Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bưởi là loại trái cây thứ bảy của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trái bưởi của Việt Nam đã chính thức được Mỹ đồng ý cho xuất khẩu vào quốc gia này. Đây trở thành loại trái cây thứ bảy của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Đóng gói bưởi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Bến Tre. Ảnh: Trung Chánh

Tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãnh đạo tỉnh Bến Tre vào hôm nay, 13-10, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận, Mỹ đã đồng ý cho Việt Nam xuất bưởi sang thị trường này.

“Dự kiến thứ hai tới, ngày 17-10, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cùng với APHIS (Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ) làm lễ chính thức công bố nghị định thư Mỹ đồng ý cho chúng ta xuất khẩu bưởi sang thị trường này”, ông Thiệt cho biết. Cũng theo ông Thiệt, Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) sẽ là đơn vị xuất khẩu lô hàng bưởi đầu tiên của Việt Nam vào Mỹ.

Theo một nguồn tin của KTSG Online, hôm 12-10, đoàn chuyên gia của APHIS đã đến tham quan, kiểm tra vùng trồng bưởi và cơ sở đóng gói tại tỉnh Bến Tre. Trong đó, kiểm tra vùng trồng bưởi xuất khẩu ở 3 xã của huyện Châu Thành, gồm Quới Sơn, Hữu Định, Tam Phước và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu vào Mỹ của Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.

Tại buổi làm việc vào hôm nay, một trong những nội dung được ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề xuất với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đó là đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường bưởi và dừa xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Trung Quốc.

Theo ông Cảnh, đối với chuỗi giá trị sản xuất bưởi da xanh, Bến Tre hiện có 7 tổ hợp tác và 12 hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp (đầu ra), có diện tích 374,03 héc ta, trong đó, diện tích đạt chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam) là 330,98 héc ta.

Liên quan đến việc cấp mã số vùng trồng bưởi để xuất khẩu vào Mỹ, ông Thiệt cho biết, phía Mỹ đã uỷ quyền cho Cục Bảo vệ thực vật cấp. “Với cây bưởi, chúng ta hiện có 16 mã số vùng trồng đang hoạt động và 21 mã số vùng trồng khác đang được xem xét để xuất đi Mỹ”, ông Thiệt nói.

Với việc trái bưởi được cấp phép xuất khẩu vào Mỹ, theo ông Thiệt, hiện Việt Nam có 7 loại trái cây được xuất khẩu vào quốc gia nay, gồm thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, vú sữa, vải và bưởi.

Cũng theo ông Thiệt, hiện Việt Nam đã nộp hồ sơ xuất khẩu vào Mỹ thêm hai loại quả mới với thứ tự ưu tiên: chanh dây và dừa.

Riêng đối với trái dừa, ông Thiệt cho biết, trước đây Mỹ đã đồng ý cho Việt Nam xuất với điều kiện phải gọt vỏ. “Trước chúng ta gọt còn chừa một lớp vỏ (gọt thành hình kim cương), thì Mỹ cho chúng ta xuất một thời gian khá lâu và số lượng ngày càng tăng lên”, ông Thiệt cho biết.

Tuy nhiên theo ông Thiệt, khi Mỹ thay đổi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, thì chính sách cũng thay đổi theo; phía Mỹ bắt buộc dừa xuất khẩu vào thị trường này phải gọt hết vỏ, chỉ chừa lại phần gáo dừa. Tuy nhiên, việc gọt hết vỏ, trái dừa không bảo quản được nên không thể xuất khẩu sang Mỹ. “Hiện nay, chúng tôi đang đàm phán với Mỹ nhằm tìm hướng mới để tiếp tục xuất khẩu”, ông nói.

Liên quan đến việc xuất khẩu trái cây vào Mỹ, mới đây nhà máy chiếu xạ của Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (Long An) đã thực hiện chiếu xạ lô hàng đầu tiên với khối lượng khoảng 12 tấn, bao gồm 6 tấn xoài và 6 tấn thanh long.

Việc chiếu xạ trái cây tươi xuất khẩu vào Mỹ là quy trình bắt buộc. Hiện, ngoài nhà máy chiếu xạ Toàn Phát, Việt Nam còn có một nhà máy khác chiếu xạ trái cây vào Mỹ là nhà máy Sơn Sơn.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt gần 2,2 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 179 triệu đô la Mỹ, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 8,16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới