Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bước giảm tỉ giá trong cơn sóng gió chiến tranh thương mại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bước giảm tỉ giá trong cơn sóng gió chiến tranh thương mại

Trọng Nghĩa

(TBKTSG Online) – Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng (LNH) đã có bước giảm mạnh trong tuần qua trước tình hình quan hệ Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tỷ giá LNH cuối phiên 13-6 đã giảm 90 điểm so với thời điểm một tuần trước đó. Nguồn cung đô la Mỹ lớn trên thị trường là yếu tố then chốt giúp tỷ giá giảm mạnh.

Tỷ giá đã vượt qua ngưỡng 23.400 đồng và neo trên ngưỡng này trong thời gian khá lâu kể từ khi Mỹ áp thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc và đòn giáng vào công ty công nghệ Huawei. Tuy nhiên tỷ giá lại có bước giảm bất ngờ trong tuần qua khi nguồn cung ngoại tệ đang khá lớn trên thị trường LNH.

Theo đó, trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống ngân hàng đã lên tới gần 1 tỉ đô la Mỹ. Trạng thái ngoại tệ dương lớn được cho là do nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng tuần qua không lớn, trong khi tỷ giá LNH vẫn cao hơn giá mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ở mức 23.200 đồng, nên nguồn cung ngoại tệ vẫn ứ đọng trong hệ thống ngân hàng.

Bước giảm tỉ giá trong cơn sóng gió chiến tranh thương mại
Biểu đồ tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ liên ngân hàng. Nguồn: Reuters

Nếu trạng thái dư thừa này xảy ra vào thời điểm đầu năm, khi tỷ giá LNH quanh ngưỡng 23.200, thì NHNN đã mua thêm được khoảng 1 tỉ đô la bổ sung cho dự trữ ngoại hối. Song thời điểm hiện tại, tỷ giá LNH đã giảm, nhưng vẫn cao hơn giá NHNN mua vào khoảng 40 đồng nữa nên không xảy ra tình trạng ngân hàng thương mại bán đô la cho NHNN.

NHNN không mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ, song đổi lại tỷ giá lại giảm sau đà tăng quá nóng mà nhà điều hành không tốn bất kỳ một động thái nào trong các công cụ chính sách tiền tệ. Thị trường đã tự điều chỉnh. Nguồn cung ngoại tệ tăng cao trong thời gian ngắn, mức dư 1 tỉ đô la trong tuần qua bằng 1/8 tổng số đô la NHNN mua được trong 4 tháng đầu năm.

Về phía cầu ngoại tệ, như đã đề cập ở trên, với mức tỷ giá hiện tại thì cầu mua đô la từ phía NHNN bằng 0, từ cá nhân, doanh nghiệp biến động không nhiều trong tuần, trong khi cầu đầu cơ ngoại tệ từ các định chế tài chính dường như không thay đổi do tuần qua không có tin tức mới hơn từ căng thẳng Mỹ – Trung, thậm chí có thể giảm bớt do thị trường đã phản ánh quá mức các thông tin xoay quanh chiến tranh thương mại diễn ra ở giai đoạn trước đó, hay gọi là tình trạng “giá chạy trước tin” vốn xảy ra nhiều lần đối với tỷ giá.

Nguồn cung tăng cao trong thời gian ngắn, trong khi nhu cầu không biến động trong cùng khoảng thời gian đã khiến điểm cân bằng tỷ giá giảm so với cuối tuần trước. Đây là một minh chứng ủng hộ cho giả thuyết rằng tỷ giá Việt Nam sẽ ổn định trong năm nay.

Nguồn cung ngoại tệ sẽ tăng cao hơn năm ngoái do các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đẩy mạnh đầu tư Việt Nam trước bất ổn thương mại Mỹ – Trung sẽ tạo dư địa lớn cho nền kinh tế để bình ổn tỷ giá. NHNN sẽ không cần thiết phải can thiệp thị trường mà để thị trường tự điều tiết. Điều này cũng giúp NHNN giảm thiểu việc tác động vào tỷ giá, giúp nền kinh tế vận hành sát hơn với cơ chế thị trường và giúp Việt Nam tránh rơi vào danh sách các quốc gia “thao túng tiền tệ” của Mỹ.

Tuy nhiên, việc để nguồn ngoại tệ dư thừa lớn trong dân chúng lại trở thành mối lo về tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế. Đồng thời, việc mua ngoại tệ ở giá hợp lý vẫn là điều mà nhà điều hành cần lưu ý do dự trữ ngoại hối quốc gia vẫn bị đánh giá còn mỏng. Thay vào đó, nhà điều hành cần đảm bảo lạm phát, thắt chặt tín dụng ngoại tệ, để hạn chế cầu “găm giữ” ngoại tệ trong dân, củng cố niềm tin công chúng vào tiền đồng, qua đó mới giảm thiểu tỷ lệ “đô la hóa”.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới