Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bù đắp cho ai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bù đắp cho ai?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Một trong những biểu hiện của định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế là tính công bằng trong thụ hưởng những thành quả của xã hội, từ đó mới có những chính sách xóa đói, giảm nghèo, những ưu đãi cho người dân vùng sâu, vùng xa…

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những bất công rất lớn trong phân phối nguồn lực của xã hội, đòi hỏi những cải tổ sâu rộng, để giúp xóa bỏ khoảng cách chênh lệch giàu nghèo. Những bất công này có thể không phải do một sự cố ý của tổ chức hay cá nhân nào, chỉ có điều chúng tồn tại đã lâu mà không được điều chỉnh.

Ví dụ gần đây nhất mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn từng nêu ra là vòng tròn bù lỗ phi lý giữa các doanh nghiệp nhà nước. Đầu tiên, ngành than bán than cho ngành điện với giá quá thấp, chỉ bằng 60% giá thành sản xuất, làm cho năm 2011 ngành than phải gánh số lỗ 5.000 tỉ đồng vì khoảng chênh lệch này. Đến lượt mình, ngành điện bán đến 11% tổng lượng điện thương phẩm cho ngành sản xuất thép và xi măng với giá 914 đồng/kWh trong khi giá thành sản xuất là 1.180 đồng kWh. Điều đó có nghĩa ngành điện đã “bù giá” cho ngành thép và xi măng đến 2.500 tỉ đồng, trong đó các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất thép được bao cấp hơn 500 tỉ đồng.

Cộng với nhiều yếu tố khác, năm nay ngành điện lỗ nặng, khoảng gần 26.000 tỉ đồng và chắc chắn trong năm tới sẽ phải tăng giá bán điện và gánh nặng xóa lỗ này sẽ chia ra cho mọi người dân cùng gánh chịu.

Trước đó, Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng đã từng nêu lên những bất cập trong các lĩnh vực khác như bảo hiểm y tế, với hiện tượng cùng mua bảo hiểm y tế nhưng người ở nông thôn hay ở những vùng khó khăn chỉ hưởng được một phần rất nhỏ so với người ở đô thị, được khám, chữa bệnh ở các bệnh viện lớn, đầy đủ tiện nghi. Thậm chí còn có trường hợp quỹ bảo hiểm y tế ở các tỉnh nghèo do sử dụng không hết nên số dư sẽ được kết chuyển cho tỉnh giàu, thâm hụt quỹ.

Chúng ta có thể tìm thấy hàng loạt ví dụ tương tự trong nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp cận lưới điện quốc gia, sử dụng nguồn nước sạch, giao thông, dịch vụ công, các hoạt động văn hóa, giải trí… Nhà nước cũng đang có những chương trình lớn ưu tiên nhắm đến đối tượng người có thu nhập thấp nhưng bản thân các chương trình xóa đói, giảm nghèo là chưa đủ.

Điều cần thiết hơn là ý thức rất rõ của những người làm chính sách, để bất kỳ lúc nào hoạch định những chính sách cho nền kinh tế và xã hội đều phải nhớ đến nguyên tắc “định hướng xã hội chủ nghĩa” và thể hiện trong từng điều khoản, từng nội dung cụ thể.

Nếu làm được điều đó, chắc chắn sẽ không có chuyện lấy đất đang canh tác của người dân để làm khu công nghiệp bỏ hoang, không có chuyện cấm bán hàng rong, cấm xe ba gác mà không có biện pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng. Nếu làm được điều đó, ắt hẳn đã có thêm nhiều bệnh viện cho người nghèo được xây, nhiều trường học khang trang được khánh thành, nhiều thư viện, phòng chiếu phim, cơ sở văn hóa được đưa vào hoạt động ở khắp mọi miền nông thôn.

Ý nghĩa sau cùng của phát triển là nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người. Nếu chỉ chăm chăm vào con số tăng trưởng GDP, những tòa nhà cao tầng, những con đường cao tốc để nói rằng chúng ta đang phát triển trong khi để quên một bộ phận rất lớn người dân đang nghèo đi vì chịu mọi thua thiệt, tức chúng ta chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của phát triển cũng như khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới