(KTSG Online) – Trong khi xuất khẩu chung của ngành hàng rau quả Việt Nam sụt giảm, thì sầu riêng lại có mức tăng trưởng “bùng nổ”. Kết quả ấn tượng này có được là nhờ vào việc “mở cửa” thị trường Trung Quốc.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, tháng 12-2022, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt khoảng 280 triệu đô la Mỹ, giảm 8,5% so với tháng trước đó và giảm 5,1% so với tháng 12-2021. Tính chung cả năm 2022, ước xuất khẩu ra quả của Việt Nam đạt xấp xỉ 3,34 tỉ đô la Mỹ, giảm 5,9% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh xuất khẩu rau quả Việt Nam sụt giảm, thì mặt hàng sâu riêng đã có sự “bùng nổ” về xuất khẩu và thành quả này có được là nhờ vào việc mở cửa thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt trên 372,79 triệu đô la Mỹ, tăng 123% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt trên 125,72 triệu đô la Mỹ, tăng trên 1.035% so với 11 tháng đầu năm 2021.
Sầu riêng của Việt Nam là loại trái cây vừa được Trung Quốc mở cửa cho phép nhập khẩu chính ngạch sau hơn 4 năm đàm phán. Trong đó, lô hàng đầu tiên xuất chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 9-2022.
Trước khi được vào thị trường đông dân nhất thế giới bằng kênh chính ngạch, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 3,9 triệu đô la Mỹ, giảm 21,3% so với cùng kỳ.
Ngoài Trung Quốc, Thái Lan là quốc gia đứng thứ hai về nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam, với kim ngạch đạt trên 106,8 triệu đô la Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng 111,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia cùng nhà quản lý cho rằng sự bùng nổ xuất khẩu sầu riêng Việt Nam vào Trung Quốc chính là kết quả của việc đàm phán mở cửa thị trường.
Để loại nông sản này tiếp tục khai thác tốt hơn thị trường gần 1,4 tỉ dân này, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng cần chú trọng giải pháp khoa học giúp cây sầu riêng cho trái rải đều trong năm, thay vì tập trung trong vòng 4-5 tháng mỗi năm như hiện nay. “Đó là nhiệm vụ của Cục Trồng trọt và các đơn vị liên quan để phù hợp năng lực chế biến và năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.
Kế tiếp, theo ông Tùng, cần có sự đồng bộ về năng lực đóng gói, chế biến và mã số vùng trồng. Bởi, cấp mã số vùng trồng nhiều, trong khi cơ sở đóng gói ít, thì cũng không đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu bên mua. “Hiện nay, Việt Nam đang chịu áp lực là cấp nhiều mã số vùng trồng để được xuất khẩu đi nhiều hơn, nhưng cơ sở đóng gói, chế biến chưa theo kịp sẽ là một trở ngại”, ông gợi ý doanh nghiệp, địa phương cần phải đẩy mạnh năng lực.
Một vấn đề khác cần lưu ý, đó là phải có sự kiểm soát về diện tích, sản lượng khi xuất khẩu đang tăng. “Đặc biệt, cần phải kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm. Sản phẩm làm ra phải đáp ứng được các tiêu chí về thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cũng như yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu đưa ra”, ông Tùng cho biết.