Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cá lớn vẫn ở ngoài khơi!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cá lớn vẫn ở ngoài khơi!

Ngọc Hùng

Cá lớn vẫn ở ngoài khơi!
Một chiếc tàu dưới 90CV của ngư dân Phú Yên đang trong quá trình sửa chữa sau nhiều năm hoạt động. Ảnh: NH

(TBKTSG Online) – Ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục phụ thuộc vào thủy sản nuôi trồng do các đội tàu đánh cá chỉ có năng lực khai thác gần bờ trong khi hơn 68% trữ lượng hải sản lại ở ngoài khơi xa.

Nuôi trồng tăng mạnh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN &PTNT) trong năm 2014, sản lượng hải sản khai thác biển ước đạt hơn 2,7 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2013. Sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả năm đạt gần 3,4 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2013.

Thực tế, sản lượng hải sản khai thác biển trong mấy năm qua tăng không nhiều. Năm 2010, sản lượng hải sản biển đánh bắt được là 2,45 triệu tấn, còn sản lượng thủy sản nuôi là 2,7 triệu tấn.

Trong 4 năm qua, 2010-2014, sản lượng hải sản khai thác từ biển chỉ tăng được 250.000 tấn, trong khi sản lượng thủy sản nuôi tăng thêm 700.000 tấn. Trong những năm tới, ngành thủy sản Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào sản lượng nuôi trồng. Năm 2015, Bộ NN &PTNT, đặt mục tiêu cho ngành thủy sản sẽ nuôi trồng và đánh bắt được 6,65 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2014. Trong đó, khai thác thủy sản đạt 2,7 triệu tấn, tăng 0,7%, nuôi trồng thủy sản 3,95 triệu tấn, tăng 9,7% so với năm trước.

Có nhiều nguyên nhân khiến sản lượng đánh bắt hải sản biển không tăng mạnh trong mấy năm qua dù trữ lượng vẫn còn lớn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đội tàu thuyền có đủ năng lực khai thác xa bờ. Trong số 130.000 tàu thuyền khai thác đánh bắt trên biển, số tàu thuyền có công suất từ 90 sức ngựa trở lên (CV) chưa đến 28.300 chiếc.

Trữ lượng lớn nằm ngoài khơi

Một nghiên cứu điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam trong giai đoạn 2011-2013 của Viện Nghiên cứu Hải sản cho thấy tổng trữ lượng hải sản ở biển Việt Nam vào khoảng 4,25 triệu tấn. Trong đó, trữ lượng cá nổi nhỏ chiếm gần 62,5%, tương đương khoảng 2,65 triệu tấn, cá nổi lớn khoảng hơn 1 triệu tấn, tương đương hơn 24%, tiếp đến là hải sản tầng đáy, giáp xác….

Khu vực có trữ lượng hải sản lớn nhất là vùng Đông Nam bộ với hơn 1,1 triệu tấn, vùng giữa biển Đông với hơn 1 triệu tấn, tiếp đến là Bắc bộ, Trung bộ, và Tây Nam bộ với trữ lượng dao động từ 610.000 đến 750.000 tấn.

Điều đáng nói là hải sản trên các vùng biển Việt Nam tập trung ở vùng khơi (xa bờ) chiếm hơn 68%, tiếp đến vùng lộng với gần 20% và vùng bờ có sản lượng chỉ gần 12% tổng sản lượng.

Trong năm 2014, do tình hình biển Đông căng thẳng, nhiều ngư dân gặp khó khăn trong việc khai thác hải sản ở ngư trường có trữ lượng lớn đã buộc phải đánh bắt ở vùng biển quốc tế.

Đầu tháng 12-2014, một số tàu cá của ngư dân Việt Nam bị hải quân Indonesia bắt vì đánh cá trái phép và đã bị phá hủy tàu ở trên vùng biển Indonesia. Trước đó, hai tàu cá của Việt Nam bị phía Thái Lan bắt giữ khi đánh cá (trái phép) ở khu vực vịnh Thái Lan, toàn bộ số hải sản đã bị tịch thu nhưng may mắn không bị đánh chìm tàu. Trong những năm qua, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của Việt Nam đã bị các nước láng giềng bắt giữ và tịch thu ngư cụ vì đánh bắt trái phép.

Xem thêm

>>> Ngư dân được vay với lãi suất 1-3% để đóng tàu

>>> Ngư dân đầu tiên được vay vốn hỗ trợ đóng tàu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới