Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bùi Tiến Dũng và chuyện môi trường bóng đá chuyên nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bùi Tiến Dũng và chuyện môi trường bóng đá chuyên nghiệp

Đinh Hiệp

(TBKTSG Online) – Các động thái của cả ba bên, thủ môn Bùi Tiến Dũng, Công ty truyền thông Orion Media và Câu lạc bộ bóng đá FLC Thanh Hóa trong vụ tranh chấp bản quyền hình ảnh xôn xao dư luận hai ngày qua đều cho thấy rằng họ coi việc cần làm tốt nhất hiện nay là im lặng, vì không ai hoàn toàn có lý.

Bùi Tiến Dũng và chuyện môi trường bóng đá chuyên nghiệp

Câu chuyện chốt lại ở những câu hỏi thế này: Hợp đồng giữa FLC Thanh Hóa với Bùi Tiến Dũng có điều khoản về các hoạt động liên quan đến việc khai thác và sử dụng hình ảnh của cầu thủ? Công ty Orion Media có thể xem họ là người đại diện cho Bùi Tiến Dũng được không? Bùi Tiến Dũng có quyền lợi cá nhân đối với hình ảnh của mình?

Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định quyền sử dụng hình ảnh cá nhân là quyền nhân thân, việc sử dụng hình ảnh của ai đó phải được người đó đồng ý. Có một số trường hợp sử dụng hình ảnh mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh, như vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hay sử dụng từ các hoạt động công cộng. Lấy ảnh Bùi Tiến Dũng để làm pa-nô, áp-phích cổ động cho sự lành mạnh xã hội thì được, nhưng lấy hình ảnh của anh để giới thiệu dầu gội đầu thì phải trả tiền.

Các cầu thủ hoàn toàn được chủ động về hình ảnh của họ, tùy theo độ rắn của họ trong thương lượng, mối quan hệ của họ với câu lạc bộ chủ quản ra sao.

Cristiano Ronaldo chẳng hạn, dù thi đấu cho Real Madrid vốn nổi tiếng rất giỏi qua việc sử dụng hình ảnh cầu thủ để kiếm tiền, nhưng anh vẫn giữ được bản quyền hình ảnh cho riêng mình. Khi chuyển từ Manchester United sang Real Madrid năm 2009, Ronaldo và người đại diện của anh là ông Jorge Mendes kiên quyết nói “không” khi Real Madrid muốn có 50% quyền sử dụng hình ảnh của anh, tức là Ronaldo làm quảng cáo ở đâu cũng phải chia lại cho Real Madrid 50% thù lao. Real Madrid rất muốn có Ronaldo trong đội hình nên họ phải nhượng bộ anh.

Năm 2015, Ronaldo bán quyền sử dụng hình ảnh của mình cho công ty Mint Media của tỉ phú người Singapore Peter Lim. Ngược lại, khi Real Madrid muốn có mặt Ronaldo trong các quảng cáo đội bóng này ký, họ phải chia tiền cho Ronaldo. Tương tự như Ronaldo, Lionel Messi cũng tự nắm bản quyền hình ảnh của anh. Không ngạc nhiên lắm khi Real Madrid ký hợp đồng tài trợ với hãng Adidas mà Ronaldo lại đi giày Nike. Và ngược lại, Barca ký hợp đồng với Nike mà Messi lại đi giày Adidas. 

Vị trí đặt bình chọn

Câu lạc bộ FLC Thanh Hóa trong thông cáo báo chí mới nhất đã khẳng định mọi hoạt động liên quan đến việc khai thác và sử dụng hình ảnh của cầu thủ FLC Thanh Hóa, trong đó có thủ môn Bùi Tiến Dũng, đều do câu lạc bộ quản lý. Họ chưa cho công khai hợp đồng ký với Bùi Tiến Dũng nhưng năm nay là năm 2018, bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam đã bước sang gần tuổi 20, các câu lạc bộ bóng đá không còn lơ mơ với chuyện đó nữa đâu. Ông Huỳnh Mau, Giám đốc điều hành Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai cho biết, tất cả các quảng cáo cá nhân của các cầu thủ đều do câu lạc bộ quản lý, cầu thủ và câu lạc bộ ăn chia với tỉ lệ 50-50.

Thực tế, trong quan hệ giữa các cầu thủ và câu lạc bộ ở Việt Nam hiện nay, các câu lạc bộ thường nắm đằng chuôi. Nhiều câu lạc bộ hành xử với cầu thủ của họ, đặc biệt là với các cầu thủ trẻ khá nhập nhằng, thiếu minh bạch, trong hợp đồng “gài” nhiều thứ mà các cầu thủ hoặc kể cả cha mẹ họ là người đại diện cho họ không đủ kiến thức để nhận ra. Có câu lạc bộ còn chơi chiêu, đưa hợp đồng cho cầu thủ ký vào những thời điểm nhạy cảm, khi họ phải tập trung tâm trí vào làm chuyện khác, như chuẩn bị đi tập huấn nước ngoài, sát giờ trận đấu quan trọng… họ không có thời gian đọc kỹ hợp đồng hay tìm người hiểu chuyện để tham khảo ý kiến.

Các cầu thủ đều phải thi đấu cho một đội bóng nào đó, họ mới có cơ hội được mọi người biết đến. Họ luôn ở thế “chiếu dưới” trong quan hệ với câu lạc bộ. Kể cả trong trường hợp hợp đồng giữa FLC Thanh Hóa với Bùi Tiến Dũng không có ràng buộc gì về chuyện khai thác hình ảnh, đố Bùi Tiến Dũng làm trái lời FLC Thanh Hóa, tiếp tục hợp đồng hình ảnh với Orion Media. Hợp đồng thi đấu giữa Bùi Tiến Dũng và câu lạc bộ còn 4 năm nữa, chỉ cần câu lạc bộ đẩy cậu ta lên ghế dự bị hoặc cho xuống đội trẻ tập là sau 6 tháng, đảm bảo không còn nhiều người nhắc đến Bùi Tiến Dũng nữa.

Không hề có ý xúc phạm nhưng phải nói rằng, người Việt Nam chẳng yêu bóng đá lắm đâu, nói như ngôn ngữ dân mạng là ta toàn “fan phong trào”.

Yêu bóng đá gì mà tại giải V-League, các sân bóng mở cửa tự do không lấy tiền vé mà chẳng mấy người đến sân. Không thể lấy đội tuyển quốc gia để làm thước đo lòng yêu bóng đá. Khi đội tuyển đá, đến bà buôn chổi đót còn thích thú, vì đó không còn là bóng đá, mà là một thứ gì lớn hơn, ví như “lòng tự hào dân tộc” chẳng hạn.

Ở phương Tây, như Đức hay Anh, các cổ động viên đến sân hàng tuần xem đội bóng địa phương của họ thi đấu, tuần nào cũng như ngày hội, cho dù đội bóng của họ có chơi ở hạng rất thấp. Đó mới là yêu bóng đá đích thực.

Giả thiết rằng giữa năm nay, khi đội U23 thua tan tác ở ASIAD 2018, lòng yêu đội bóng và các cầu thủ trong dư luận còn được như hiện tại không? Trả lời luôn: Chắc chắn không!

Ông Trần Chí Hiếu, một facebooker nổi tiếng có nhiều người theo dõi, Giám đốc Công ty Orion Media, trên Facebook cá nhân của mình đã chỉ trích nhiều người “ăn theo” U23, cho rằng đơn vị của mình đã đồng hành và âm thầm giúp đỡ, hỗ trợ một số cầu thủ làm thương hiệu từ lâu. Thực tế, cũng ông Hiếu tiết lộ trên Facebook rằng tháng 11-2017, Công ty Orion Football Total là công ty con của Orion Media mới được lập ra và ký hợp đồng thương hiệu với những “thân chủ” đầu tiên là anh em Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng, tiền đạo Hà Đức Chinh.  

Phải nói Orion Media làm truyền thông trên Facebook và Youtube giỏi, bắt “trend” (xu hướng) của dân mạng nhạy, giúp các doanh nghiệp mang thông điệp của họ đến dân mạng nhanh. Có lẽ nhờ kinh nghiệm bắt “trend” của họ, tên tuổi Bùi Tiến Dũng nổi như sấm trong giải bóng đá vừa qua, từ một thủ môn chưa tiếng tăm lắm, xuất thân từ một huyện miền núi ở Thanh Hóa, lột xác trở thành “ông chồng quốc dân” như dân mạng gán.

Tất nhiên, dù là tuyên bố giúp các cầu thủ một cách không vụ lợi, Orion Media cũng phải tranh thủ “trend” để làm giá với các doanh nghiệp muốn gắn thương hiệu của họ gắn với Bùi Tiến Dũng. Khi trước, các doanh nghiệp có thể “ăn theo” Bùi Tiến Dũng vô tư thoải mái, cùng lắm là “cho cháu ít tiền” thì bây giờ họ phải “ăn theo” một cách có quy củ, có báo giá từng hạng mục cụ thể.

Nhưng cách làm của Orion Media quá nhanh, bỏ qua FLC Thanh Hóa, không thể không khiến câu lạc bộ này nóng mắt với kiểu cách được cho là “sáng cấy chiều gặt” này. Dù gì thì FLC Thanh Hóa cũng đào tạo, nuôi dưỡng Bùi Tiến Dũng từ lâu. Chưa kể là Bùi Tiến Dũng thành công với đội U23 thuộc quản lý của VFF và công ty nắm bản quyền hình ảnh của các đội tuyển bóng đá Việt Nam là công ty Dentsu Alpha. Họ đang quan sát, chưa muốn lên tiếng đâu.

Chúng ta không đồng tình với cách hành xử “vắt chanh bỏ vỏ” của một số câu lạc bộ với các cầu thủ, nhưng cũng không thể đồng ý với kiểu làm “khôn lỏi” của một số công ty truyền thông. Orion Media còn chưa có bằng môi giới được FIFA cấp, một điều kiện cần để có thể làm đại diện cho các cầu thủ. Mọi thứ cần phải làm một cách bài bản hơn. Cầu thủ cần phải có những người đại diện giỏi để giúp họ thương thảo các hợp đồng, khai thác các quyền về hình ảnh.

Chưa hoàn toàn rõ chuyện của Bùi Tiến Dũng sẽ rẽ theo hướng nào nhưng nó là điển cứu thú vị để những người đang làm bóng đá hoặc muốn làm bóng đá nhìn vào nhằm xây dựng môi trường bóng đá chuyên nghiệp hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới