Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bùn đỏ và những cơn mưa!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bùn đỏ và những cơn mưa!

Quang Chung

Bùn đỏ và những cơn mưa!
Hồ chứa bùn đỏ của tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng. Ảnh: T.L

(TBKTSG) – Hồ chứa bùn đỏ của tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng từng được tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định “tuyệt đối an toàn” nhưng chỉ sau một năm vận hành đã gặp phải sự cố…

Ngày 8-10-2014, sau vài cơn mưa lớn, đê phụ hồ thải quặng đuôi số 5 của nhà máy tuyển quặng bauxite thuộc tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng đã bị sạt lở. Theo ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, hơn 5.000 mét khối bùn đỏ đã tràn ra đường nội bộ và đổ vào hồ Cai Bang.

Để trấn an dư luận, tức thì, TKV và Bộ Công Thương đều khẳng định bùn đỏ tràn hồ chứa (thải quặng) trong sự cố này không độc hại. Trả lời báo chí, mới đây, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng cho biết: bùn đỏ bị tràn “không có hóa chất độc hại và không gây thiệt hại đến vườn tược, hoa màu của người dân”.

Nhưng theo ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng, tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng có hai loại chất thải (bùn đỏ): (i) chất thải của nhà máy alumina là bùn đỏ nguy hiểm – sử dụng hóa chất độc hại; và (ii) chất thải của nhà máy tuyển quặng bauxite là bùn đỏ (quặng đuôi), ít nguy hiểm hơn – sử dụng hoạt chất – chứ không phải không nguy hại!

Dù có hóa chất, độc hại hay không, trong bùn đỏ ở hồ thải quặng đuôi số 5 của nhà máy tuyển quặng bauxite (có thể cơ quan chuyên môn sẽ xác định sau) thì sự cố “bùn đỏ tràn hồ” cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm về độ an toàn của các hồ chứa bùn đỏ trong khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Nhớ lại, trước khi tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng vận hành, thậm chí ngay từ khi dự án này còn nằm trên giấy, các nhà khoa học đã lo ngại về độ an toàn của các hồ chứa bùn đỏ.

Tuy nhiên, lãnh đạo TKV khẳng định, hồ chứa bùn đỏ của dự án này an toàn tuyệt đối – được đặt trong thung lũng và ở khu vực có lưu vực nhỏ, cách xa điểm dân cư tập trung và hệ thống sông suối lớn.

TKV lập luận, theo thiết kế chiều cao bùn thải tối đa luôn thấp hơn chiều cao mặt đập ngăn cách giữa các khoang chứa từ 1,3-2 mét và thấp hơn mặt địa hình xung quanh hồ chứa từ 2-6 mét. An toàn hơn, các khoang bùn đỏ được vận hành theo thứ tự 1 khoang hoạt động thì 1 khoang bên cạnh dự phòng để chứa nước tràn (trong trường hợp đột biến mưa vượt ngưỡng dự tính) hoặc bùn đỏ tràn do sự cố của khoang hoạt động.

Các chuyên gia của TKV còn cho rằng các đập chắn, chia khoang chứa bùn đỏ được thiết kế với hệ số an toàn cao – công trình chịu động đất ở cấp độ VII, trong khi khu vực Bảo Lâm, Lâm Đồng có gia tốc dao động nền thuộc động đất cấp V.

Thậm chí, TKV và cả Bộ Công Thương từng cho rằng độ an toàn của hồ chứa bùn đỏ “quá cao” nên đã làm giảm hiệu quả kinh tế của dự án. Hồi đầu năm 2014, trong báo cáo gửi đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương cho rằng hồ chứa bùn đỏ “thiết kế với độ an toàn quá cao, gây lãng phí không cần thiết”.

Theo Bộ Công Thương, do “chưa có kinh nghiệm và do áp lực của dư luận về việc an toàn”, hồ chứa bùn đỏ thiết kế, xây dựng quá mức cần thiết làm tăng thêm chi phí của dự án 328,5 tỉ đồng (cả Tân Rai và Nhân Cơ). Cụ thể, đầu tư hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai trên 347 tỉ đồng, chiếm 2,5% tổng mức đầu tư dự án. Bộ Công Thương, cho rằng con số này “chiếm tỷ lệ khá lớn” trong tổng mức đầu tư nên ảnh hưởng đến hiệu quả dự án.

Vì vậy trong báo cáo nói trên, Bộ Công Thương còn cho biết hội đồng thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ dự án Nhân Cơ (do Bộ Công Thương chủ trì) đã yêu cầu nhà thầu điều chỉnh lại theo hướng giảm kích thước đập ngăn, nâng cao khả năng chứa của hồ, rút ngắn hệ thống…

Tuy nhiên, sự cố tràn bùn đỏ ở tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng hôm 8-10-2014, tức chỉ một năm sau khi Nhà máy Tân Rai vận hành, đã thật sự khiến dư luận lo lắng về độ an toàn của các hồ chứa bùn đỏ ở các dự án khai thác bauxite. Nhất là, vùng Tây Nguyên có cường độ mưa lớn (mùa mưa) nên khả năng tràn hồ bùn đỏ rất khó dự đoán.

Đơn giản như hồ thải quặng đuôi mà còn bị vỡ, không kiểm soát được, thì ai dám tin rằng hồ bùn đỏ của các dự án bauxite “trong tầm kiểm soát”?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới