, trở ngại cho sự phát triển”, ông Vinh phân tích. Và nhấn mạnh đây là lý do mà trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách.

Ông đề nghị Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội đảng toàn quốc đã xác định.

Thời gian không còn chờ đợi

Ông Vinh nói cần kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động có hiệu quả hơn, thực chất hơn vì ông cho rằng: Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo. “Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm gương tự đổi mới”, ông đề nghị.

Yêu cầu đổi mới và phát triển đến thời điểm này không còn chờ được lâu hơn nữa.

Thứ nhất , Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại (10 năm) của cơ hội dân số vàng (thường kéo dài 50 năm, bắt đầu từ năm 1970). Nghĩa là đến 2020 thì Việt Nam hết cơ hội này, ở đây, tính thêm 5 năm là đến 2025. Như vậy chúng ta chỉ còn khoảng tối đa 10 năm.

Thứ hai, những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại dần hết phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, những dư địa tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế.

Thứ ba, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.

Xây dựng một Việt Nam thịnh vượng

Trong diễn văn “Xây dựng một Việt Nam thịnh vượng” được gửi tới Đại hội Đảng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, Việt Nam có thịnh vượng được hay không phải dựa trên ba trụ cột:

1/ Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường. Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới, với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm 7%, để đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 đến 18.000 USD.

Để đạt được mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động… Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay.

Nguyên nhân nữa là nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện, các yếu tố vốn, đất đai, tài nguyên, khoáng sản chưa được phân bổ theo cơ chế thị trường, chủ yếu là mệnh lệnh hành chính.

Phải tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân cả về số lượng và chất lượng. Coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế.

Trước mắt là nâng cao cho được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước, thông qua việc hoàn thiện và củng cố nền tảng của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.

Phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm hướng dẫn và đào tạo các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp kiến thức và nguồn vốn thông qua hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các doanh nghiệp này, nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong toàn xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.

2/ Phải  công bằng và hội nhập xã hội, hay còn gọi là bình đẳng cho mọi người.

3/ Phải  nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước. Xây dựng cơ chế hữu hiệu và kiểm soát sự cân bằng giữa ba nhánh quyền lực. Tạo ra những khuôn khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân. Tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.

Mời xem thêm:

Đảng nhận định kinh tế phát triển thiếu bền vững

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới