Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bữa cơm nhà nông thời lạm phát

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bữa cơm nhà nông thời lạm phát

Gia Hữu

“Đặc sản” ốc bươu với giá 10.000 đồng/ki lô gam là lựa chon của nhiều bà nội trợ khi đi chợ. Ảnh: Gia Hữu.

(TBKTSG) – Trong khi nông dân miền Nam tìm đủ mọi cách để chống lạm phát kiểu tự cung tự cấp thì nông dân miền Bắc chỉ còn biết chịu trận, nín thở chờ bão giá đi qua…

Ăn “đặc sản” để chống lạm phát

Gần 9 giờ sáng, các sạp thịt cá trong chợ Mộc Hóa (Long An) vẫn thưa thớt người mua. Bà Bé Bảy, tiểu thương bán lẻ thịt heo, vừa phe phẩy cây quạt đuổi ruồi vừa ngáp ngắn ngáp dài: “Năm ngoái sườn heo giá 75.000 đồng/ki lô gam, giá bây giờ lên đến 120.000 đồng nên ai đi chợ cũng đếm thật kỹ túi tiền rồi mới quyết định mua hay không. Trước đây giờ này tôi đã bán xong 150 ký thịt các loại, còn bây giờ bán có 50 ki lô gam/ngày mà vẫn ế lên ế xuống”. Theo bà Bé Bảy, mấy tháng nay các “mối ruột” của bà đi ngang sạp thịt chỉ cười trừ rồi… đi thẳng, nếu có mua cũng mua rất ít. Tương tự, các quầy thịt gà, thịt bò… giá cả cũng tăng vùn vụt, lượng bán giảm đáng kể vì hiếm người mua.

Để “chống lạm phát”, nông dân vùng Đồng Tháp Mười chọn cách… tự cung tự cấp. Rau sạch thì cứ cắp rổ đi một vòng quanh nhà là đầy rổ, còn cá tôm thì chịu khó ra đồng bắt lấy đem về. Nhiều gia đình còn tăng cường trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện bữa ăn. Nhiều mặt hàng nông sản do chính nông dân làm ra đang tăng giá vùn vụt do áp lực tăng giá từ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chi phí điện, nước, xăng dầu. Trong khi đó, nhiều mặt hàng lâu nay được coi là đặc sản vùng Đồng Tháp Mười như rắn, rùa, chuột, lươn, ếch lại không hề tăng.

Tại chợ Bình Hiệp, giá chuột đồng vẫn ở mức 30.000-35.000 đồng/ki lô gam, chuột cống nhum loại to cũng chỉ 50.000-60.000 đồng/ki lô gam. Tương tự, rắn bông súng mấy năm nay luôn chỉ ở mức 110.000-120.000 đồng/ki lô gam. Thịt ngon như rắn hổ hành cũng chỉ 300.000 đồng/ki lô gam. Bà Trần Thị Lan, nông dân xã biên giới Bình Hiệp (Mộc Hóa, Long An), lựa chuột mua mà miệng cười tươi rói: “Tính ra mua ba ký chuột giá chưa bằng ký thịt heo, tội gì mình không chuyển qua ăn “đặc sản” này chứ! Về tới nhà tui lội ra ruộng ngắt mớ rau tập tàng đem vô luộc là có bữa cơm ngon lành”.

Ông Châu Văn Phụng (nhà ở kinh Hai Vụ, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) phân tích: “Nhà nào cũng có sẵn lu gạo và khạp nước mắm nên không sợ đói. Như nhà tui đang trồng hai héc ta sen lấy ngó, khi đi thu hoạch sen mình chịu khó giăng tay lưới, tối cắm vài cây cần câu bên hè nhà kiếm cá cũng đủ ăn. Muốn đổi món thì bắt mấy con ốc bươu kho với sả, ăn cơm nguội no bể bụng mà không biết…”. Cũng theo lời ông Phụng, để tiết kiệm ga và điện, gia đình ông chuyển qua sử dụng bếp củi, rơm. Ông Phụng nói nấu bếp củi cơm cháy ngon hơn bếp điện, còn cá kho nồi đất hay cá lóc thui rơm vẫn ngon mà đỡ tốn tiền ga.

Ông Trần Hoài Bảo, Phó chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa, cho rằng lạm phát có ảnh hưởng tới dân Đồng Tháp Mười nhưng không đáng sợ. “Nhiều mặt hàng nông sản đang có giá nên nông dân coi như không mất gì. Với giá lúa như hiện nay, người dân đang có lãi cao. Còn chăn nuôi gia súc gia cầm giá thành tăng thì giá bán cũng tăng, lãi vẫn không giảm. Nhiều nông dân nuôi gà, nuôi vịt, tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn. Ngay như gia đình tôi, xung quanh nhà vẫn trồng rau củ, cây hành cây ớt để giảm bớt tiền chợ” – ông Bảo nói.

Cái học cũng bị ảnh hưởng

Khác với nông thôn miền Nam, ở những vùng quê phía Bắc lạm phát đã đến gõ cửa từng nhà, ảnh hưởng trực tiếp đến mâm cơm hàng ngày của người nông dân. Nhiều gia đình phải cắt giảm khẩu phần ăn.

Vừa ngồi nhả từng đụn khói thuốc lào chậm chạp, anh Nguyễn Văn Ứng người xã Trí Quả (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nói: “Nhà tôi có hai đứa con, vợ đi lao động nước ngoài hàng tháng gửi về nhà ba triệu đồng. Trước kia thì ba bố con ở nhà xoay xở cũng được, nhưng giờ thì vất vả lắm. Mọi nhu cầu thường ngày đều phải thay đổi vì lạm phát quá cao. Trước kia tôi hút thuốc lá điếu, giờ chuyển qua hút thuốc lào. Nhà tôi trước kia là câu lạc bộ uống trà nhưng từ đầu năm giá chè búp lên gấp đôi, đến 300.000 đồng/ki lô gam nên câu lạc bộ đành giải tán”.

Nhiều nông dân ở Trí Quả cho biết, mang tiếng sống ở nông thôn nhưng cái gì họ cũng phải mua, từ cọng rau, quả cà muối đến tép hành, trái ớt. Không phải vì nông dân lười trồng rau, mà là không có đất để trồng. Mỗi người được chừng 400 mét vuông đất, phải để cấy lúa mới có gạo ăn. Mảnh vườn bé tí, nhiều nông dân nuôi nhầm mấy con gà giống Trung Quốc, nuôi hay bị chết dịch thành ra ba, bốn lứa mà chẳng còn con nào. “Gia đình tôi tiết kiệm lắm mỗi ngày cũng phải mất 120.000 đồng tiền chợ. Cái gì cũng đắt, mà không mua cũng không được. Các con đang tuổi học hành, cắt giảm khẩu phần thì các cháu không có sức mà học” – anh Ứng tặc lưỡi nói.

Mấy ngày qua, bà Nguyễn Thị Thanh ở xã Hoài Thượng (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) như ngồi trên lửa vì cậu con út thi đậu vào trường cấp 3 của huyện. Bà cần phải mua một chiếc xe đạp cho cậu con trai làm phương tiện đi học nhưng vẫn không đào đâu ra tiền. Chỉ tay ra đám ruộng bé tẹo trước nhà, bà Thanh than thở: “Tôi tiết kiệm được hơn một triệu đồng định mua xe cho con, nhưng vừa qua trong làng có nhiều đám hiếu, hỉ quá nên khoản tiền của tôi bị hụt đi nhanh. Trước kia đi đám hiếu chỉ viếng 50.000 đồng, bây giờ lạm phát phải tăng gấp đôi. Đám cưới ở làng bét nhất cũng phải tăng lên 200.000 đồng mỗi đám. Chỉ mấy ngày đã hết veo số tiền tiết kiệm. Ruộng thì vừa cấy, ba tháng nữa mới gặt. Chắc phải động viên con lội bộ đến trường”.

Bão giá không chỉ ảnh hưởng đến bữa ăn của mỗi gia đình mà chuyện con cái học hành cũng bị ảnh hưởng. Cô bé Hoàng Thị Hà, học sinh lớp 11 trường THPT Thuận Thành 3 (Bắc Ninh) buồn thiu: “Cháu thi khối A, tính học thêm môn sinh vật để thi thêm khối B cho chắc ăn. Vừa rồi bố mẹ cháu không cho học nữa vì mỗi tháng phải đóng mất 120.000 đồng cho môn này. Bố cháu bảo chỉ tập trung vào ba môn toán, lý, hóa cho giỏi để thi đại học, chứ học thêm nhiều tốn tiền của bố mẹ. Sắp tới thầy cô nói sẽ tăng học phí học thêm, bố mẹ còn kêu cháu giảm học vì nhà không có tiền đóng học phí”.

Nhắc tới chuyện lạm phát, bão giá, nhiều nông dân Bắc Ninh chỉ biết thở dài. “Gia đình tôi đã tiết kiệm tới mức vắt cổ chày ra nước nhưng vẫn không đủ chi tiêu. Nếu tình hình này kéo dài tới cuối năm, con tôi có khi không được lội bộ đi học mà nghỉ giữa chừng cũng nên” – bà Nguyễn Thị Thanh buồn rầu nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới