Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cải cách ngành thuế còn nhiều việc phải làm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cải cách ngành thuế còn nhiều việc phải làm

Tư Giang

Cải cách ngành thuế còn nhiều việc phải làm
Ngành thuế còn nhiều không gian để cải cách hành chính. Ảnh TG

(TBKTSG Online) – Có tới 71% doanh nghiệp hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thuế, song cũng có tới 32% doanh nghiệp cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế và 40% doanh nghiệp cho biết họ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí đó.

Đây là một trong những phát hiện chính trong Báo cáo “Đánh giá Cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính và hai đơn vị khác công bố ngày 11-8 tại Hà Nội.

Bông hồng cho ngành thuế

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói: “Tới 71% doanh nghiệp hài lòng có nghĩa là ngành thuế được 7/10 điểm – một điểm số khá cao. Tôi cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp trao bông hồng cho ngành thuế vì những nỗ lực cải cách”. Ông Lộc chứng minh là bộ được doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong báo cáo MEI của VCCI cũng chỉ đạt 5,8/10 điểm; và địa phương được doanh nghiệp xếp cao nhất trong báo cáo PCI của VCCI cũng chỉ đạt 6,7/10 điểm.

Theo báo cáo đánh giá tác động của những thay đổi pháp luật thuế trong 5 năm qua đối với môi trường kinh doanh, 92% doanh nghiệp cho biết pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực. Thuế Giá trị gia tăng và Thuế Thu nhập doanh nghiệp là 2 sắc thuế mà tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có sự thay đổi tích cực và giảm thời gian thực hiện cho doanh nghiệp nhiều nhất. 

Tới 90% doanh nghiệp có đón tiếp đoàn thanh kiểm tra thuế đồng ý với nhận định rằng thời gian thanh kiểm tra đúng với thời gian trong quyết định thanh, kiểm tra đã ban hành.

Khoảng 53% doanh nghiệp đồng ý cho rằng công chức thuế có thái độ giao tiếp lịch sự, đúng mực, tôn trọng doanh nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Chí, cho biết, có tới 97% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử; 80% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử qua 21 ngân hàng trong nước đã kết nối với Tổng cục Thuế.

Dự kiến, Tổng cục Thuế sẽ ký kết với 20 ngân hàng nước ngoài vào cuối tuần này nhằm để mở rộng tối đa việc kê khai thuế, nộp thuế điện tử.

“Công tác cải cách hành chính thuế được được đánh giá khá tốt … Chúng tôi nỗ lực cải cách với mục tiêu giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ”, ông cam kết.

Không gian cải cách còn quá lớn

Bất chấp những nỗ lực của tự thân ngành thuế, và những đánh giá lạc quan từ khu vực doanh nghiệp thì ngành này còn rất nhiều không gian để tiếp tục cải cách.

Ông Jonathon Kirkby, chuyên gia lĩnh vực thuế của Tố chức Tài chính Quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới nói: “Vẫn còn nhiều không gian để cải cách trong thời gian tới, và ngành thuế còn rất nhiều việc phải làm”.

Theo báo cáo, trung bình, cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 7 doanh nghiệp cho biết từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế. Cứ 2 doanh nghiệp điều tra thì có 1 doanh nghiệp cho biết có thể tiếp cận dễ dàng văn bản pháp luật, chính sách thuế.

Gần một nửa (49%) các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết từng gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế.

Trung bình có 32% các doanh nghiệp cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. Khoảng 40% doanh nghiệp cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí không chính thức.

Trung bình có 52% các doanh nghiệp tham gia khảo sát có tiếp đón thanh kiểm tra thuế trong năm 2014.

Về điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI giải thích, doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì có xu hướng phải tiếp đón nhiều hơn các đoàn thanh tra kiểm tra thuế. “Có tình trạng lạm dụng thanh tra kiểm tra, có tình trạng thanh tra lặp lại. Nhiều doanh nghiệp báo cáo họ chưa tâm phục khẩu phục”, ông Tuấn nói.

“Thanh tra, kiểm tra là vấn đề lớn của  ngành thuế và cần được cải thiện”, ông Tuấn cảnh báo.

Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn giải thích: “Cơ quan thuế hiện nay đang thanh tra, kiểm ra theo mục tiêu với tư duy truyền thống: người nào làm nhiều việc thì khả năng sai sót nhiều, có thể truy thu thuế nhiều. Từ tư duy đó dẫn đến chọn đơn vị có khả năng tăng thu được, doanh nghiệp càng lớn giao dịch càng nhiều, khả năng sai sót càng lớn”.

Ông Tuấn cho rằng, cơ quan thuế phải chuyển sang xây dựng thể chế chính sách về quản lý rủi ro với doanh nghiệp và không thể thanh tra kiểm tra theo cảm tính của mình.

Ông cho biết, khi doanh nghiệp và cơ quan thế có vướng mắc thì cần tham vấn các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước khác có liên quan để giải quyết.

“Điều này đã quy định trong Nghị quyết 19 của Chính phủ; nhưng nghị quyết của Chính phủ không phải là quy định của pháp luật. Vì thế, điểm này cần phải trở thành quy định của pháp luật”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nói thêm, để giảm phí bôi trơn, tham nhũng, thì cách tốt nhất là phải giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế, và doanh nghiệp.

Xem thêm:

Không chỉ ở số giờ nộp thuế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới