Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bùng nổ bất động sản ở Campuchia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bùng nổ bất động sản ở Campuchia

(TBKTSG) – Sau gần ba thập niên nỗ lực hồi phục nền kinh tế từ đổ nát do nạn diệt chủng Khmer Đỏ, Campuchia đang thật sự bước vào thời kỳ bùng nổ thị trường bất động sản…

Nở rộ cao ốc

Nếu mọi chuyện diễn ra đúng kế hoạch, sắp tới tại ngã tư đại lộ Monivong và đại lộ Sihanouk ở trung tâm thủ đô Phnom Penh sẽ xuất hiện một tòa nhà căn hộ cao cấp 42 tầng. Chủ đầu tư của tòa nhà mang tên Golden Tower 42 này là Yonwoo Co, một công ty Hàn Quốc, đã đổ vào dự án này 240 triệu đô la Mỹ.

Tuy công trình chưa hoàn tất nhưng Teng Rithy, Giám đốc kinh doanh của Gold Tower 42, cho biết: “Chúng tôi đã bán được khoảng 80% số căn hộ, khách hàng chủ yếu là những người Campuchia giàu có và một số người nước ngoài đến từ các nước châu Á khác”.

Cách Golden Tower 42 chừng vài ki lô mét về hướng sông Tonle Sap, công nhân xây dựng đang hối hả san lấp mặt bằng cho dự án xây dựng một cao ốc khác lớn hơn, gồm 52 tầng. Dự án này, cũng do một công ty của Hàn Quốc là GS Engineering & Construction đầu tư, được khởi động vào tháng 6 năm nay và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012.

Choi Byoung Geun, người phát ngôn của GS cho biết, GS cũng sẽ khai thác kinh doanh một tòa 33 tầng, gồm 280 căn hộ cho thuê, một trung tâm mua sắm và một trường học quốc tế.

Ở hướng Tây Bắc của thành phố Phnom Penh có một dự án xây dựng Khu đô thị Camko với số vốn đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ. Chủ đầu tư của dự án là World City, một công ty khác cũng của Hàn Quốc. Dự án được khởi động vào tháng 6 năm ngoái và dự kiến hoàn tất giai đoạn một vào tháng 11-2009. 

Thị trường nóng

Cách đây khoảng mười năm, Campuchia thiếu cả đèn chiếu sáng đường phố. Nhưng nay các nhà đầu cơ đất đai bắt đầu thu về những khoản lợi lớn, các dự án bất động sản bắt đầu thu hút được nhiều người thuê và bộ mặt của thủ đô đang dần thay đổi.

Khắp thành phố Phnom Penh, những khu nhà lụp xụp và các biệt thự cũ kỹ được bán cho các nhà đầu tư để biến thành những chung cư cao cấp, cao ốc văn phòng, trung tâm mua sắm và những căn biệt thự mới, hiện đại hơn. Những khu vực khác của đất nước Chùa Tháp cũng đang chuyển mình; chẳng hạn gần những ngôi đền cổ ở Angkor Wat, tỉnh Siem Reap, những dự án xây dựng khách sạn đang được các công ty phát triển bất động sản hối hả triển khai.

“Số người giàu có ở Campuhcia ngày càng nhiều và số người nước ngoài đến nước này ngày càng tăng. Điều này khiến chúng tôi tin tưởng rằng Gold Tower 42 sẽ thành công”, Rithy cho biết.

Một tín hiệu lạc quan khác cho thị trường bất động sản của Campuchia là sự ủng hộ của Thủ tướng Hun Sen đối với các dự án phát triển thuộc lĩnh vực này. Sry Thamarong, trợ lý của ông Hun Sen, cho biết Chính phủ Campuchia muốn đất nước có nhiều tòa nhà cao tầng hơn nữa trong tương lai. Thêm vào đó, giá cả trên thị trường bất động sản ở Campuchia cũng đang nóng dần lên. Năm 2006, một căn nhà phố ngang 4 mét, dài 18 mét, cao 4-5 tầng, có giá bán vào khoảng 300.000 đô la Mỹ nhưng nay đã lên 600.000-700.000 đô la Mỹ.

Những rào cản còn lại

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ và có cái nhìn lạc quan vào các dự án phát triển bất động sản ở Campuchia. Một số nhà quan sát đang đặt ra nhiều nghi vấn về các khoản tiền đầu tư vào lĩnh vực này bởi về cơ bản Campuchia vẫn còn là một nước nghèo.

John Brisden, Phó chủ tịch Ngân hàng Acleda, ngân hàng lớn nhất ở Campuchia, cho rằng hiện tượng bùng nổ thị trường bất động sản là “rất bất bình thường” bởi vì phần lớn vốn đổ vào lĩnh vực này không phải là tiền vay từ ngân hàng mà là tiền dành dụm và đầu tư từ nước ngoài.

“Người ta sẽ nhìn thấy sự đi xuống của thị trường này. Viễn cảnh trong tương lai sẽ là có rất nhiều tòa nhà cao tầng nhưng tình hình kinh doanh thì yếu ớt”, Brisden nói.

Vẫn tồn tại một số rào cản đối với các nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực bất động sản ở Campuchia; chẳng hạn, người nước ngoài không được phép sở hữu nhà đất. Để lách luật, nhà đầu tư nước ngoài thường liên doanh với các đối tác Campuchia, sử dụng hình thức thuê dài hạn hoặc để cho các đối tác Campuchia đứng tên sở hữu bất động sản. Hoặc họ cũng có thể tìm cơ hội trở thành công dân Campuchia.

“Với một số tiền đầu tư nhất định, anh có thể trở thành công dân của nước này. Khoản tiền đầu tư đó được xem là một đóng góp cho đất nước”, Matthew Rendall, một luật sư của Scriaroni & Associates, một công ty luật ở Phnom Penh, cho biết.

NHẤT NGUYÊN (Theo Business Week)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới