Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Buông trách nhiệm quản lý  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Buông trách nhiệm quản lý  

(TBKTSG) – Diễn tiến trong thời gian gần đây buộc chúng ta phải đặt câu hỏi liệu một số bộ, ngành trong bộ máy nhà nước có đang buông nhiệm vụ quản lý của mình.

Dễ thấy nhất là chuyện lãi suất. Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị vào ngày 7-4: “trước mắt, không duy trì lãi suất huy động trần”. Thế nhưng từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nơi chịu trách nhiệm về chính sách lãi suất lại không có một động thái gì, từ việc xác định Công điện 02 ấn định trần lãi suất 12% có còn hiệu lực không đến việc giải thích cho khối ngân hàng cũng như cho người dân định hướng lãi suất sắp tới như thế nào.

Trong thông báo gởi cho báo chí ngày 18-4, NHNN không dành một dòng nào để nói về băn khoăn lãi suất trần của nhiều ngân hàng đã lên tiếng trước đó. Ở đây có hai vấn đề: về quản lý nhà nước, lẽ ra NHNN phải linh hoạt sử dụng công cụ lãi suất để điều hành thị trường tiền tệ nhưng lại nhường vai trò này cho một thỏa thuận không mang tính pháp lý của Hiệp hội Ngân hàng. Về mặt công luận, lẽ ra NHNN phải phân tích cho người dân thấy lãi suất ở các ngân hàng với quy mô khác nhau, uy tín cũng như bề dày khác nhau thì sẽ khác nhau.

Có như thế mới hình thành một thị trường lành mạnh, có cạnh tranh để nâng cao năng lực, chứ không lẽ như hiện nay ngân hàng nào cũng như nhau. Vai trò quản lý của NHNN ở đây chính là sự phân loại các ngân hàng, là buộc họ cung cấp thông tin công khai cho người gửi tiền biết và cân nhắc chọn lựa. Một sự im lặng từ NHNN, đặc biệt từ người đứng đầu, phải chăng là biểu hiện của sự buông quản lý?

Một bộ khác cũng lơ là hay hiểu sai nhiệm vụ quản lý của mình khá rõ nét là Bộ Y tế. Với bệnh tả, thay vì tập trung vào các biện pháp phòng chống đã trở thành kinh điển trên khắp thế giới, các cơ quan trực thuộc bộ cứ thỉnh thoảng tung ra các tin “giật gân” không đâu vào đâu, như tin tiền giấy nhiễm vi khuẩn!!! Nhiệm vụ của Bộ Y tế lúc này lẽ ra là nhanh chóng in hàng triệu tờ rơi, hướng dẫn kỹ càng cho đến từng người dân những biện pháp phòng dịch đơn giản như rửa tay trước khi ăn, uống nước đã đun sôi…

Lâu dài hơn là một chiến dịch vận động người dân xây nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn, làm sạch nguồn nước. Hoạt động của bộ như thế nào trong nhiều năm qua để đến nay bộ mới phát hiện rất nhiều cộng đồng dân cư không xây nhà vệ sinh và các quan chức của ngành y tế chỉ biết bày tỏ sự ngạc nhiên một cách rất vô tâm?

Một chuyện đơn giản là gọi tên cho đúng “tiêu chảy cấp” hay “bệnh tả”, bộ cũng không giải quyết rốt ráo để Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị nên gọi “bệnh tả” thay vì “tiêu chảy cấp nguy hiểm”, còn Thứ trưởng Bộ Y tế thì cứ khăng khăng giải thích theo cách của mình. Riêng Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường lại nói chưa công bố dịch vì chưa có quy định!

Ở đây phải đặt câu hỏi, liệu chúng ta đang cố gắng bảo vệ sức khỏe của người dân hay cố gắng làm nhẹ tình hình vì du lịch, vì uy tín? Không lẽ tính mạng người dân không quan trọng bằng sự thu hút khách du lịch hay sao? Và trong giai đoạn vừa qua, hoàn toàn không thấy phát biểu, giải thích, hướng dẫn gì cả từ người đứng đầu bộ.

Một ví dụ khác về chuyện quản lý nhà nước. Năm ngoái Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tổng vốn FDI đăng ký là 20,3 tỉ đô la, giải ngân được 4,6 tỉ đô la. Nay bộ này cho biết con số chính xác là 21,3 tỉ đô la (vốn đăng ký) và trên 8 tỉ đô la (vốn thực hiện). Chênh lệch của con số vốn đăng ký không đáng kể, có thể tính vào sai sót thống kê nhưng con số vốn giải ngân từ 4,6 tỉ đô la lên trên 8 tỉ đô la là một sai số lớn, không thể chấp nhận được.

Nếu nhìn vào cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm 2007 (xem thêm mục Sự kiện & Vấn đề, TBKTSG số 17-2008), số vốn FDI thực hiện cao, có nghĩa thâm hụt thương mại hoặc dự trữ ngoại tệ phải cao hơn thực tế nhiều. Con số giải ngân vốn FDI năm 2006 là 4,1 tỉ đô la – nếu năm ngoái con số này lên trên 8 tỉ đô la, kéo theo biết bao nhiêu mức tăng gấp đôi như thế, cả về số lao động tuyển dụng, lượng điện tiêu thụ, nguyên vật liệu, nhập khẩu máy móc, nhu cầu văn phòng, đất đai… Bộ lại không có một lời giải thích ngoài một dòng điều chỉnh trong báo cáo.

Ở đây cũng có hai vấn đề: một là độ chính xác của các con số; còn nếu chúng là chính xác thì sự yếu kém trong công tác quản lý vốn đầu tư nước ngoài của bộ từ khi phân cấp cho địa phương. Năm rồi đã xảy ra việc điều chỉnh số liệu như thế ở nhiều ngành, từ ngân hàng cho đến tài chính và nay là đầu tư. Thiếu số liệu chính xác, làm sao trông chờ chính sách đúng.

Trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 7-4 có hàng loạt công việc yêu cầu các bộ, ngành thực hiện và báo cáo trước ngày 15-4, như giải pháp kiểm soát luồng vốn ngắn hạn; điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng; xây dựng tiêu chí phân loại dự án đầu tư công để loại các dự án không hiệu quả; tiêu chí thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; phương án giảm nhập siêu…

Ngày 15-4 đã trôi qua, không biết bao nhiêu trong số đầu việc trên đã được thực hiện. Có lẽ Văn phòng Chính phủ, nơi truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên công bố cho mọi người cùng biết để nơi nào vẫn còn buông trách nhiệm quản lý như trong thời gian vừa qua, người dân có thể biết được và thông qua đại biểu Quốc hội của mình, có thể hành xử quyền mà luật pháp đã trao cho.  

NGUYỄN VẠN PHÚ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới