Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh thị trường trái phiếu có đổi màu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bức tranh thị trường trái phiếu có đổi màu?

Hồng Phúc

Bức tranh thị trường trái phiếu có đổi màu?
Đấu thầu trái phiếu chính phủ tại HNX. Ảnh: T.L

(TBKTSG) – Từ đầu tháng 10, các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ không còn sôi động như suốt một năm rưỡi qua. Phiên “chợ” tuần thứ ba của tháng 10, lần đầu tiên sau khoảng hai năm, chỉ bán được 36% tổng khối lượng trái phiếu chào thầu đối với các kỳ hạn 5 và 10 năm, trong khi lãi suất trúng thầu đã được đẩy lên ở cả hai kỳ hạn trên liên tục trong các phiên gần đây.

Hiện tại: rủi ro “bóc ngắn cắn dài”

Việc tái cơ cấu ngân sách không cho phép Chính phủ phát hành lắt nhắt trái phiếu kỳ hạn một, hai, ba năm như trước để hút tiền từ ngân hàng nữa mà phải tập trung thu hút vốn dài hạn. Từ nay tới hết năm 2015, hàng được bán ra trên HNX sẽ chủ yếu là trái phiếu kỳ hạn 5-15 năm. Người có khả năng mua hết số trái phiếu này chỉ là các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư nhưng sức hấp thụ trái phiếu dài hạn của các tổ chức này lại không cao.

Theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) Nguyễn Đức Hiếu, các ngân hàng sẽ phải lùi bước trên thị trường trái phiếu sơ cấp từ nay đến cuối năm vì với cơ cấu 85-90% vốn đầu tư là vốn ngắn hạn, dưới một năm, họ lấy vốn đó đi mua trái phiếu 2-3 năm đã là mạnh tay, không thể đánh đu với trái phiếu 5 hay 10 năm vì rủi ro kỳ hạn. Rủi ro này có thể giải quyết nếu sau đó ngân hàng bán được trái phiếu với giá chấp nhận được để chốt lời. Nhưng ai cũng mua và ai cũng đem bán, thì bán cho ai? Bóc ngắn cắn dài như vậy sẽ đẩy rủi ro của ngân hàng tới đỉnh mới.

Thứ nữa, thời điểm gần về cuối năm, các ngân hàng chuẩn bị phải tất toán sổ sách, nếu mua thêm trái phiếu thì sang năm sẽ phải lo việc bán bớt trái phiếu đi để đưa cơ cấu đầu tư về trạng thái cân bằng.

Tổng lượng trái phiếu các ngân hàng đang nắm giữ hiện nay chỉ tương đương 7% tổng tài sản các ngân hàng thương mại. Trong khi mục tiêu lạm phát dự kiến là 5%, thì với mức lợi tức trái phiếu như hiện nay, các ngân hàng vẫn có dư địa khá lớn để đầu tư thêm vào thị trường trái phiếu.

“Banking-book” (danh mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn) và trading-book (danh mục đầu tư để mua đi bán lại kiếm lời) của các ngân hàng đã thay đổi rất nhiều. Trading-book trong một, hai năm trước đây thường nhỏ hơn banking-book nhưng nay đã phình to ra, có những ngân hàng gấp cả chục lần.

Nhìn từ góc độ cung cầu, với khối lượng đáo hạn trái phiếu chính phủ trong hai tháng cuối năm đạt trên 20.000 tỉ đồng và nếu tính cả trái phiếu Chính phủ bảo lãnh thì lên tới 30.000 tỉ đồng, trong khi nguồn cung sơ cấp (kỳ hạn phù hợp với ngân hàng) nhỏ giọt và ngân hàng đang thừa tiền, thì lãi suất trái phiếu chính phủ có nhiều khả năng giảm nhẹ về cuối năm.

Với đà lãi suất đi xuống, họ tiếp tục kỳ vọng mua bán trái phiếu ngắn hạn kiếm lời trên thị trường thứ cấp. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ động lực chốt lợi nhuận cho danh mục của các ngân hàng, từ nay tới cuối năm, thị trường trái phiếu thứ cấp khó mà sôi động bởi ai cũng muốn bán chốt lời, nhưng lại thiếu người mua. Điều này có vẻ chiếm ưu thế khi mà tuần trước, thanh khoản trên thị trường thứ cấp đã sụt giảm, giao dịch tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn dưới ba năm. Giá trị giao dịch một chiều toàn thị trường giảm khá mạnh, khoảng 35% so với tuần trước, đạt 9.500 tỉ đồng. Như vậy là thị trường trái phiếu cuối năm, nhiều khả năng sẽ chuyển qua một gam màu trầm lắng.

Nhìn về 2015

Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, ông Đỗ Việt Dũng, Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho biết mặc dù tới nay Chính phủ chưa chốt khối lượng trái phiếu sẽ đưa ra chào bán trên thị trường nợ năm 2015 nhưng lượng trái phiếu chính phủ cần huy động, theo ước tính của ông, sẽ ít nhất bằng năm nay (232.000 tỉ đồng).

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết, trong số 7 tỉ đô la Mỹ (khoảng 150.000  tỉ đồng) nợ công phải trả trong năm 2015, có phần trả nợ nước ngoài và trong nước. Phần nợ trong nước là nợ trái phiếu chính phủ và nợ các quỹ tài chính mà Bộ Tài chính đã vay trước đây nay đến hạn trả.

Trên bối cảnh như vậy, giới kinh doanh vốn đánh giá thị trường trái phiếu năm tới ra sao?

Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Đỗ Ngọc Quỳnh nhận định: “Mặc dù có quan ngại ngân hàng đầu tư quá nhiều vào trái phiếu chính phủ nhưng tổng lượng trái phiếu các ngân hàng đang nắm giữ hiện nay chỉ tương đương 7% tổng tài sản các ngân hàng thương mại. Trong khi mục tiêu lạm phát dự kiến là 5%, thì với mức lợi tức trái phiếu như hiện nay, các ngân hàng vẫn có dư địa khá lớn để đầu tư thêm vào thị trường trái phiếu”.

Giám đốc đầu tư của Công ty TNHH Quản lý quỹ Eastspring Investments, ông Ngô Thế Triệu, cũng cho rằng trái phiếu vẫn là kênh để ngân hàng đẩy tiền vào trong năm tới. Ông nói: “Ngân hàng trước nay không màng trái phiếu 5-15 năm, vốn là sân chơi của nguồn vốn bảo hiểm, nay cũng đã lấn sân vào mảng này. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 15 năm chỉ trong ba tuần của tháng 9 rơi nhanh từ 8% xuống 7,05% và có ngân hàng ngay sau đó đã bán lại với lãi suất 7,2%. Khả năng 3-6 tháng tới lãi suất sẽ đi ngang và đà mua trái phiếu sẽ trở lại từ quí 1 năm tới”.

Theo Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TPHCM Trịnh Hoài Giang, yếu tố vĩ mô khiến nhiều người lo lắng là nợ công, bên cạnh đó là chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và nợ xấu chưa chuyển biến đáng kể. Song, ông cũng đồng tình rằng cầu trái phiếu vẫn còn cao. “Năm vừa qua thị trường trái phiếu chính phủ có ba điểm nhấn quan trọng: phát hành thành công trái phiếu lô lớn, đã có hệ thống nhà đầu tư sơ cấp tham gia tích cực khiến việc phát hành diễn ra suôn sẻ, đã có hệ thống giao dịch mới trên thị trường thứ cấp làm lợi tức trái phiếu giảm đi. Cầu trái phiếu 2015 được dự báo tiếp tục mạnh và các yếu tố ngắn hạn như tin đồn, bắt bớ hay tác động ngắn hạn sẽ không làm thị trường bị sốc”, ông Giang nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới