Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cá da trơn vẫn khắc khoải!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cá da trơn vẫn khắc khoải!

Hồ Hùng

Giá cá tra đã gượng dậy nhưng thị trường tiêu thụ vẫn chưa có nhiều dấu hiệu lạc quan. Ảnh: Hoàng Vũ.

(TBKTSG) – Sau đợt “khủng hoảng” hồi năm 2008, giá cá tra đến nay đã gượng dậy ở mức gần 16.000 đồng/ki lô gam. Với giá này, người nuôi cá không còn than lỗ, nhưng họ vẫn không mặn mà với chuyện thả nuôi vụ mới bởi chưa tin tưởng đó là mức giá thực. Nguyên nhân chính là do thị trường tiêu thụ của con cá da trơn vẫn chưa có nhiều dấu hiệu lạc quan.

Cá vẫn thiếu

Một buổi trưa giữa tháng 5, ông Hai Tín, chủ ao cá 1,8 héc ta ở Thới Thạnh, huyện Thới Lai (Cần Thơ) đang dùng dằng ngã giá với một nhân viên chuyên bán thức ăn thủy sản. “Chú tính giá 5.700 đồng/ki lô gam, được không?”, ông ngỏ lời. Nhưng anh nhân viên dứt khoát giá sau khi trừ chiết khấu là 6.500 đồng/ki lô gam. Vì vậy, cuộc thương lượng bất thành.

“Người nuôi cá bây giờ tính toán rất kỹ, bởi giá cá không cao, họ phải “quản lý” giá thành cho chặt”, anh nhân viên của công ty sản xuất thức ăn thủy sản nói trên cho biết. Anh nói, từ đầu năm đến nay, lượng thức ăn mà công ty của anh tiêu thụ được chỉ ở mức cầm chừng và giảm đến 50% so với đầu năm 2008.

Như ông Hai Tín, chỉ là một trong số ít người ở vùng này còn cầm cự được, tự bỏ vốn nuôi cá. Phần lớn những người khác đều treo ao hoặc chuyển sang nuôi gia công cho Công ty Hùng Vương (Tiền Giang)… Khi nuôi gia công, chủ ao chỉ cần bỏ công nuôi và nhận tiền công từ 2.500-3.000 đồng/ki lô gam, còn lại các khoản như thức ăn, thuốc thủy sản… đều được công ty cung ứng.

Theo Cục Nuôi trồng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian gần đây, tình hình thả nuôi cá tra trong dân vẫn trầm lắng, diện tích thả nuôi mới tăng không đáng kể. Hiện nay, diện tích thả nuôi cá tra thấp hơn cùng kỳ năm trước 30%, gây khó khăn cho việc tạo nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu vào những tháng cuối năm.

Chẳng hạn tại An Giang, diện tích thả nuôi cá chỉ còn khoảng 1.000 héc ta, giảm hơn 400 héc ta so với cùng kỳ. Trong tháng 4 vừa qua, toàn tỉnh An Giang chỉ thu hoạch được khoảng 25.000 tấn cá tra, giảm hơn 20% so tháng trước. Còn tại Đồng Tháp, diện tích nuôi cá tra cũng giảm hơn 360 héc ta và dự báo đến cuối quí 3-2009, sản lượng cá tra chỉ đạt khoảng 194.000 tấn, tức chỉ tương đương 60% công suất các nhà máy hiện có trong tỉnh. Thậm chí một số “đại gia” cũng treo ao hoặc cho thuê hẳn ao nuôi, không dám bỏ tiền đầu tư vụ mới.

Diện tích thả nuôi giảm, kéo theo hàng loạt dịch vụ ăn theo như cung ứng thức ăn, cá giống… cũng sút giảm. Tại Chi hội ươm cá tra giống Hoàn Thành (xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang), 12 trại giống chỉ sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng và những người đặt cọc trước. Từ đầu năm đến nay, lượng cá giống mà chi hội tiêu thụ được chỉ khoảng 80 triệu con, chỉ bằng 30-40% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều người nuôi cá thừa nhận, thua lỗ trong hai vụ trước nên thiếu vốn là nguyên nhân đầu tiên khiến họ không thể tiếp tục với nghề nuôi cá. Còn với giá cá hiện nay, dù theo tính toán là có lãi, nhưng người nuôi vẫn chưa mấy tin tưởng vì họ cho rằng, giá cá sẽ lại tụt dốc khi nhiều ao nuôi đồng loạt thả cá trở lại.

Thị trường chưa khởi sắc

Dịch cúm A/H1N1 đang bùng phát ở một số nước trên thế giới, khiến nhiều người hy vọng sức mua cá da trơn sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, ông Châu Minh Chinh, Trưởng phòng Tư vấn – Kỹ thuật – Thương mại thuộc Hiệp hội Thủy sản An Giang, lại cho rằng thực tế không diễn ra như vậy. “Người ăn thịt khác, người ăn cá lại khác, không có chuyện họ thay đổi tập quán ăn uống”, ông nói.

Ông Nguyễn Đình Huấn, Phó tổng giám đốc Công ty Agifish (An Giang), cũng thừa nhận thị trường tiêu thụ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Những tháng đầu năm, doanh số xuất khẩu của Agifish giảm khoảng 30%. “Rất khó dự đoán thị trường trong thời gian tới”, ông kết luận.

Sau gần bốn tháng tạm ngưng, thị trường Nga đã mở cửa trở lại và các doanh nghiệp Việt Nam vừa xuất sang Nga trên 20.000 tấn. Tuy giá bán cá sang thị trường này đã tăng từ 0,5-0,7 đô la Mỹ/ki lô gam so với cùng kỳ, nhưng nhìn chung cũng chỉ ở mức trên dưới 2 đô la Mỹ/ki lô gam.

Còn tại thị trường Mỹ, theo ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc Agifish, giá bán cá cũng đã ở mức bình quân 3,16 đô la Mỹ/ki lô gam, tăng 0,36 đô la Mỹ/ki lô gam. Nhưng dự đoán khi Luật Nông trại mới được ban hành thì cá da trơn có thể phải chịu cả sự kiểm soát của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thay vì chỉ có Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) như trước đây, nên tình hình xuất khẩu sẽ càng khó khăn hơn.

Hồi tháng 2-2009, xuất khẩu cá da trơn có dấu hiệu hồi phục. Nhưng đến tháng 3, kim ngạch xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Ukraine… giảm sút trở lại. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thông tin bất lợi về thủy sản Việt Nam liên tục xuất hiện ở một số thị trường quan trọng như Nga, Ai Cập, Ý… trong thời gian qua, cộng thêm khủng hoảng kinh tế, nhu cầu giảm sút, càng khiến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp khó khăn hơn. Bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt khoảng 161.826 tấn, giảm 0,42% so cùng kỳ và đây là lần đầu tiên xuất khẩu cá da trơn có mức tăng âm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới