Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bước lùi của chính sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bước lùi của chính sách

Lê Minh

Bước lùi của chính sách
Khách hàng giao dịch tại DaiA Bank. Ảnh: Bùi Mai.

(TBKTSG) – Sau nhiều lần bị trì hoãn, đến nay dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ cho ý kiến trong phiên họp Chính phủ tháng 9 để chuẩn bị trình Quốc hội vào kỳ họp Quốc hội tháng 10-2011.

Mục tiêu chính sách của Luật Bảo hiểm tiền gửi là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, trong dự thảo luật, lại có nhiều quy định điều chỉnh chính sách ở mức độ thấp hơn quy định hiện hành, không phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Theo mô hình nào?

Điểm đáng chú ý nhất của chính sách trong dự thảo luật này là về mô hình bảo hiểm tiền gửi. Trên thế giới hiện nay có ba mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi là: mô hình chi trả, mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng và mô hình giảm thiểu rủi ro. Trong đó, mô hình giảm thiểu rủi ro đã được thực tiễn chứng minh là mô hình có nhiều ưu điểm nhất tại 44 trong tổng số 95 nước trên thế giới có tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Ngoài việc thực hiện chi trả bảo hiểm sau khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản như mô hình chi trả, tổ chức bảo hiểm tiền gửi còn tham gia đánh giá, thanh tra, giám sát rủi ro, bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính và tham gia hỗ trợ tài chính, xử lý ngân hàng đổ vỡ, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Theo phân loại của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế thì mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam hiện nay là mô hình giảm thiểu rủi ro, nhưng chưa có đầy đủ các chức năng của mô hình này vì thiếu cơ sở pháp lý.
Dự thảo luật do NHNN soạn thảo không tiếp tục hoàn thiện chính sách theo mô hình giảm thiểu rủi ro bằng việc bổ sung các quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện đầy đủ các chức năng giảm thiểu rủi ro mà chuyển sang mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng và cho rằng đó là mô hình phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Theo mô hình này, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, ngoài nhiệm vụ chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền, khi cần có thể tham gia hỗ trợ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Thực tế hệ thống ngân hàng của nước ta hiện nay có số lượng tổ chức tín dụng rất lớn so với nhiều quốc gia, nhưng phần lớn là quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, độ an toàn thấp nên yêu cầu cấp bách là tìm mọi cách để nâng lên cả về quy mô, chất lượng, hiệu quả và mức độ an toàn. Với mức độ rủi ro cao và lan rộng hầu khắp hệ thống ngân hàng như hiện nay, không có một tổ chức bảo hiểm tiền gửi nào có khả năng chi trả bảo hiểm tiền gửi nếu các tổ chức tín dụng này đổ vỡ, phá sản.

Để khắc phục dần những yếu kém của hệ thống ngân hàng có phạm vi rộng nhưng yếu của nước ta thì việc cần thiết là xây dựng hệ thống giám sát hiệu quả, trong đó có giám sát trực tiếp của bảo hiểm tiền gửi, chủ động kiểm soát hoạt động của tổ chức tín dụng nhằm phát hiện sớm những yếu kém, có quyền yêu cầu tái cơ cấu và hỗ trợ tài chính khi tổ chức tín dụng gặp khó khăn.

Khâu yếu kém nhất hiện nay của chính sách đối với hệ thống ngân hàng là giám sát. Theo quy định hiện hành, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN cho dù có đủ chức năng, thẩm quyền vẫn chưa giám sát được toàn diện, chính xác “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi chỉ giám sát từ xa như trong quy định của dự thảo luật thì làm sao có thể đưa ra kết quả tốt hơn.

Trong khi chưa thể hoàn thiện ngay một hệ thống an toàn tài chính với các cơ chế hiệu quả thì việc mở ra một cơ sở pháp lý cho một định chế tài chính khác ngoài NHNN như tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện chức năng giám sát trực tiếp, hỗ trợ và can thiệp vào công việc nội bộ của tổ chức tín dụng là rất cần thiết.
Việc quyết định chuyển đổi từ mô hình giảm thiểu rủi ro sang mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng cho thấy sự thụt lùi về chính sách, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của thị trường tài chính.

Hình thức pháp lý của cơ quan bảo hiểm tiền gửi

Theo dự thảo luật đã được Chính phủ cho ý kiến trong phiên họp ngày 15-9 vừa rồi, Bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính trực thuộc ngân hàng trung ương, do Thống đốc quyết định thành lập, nhằm thực hiện chế độ chính sách về bảo hiểm tiền gửi, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn các loại thuế và do NHNN phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động.

Với địa vị pháp lý phụ thuộc hoàn toàn như vậy, tổ chức bảo hiểm tiền gửi như một loại quỹ thực hiện chính sách công của Nhà nước, tương tự như Quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng lại có nguồn thu chính là thu phí của các tổ chức tín dụng.
Nói cách khác, tổ chức bảo hiểm tiền gửi chỉ là một quỹ chi trả đơn thuần, không hề có quyền hạn mở rộng như thuyết minh về mô hình bảo hiểm tiền gửi của NHNN. Với phạm vi, quyền hạn rất hạn chế, tổ chức này không có đủ công cụ để thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Việc quy định bảo hiểm tiền gửi trực thuộc NHNN đã chứng tỏ xu hướng tập trung quản lý nhà nước của NHNN hơn là thực hiện các chức năng của một ngân hàng trung ương. Nếu xu hướng này được khẳng định sẽ dẫn đến sự chồng lấn và kém hiệu quả trong quản lý vì vừa là ngân hàng trung ương có thẩm quyền phát hành tiền, là ngân hàng của các tổ chức tín dụng, lại vừa bảo hiểm cho chính các khoản tiền gửi là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng. Nguồn vốn nhàn rỗi thu về từ chính sách bảo hiểm tiền gửi lại được mua trái phiếu chính phủ, tín phiếu NHNN và gửi tiền tại NHNN.
Với một chính sách khép kín như thế, rõ ràng NHNN đang “ôm trọn” toàn bộ rủi ro của hệ thống ngân hàng mà không rõ trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai. Dự thảo luật quy định người được bảo hiểm tiền gửi có quyền được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn, nhưng lại chưa quy định trách nhiệm pháp lý cuối cùng trong trường hợp tổ chức này mất khả năng thanh toán.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới