Bước đi đúng, cần thêm công khai
![]() |
Sau bao năm bị quên lãng, lãi suất cơ bản đã được NHNN bắt đầu sử dụng như một công cụ đắc lực điều hành tiền tệ – Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) – Cuối cùng thì lãi suất cũng được cởi trói khỏi những rào cản hành chính và được trả lại cho thị trường. Sau bao nhiêu năm bị quên lãng, lãi suất cơ bản đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu sử dụng như một công cụ đắc lực để điều hành tiền tệ.
Đây là bước đi đúng và có sức nặng đầu tiên của cơ quan quản lý ngành ngân hàng kể từ đầu tháng 2-2008 đến nay. Câu chuyện còn lại bây giờ là sự linh hoạt đúng liều, đúng lượng, đúng thời điểm của lãi suất cơ bản và giám sát việc thực hiện cơ chế lãi suất mới của các ngân hàng.
Lãi suất thuần hay tính thêm phí?
Ngay sau cuộc họp báo vào sáng thứ Bảy tuần trước của NHNN, công bố lãi suất cơ bản mới 12%/năm, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng tổ chức họp báo tức thì công bố lãi suất huy động tối đa 13,5%/năm. Sáng thứ Hai 19-5-2008 các tổ chức tín dụng khác đồng loạt tăng lãi suất, xoay quanh ngưỡng 14%/năm.
Lãi suất huy động tiền đồng của một số ngân hàng (Đvt: %/tháng) |
|||||||
Ngân hàng |
1 tháng |
2 tháng |
3 tháng |
6 tháng |
9 tháng |
12 tháng |
18 tháng |
Eximbank |
1,167 |
1,167 |
1,167 |
1,167 |
1,183 |
1,183 |
|
Saigonbank |
1,125 |
1,125 |
1,125 |
1,125 |
1,15 |
1,15 |
1,15 |
Dong A |
1,15 |
1,15 |
1,15 |
1,15 |
1,18 |
1,19 |
1,2 |
Sacombank |
1,125 |
1.125 |
1,125 |
1,125 |
|
|
|
VCBHCM |
1,0416 |
1,0625 |
1,0833 |
1,125 |
1,125 |
1,1458 |
1,1666 |
Số liệu ghi nhận vào sáng ngày 21-5 |
Sự phản ứng mau lẹ của các ngân hàng cho thấy họ quá nóng lòng chờ đợi việc bỏ trần lãi suất huy động, nó chứng tỏ ngân hàng đang cần tiền một phần để cho vay, một phần để giải quyết dự trữ bắt buộc, nâng tính thanh khoản. Từ cuối tháng 4-2008 một số ngân hàng thanh khoản yếu đã như ngồi trên đống lửa vì những ngân hàng thừa vốn giảm hẳn cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Họ e ngại bị “xù nợ”.
Bây giờ lãi suất tiền gửi đã được tự do, tính thanh khoản của các ngân hàng chắc chắn sẽ được cải thiện. Việc vay vốn của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn bởi ít nhất là ngân hàng có tiền để cho vay, còn vay với giá nào lại là chuyện khác. Theo như công bố của NHNN, lãi suất cho vay tối đa hiện bằng 150% lãi suất cơ bản như quy định của Bộ luật Dân sự, tức 18%/năm.
Vậy trong 18% này đã có phí chưa hay là lãi suất thuần? Do không quy định rõ, các ngân hàng có quyền cộng thêm chi phí vay, kiểu chi phí thẩm định dự án 1%/năm, tư vấn 2%… Như vậy lãi suất thật mà người vay phải trả có thể lên tới 20%, 21%, 22%/năm hay cao hơn tùy ngân hàng, tùy thời hạn vay và xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.
Theo chúng tôi, NHNN cần ban hành ngay hướng dẫn về điểm này, cụ thể: lãi suất tiền gửi, cho vay, kinh doanh của các tổ chức tín dụng phải được hiểu là lãi suất cuối cùng không bao gồm các loại phí dịch vụ. Đồng thời để tránh tình trạng xảy ra rồi mới tìm cách xử lý, một quy định chế tài các ngân hàng cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản phải được công khai sớm. Kể từ ngày 13-5-2008 các ngân hàng phải báo cáo hàng ngày về NHNN các chỉ tiêu tài chính cơ bản như số dư tiền gửi, dư nợ, tiền gửi tại NHNN, đầu tư giấy tờ có giá, lãi suất huy động, cho vay… Tuy nhiên không thấy NHNN đề cập việc xử lý công khai những ngân hàng báo cáo không đúng, không trung thực.
Công khai điều hành lãi suất cơ bản
Do lãi suất cơ bản có thể thay đổi hàng tháng, các ngân hàng sẽ buộc phải đánh giá tình hình thị trường một cách toàn diện để đưa ra lãi suất tiền gửi và cho vay phù hợp. Sẽ không thể chỉ căn cứ vào cung cầu vốn trong phạm vi ngân hàng mình, các tổ chức tín dụng buộc phải nhìn sang ngân hàng bạn để dự đoán lãi suất cơ bản tháng tới. Những ngân hàng có lãi suất huy động càng cao, càng gần mức 18%/năm, càng chứng tỏ có vấn đề về tính thanh khoản.
Một quan chức ngân hàng nhận xét: “Để đảm bảo dự trữ bắt buộc, duy trì thanh khoản, bảo hiểm tiền gửi, dự phòng rủi ro và hiệu quả kinh doanh, thì chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng ít nhất phải bằng 3 điểm phần trăm/năm. Vì thế NHNN cần để mắt tới những ngân hàng nào có lãi suất tiền gửi cao hơn 15%/năm”.
Thực ra có nhiều ngân hàng cổ phần chấp nhận một mức lợi nhuận thấp hơn để giữ khách hàng. Một ngân hàng đã điều chỉnh được lãi suất vay lên tối thiểu 16,5%/năm cho 90% các hợp đồng tín dụng của năm ngoái, tính toán nếu để lãi suất tiền gửi là 14%/năm, họ vẫn có lời 0,02% (chênh lệch giá vốn đầu vào đầu ra), nhưng nếu tăng lên 15%/năm thì họ lỗ. Rõ ràng lãi suất huy động trên 15%/năm là “khúc xương” đối với các ngân hàng.
Một điểm lưu ý khác là việc công bố lãi suất cơ bản, ngoài việc dựa vào lãi suất liên ngân hàng, lãi suất thị trường mở, tái cấp vốn, chiết khấu, còn căn cứ vào lãi suất trung bình của một số ngân hàng. Đó là những ngân hàng nào? Có cổ phần, có nước ngoài, có liên doanh không hay chỉ toàn quốc doanh? NHNN không thể không công khai tiêu chí lựa chọn các ngân hàng để xác định “rổ” lãi suất trung bình. Hơn nữa các căn cứ để xác định lãi suất cơ bản nói trên vẫn chưa đủ nếu thiếu mảng phân tích, dự báo cung cầu vốn trên thị trường, lạm phát trong nước, sự lên xuống của các ngoại tệ mạnh, của vàng, của dầu thế giới… của chính NHNN.
Đang có những gợi ý về việc thiết lập một nhóm phân tích và dự báo để cung cấp thông tin cho các nhà chức trách của NHNN đủ cơ sở để công bố lãi suất cơ bản hàng tháng. Một số ngân hàng đề nghị lãi suất cơ bản nên được công bố định kỳ vào ngày thứ Năm của tuần cuối tháng nhằm tạo điều kiện cho họ có thời gian điều chỉnh lãi suất kinh doanh vào đầu tháng sau. Chứ như lần này, các ngân hàng phải họp vào Chủ nhật để sáng thứ Hai kịp có khung lãi suất tiền gửi mới. Quả là cập rập!
Cơ chế lãi suất mới sẽ phát huy hiệu quả cao hơn trong trường hợp đi kèm với thay đổi phương thức kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Trong cuộc họp với tổng giám đốc các ngân hàng mới đây tại TPHCM, NHNN cho biết có ngân hàng cổ phần đã có mức tăng trưởng tín dụng bốn tháng đầu năm vượt quá 30%, có ngân hàng vượt 70% so với cuối năm ngoái. Những ngân hàng này từ nay đến cuối năm sẽ chỉ lo đi thu nợ và có thu được nợ thì mới được cho vay tiếp.
Cách ấn định tăng trưởng tín dụng 30% đổ đồng cho mọi ngân hàng như vậy là không phù hợp vì có ngân hàng thừa vốn khả dụng mà không được cho vay, trong khi có ngân hàng chỉ cần tăng trưởng tín dụng 10% thôi cũng đã là nguy hiểm rồi. Một cơ chế kiểm soát tín dụng dựa trên tổng vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế (thị trường 1), chẳng hạn tổng dư nợ bằng 70-80% tổng vốn huy động thị trường 1 sẽ dễ được chấp nhận và hoan nghênh hơn. Thậm chí có thể kỹ hơn nữa, như tổng dư nợ của ngân hàng nhỏ bằng 80% tổng vốn huy động, 75% đối với ngân hàng hạng trung và 70% đối với ngân hàng lớn. Đánh giá và phân loại ngân hàng lớn, trung bình, nhỏ có lẽ không quá khó đối với NHNN.
HẢI LÝ