Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Buộc mua nhiều nhưng bán ít, Sawaco muốn tăng giá nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Buộc mua nhiều nhưng bán ít, Sawaco muốn tăng giá nước

Đông Hòa

(TBKTSG Online) – Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đang muốn UBND TPHCM phê duyệt phương án giá nước mới theo lộ trình 2019 – 2022 để giải quyết phần nào các khó khăn mà doanh nghiệp này gặp phải. Đó là mua sỉ nhiều với giá tăng dần nhưng bán lẻ thì ít mà giá không tăng, thậm chí Sawaco còn gặp khó khăn khi bán nước cho các chi nhánh của mình nhưng nay đã cổ phần hóa.

Buộc mua nhiều nhưng bán ít, Sawaco muốn tăng giá nước
Hội thi công nhân cấp nước. Ảnh: PVH

Theo lập luận của Sawaco thì trong điều kiện giá nước từ năm 2013 đến nay vẫn chưa được điều chỉnh, do vậy từ năm 2015 tình hình tài chính của doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về đảm bảo, duy trì 100% tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch và thực hiện “nhiệm vụ chính trị – an sinh xã hội”.

Khó khăn đầu tiên mà Sawaco vấp phải là câu chuyện mua sỉ nước sạch với các đối tác là các nhà máy nước được xã hội hóa gồm Công ty BOO nước Thủ Đức, Công ty cấp nước Kênh Đông, Công ty đầu tư và kinh doanh nước sạch Sài Gòn và Công ty đầu tư nước Tân Hiệp.

Ông Nguyễn Văn Dụ, Phó tổng giám đốc Sawaco, cho biết chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy nước nói trên tăng đều qua các năm và chi phí này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chỉ phí hoạt động kinh doanh nước sạch, hiện khoảng 42%.

Trong 3 năm gần đây, chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy nước xã hội hóa tăng bình quân 252 tỉ đồng/năm là do các nhà máy này tăng sản lượng và lộ trình giá mua bán sỉ nước sạch tăng định kỳ hàng năm hoặc hai năm. Chính các công ty bán nước sỉ này lắm khi cũng buộc phải tăng giá do thuế, phí, tiền điện tăng…

Với công suất thiết kế của các nhà máy đạt 2.400.000 mét khối/ngày nhưng chỉ mới phát nước với công suất khoảng 1.900.000 mét khối/ngày, còn 500.000 mét khối/ngày chưa tiêu thụ được.

Đó là chưa kể hàng năm, Sawaco thỏa thuận về Hợp đồng mua bán sỉ nước sạch với các Công ty cổ phần cấp nước mà thực chất là chi nhánh của chính Sawaco trước đây. Trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện vướng mặc khi 2 chi nhánh cũ là Cấp nước Gia Định và Thủ Đức không thực hiện ký kết hợp đồng (Thủ Đức từ năm 2017 đến nay, Gia Định từ năm 2018 đến nay).

Lý do khá đơn giản, Hợp đồng mua bán sỉ nước sạch thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị. Tuy nhiên các thành viên Hội đồng quản trị là Người đại diện vốn góp của Tổng Công ty (Công ty mẹ Sawaco) không được quyền biểu quyết do có lợi ích liên quan nên quyền quyết định hợp đồng mua bán sỉ nước sạch là các cổ đông bên ngoài. Vì không đủ số phiếu tán thành, nên chưa thể thông qua đơn giá mua bán sỉ nước sạch giữa Sawaco và hai công ty cấp nước Gia Định và Thủ Đức. Từ đó các công ty cấp nước từng là chi nhánh của Sawaco cũng “ăn theo”, không muốn đàm phán giá mua nước mới.

Mầu chốt hiện nay là Sawaco muốn chính quyền thành phố tăng giá nước theo lộ trình gắn liền với việc tăng giá mua sỉ nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới