Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cà phê: giá kỳ hạn rung lắc, nội địa bình thản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cà phê: giá kỳ hạn rung lắc, nội địa bình thản

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Thị trường cà phê vừa trải qua một tuần thú vị: giá vững ở thị trường nội địa vẽ đường tăng cho giá kỳ hạn. Tồn kho khắp nơi giảm, đó là tín hiệu mừng. Nhưng, liệu các nhà nhập khẩu có đủ tín dụng như trước để mua hàng giá cao không?

Cà phê: giá kỳ hạn rung lắc, nội địa bình thản
Biểu đồ 1: giá đóng cửa robusta NYSE Liffe trong tuần (tác giả tổng hợp)

Giá rung lắc khá mạnh

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đứng vững trên 39.000 đồng/kg trong tuần qua dù giá robusta trên thị trường kỳ hạn NYSE Liffe, London (TTKH) rung lắc khá dữ.

Giá TTKH cơ sở tháng 5-2012 đóng cửa cuối tuần trước ở mức 2.050 đô la Mỹ/tấn đã chạy vội xuống mức sâu ngay 2 ngày đầu tuần này, mất đến 80 đô la/tấn. Tuy nhiên, giá các phê nội địa những ngày ấy cũng xuống mức 39.000 đồng. Ở mức này, người có hàng không mảy may bán ra, giúp cho TTKH tăng lại mạnh mẽ.

Phiên cuối tuần hôm qua, tức rạng sáng thứ Bảy 17-3, giá đóng cửa TTKH chốt tại mức 2.040 đô la/tấn, chỉ giảm so với cuối tuần trước 10 đô la (xin xem biểu đồ 1).

Giá cứng tại thị trường nội địa Việt Nam ảnh hưởng đường đi của giá kỳ hạn rất rõ. Những ngày đầu tuần, giá TTKH đã rớt mạnh do hàng bán ra trong dịp cuối tuần trước nhiều vì giá nội địa cận 40.000 đồng. Hàng mua bao nhiêu, được đưa lên sàn kỳ hạn bán phòng hộ bấy nhiêu. Chính vì vậy, có thể nói giá hai ngày đầu tuần rơi theo chiều thẳng đứng.

Song, với mức 39.000 đồng, lượng bán ra cực kỳ hạn chế. Khi gặp giá kỳ hạn giảm, giá trừ lùi càng cao, trừ chỉ 20-30 đô la/tấn khá mạnh trong thị trường nội địa, buộc giá Liffe tăng nhanh để mong giãn giá trừ lùi.

Giá nội địa cuối tuần này đang ở mức 39.5000 đồng/tấn. Tuy nhiên, ở mức này, người có hàng chỉ bán cầm chừng để chờ mức cao hơn. Mức kỳ vọng quan trọng hiện nay tại các tỉnh Tây Nguyên chừng 40.000 đồng/kg.

Hiện nay, chào giá của các nhà xuất khẩu cho loại 2, 5% đen vỡ quanh mức trừ lùi 20/-30 đô la/tấn FOB dưới giá TTKH cơ sở tháng 5 và 7-2012. Với mức này, nhiều nhà nhập khẩu cũng chê cao, chỉ mua cầm chừng, đủ lượng hàng thiếu chứ không mua ào ạt như các năm trước.

Tín hiệu đáng mừng – tồn kho khắp nơi giảm

“Giá xuất khẩu trên cơ sở chênh lệch giá so với TTKH hiện nay của Việt Nam đang cao. Nếu mua hàng từ Việt Nam đi với mức -20/-30 đô la/tấn, chẳng bằng chúng tôi chọn mua tại Liffe với mức -30 đô la/tấn, khỏi chi phí chuyên chở, khỏi rủi ro xù hàng…”, một nhà nhập khẩu lớn hàng cà phê của Việt Nam thổ lộ như vậy.

Biểu đồ 2: Lượng cà phê tồn kho ESC đến hết tháng 1-2012 (tác giả tổng hợp)

Chính vì vậy mà lượng hàng tồn kho tại châu Âu và một số nước tiêu thụ đang giảm nhanh. Theo báo cáo tồn kho mới nhất của Liên đoàn Cà phê châu Âu (ESC), tính đến hết tháng 1-2012, tổng lượng cà phê tại châu Âu xuống thêm 343.424 bao, chỉ còn 9.689.694 bao, là mức thấp kỷ lục từ nhiều năm nay (xin xem biểu đồ 2).

Biểu đồ 3: Lượng cà phê tồn kho tại Mỹ đến hết tháng 2-2012.

Trong tuần, báo cáo tồn kho cà phê từ hai nước tiêu thụ lớn cũng giảm. Tại Nhật, tồn kho tính đến cuối tháng 12-2011 chỉ còn 132.232 tấn, giảm 3,1% so với tháng 11-2011, nhưng vẫn cao hơn so với cách đó 1 năm là 26%.

Tồn kho tính đến hết tháng 2-2012 tại Mỹ theo Hiệp hội Cà phê nhân của Mỹ (GCA) cũng giảm nhẹ, mất thêm 6.793 bao, chỉ còn 4.500.017 bao.

Trên đây là các tín hiệu đáng mừng cho cho thị trường cà phê thế giới. Vấn đề còn lại là liệu các nhà nhập khẩu có chịu mua trữ khi đang đứng trước sự khắc nghiệt của tín dụng do khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Giá cao, cả chênh lệch với Liffe NYSE lẫn giá niêm yết, cần vốn lớn cũng sẽ là một thử thách nữa của thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới