Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cà phê ‘mất mùi’ trong đại dịch Covid

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cà phê ‘mất mùi’ trong đại dịch Covid

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Giá cà phê trong và ngoài nước đang giảm về mức thấp nhất của nửa đầu niên vụ 2019-2020. Cuộc phiêu lưu theo hướng xuống của giá cà phê robusta London hình như chưa có điểm dừng.

Lăn lóc theo giá cà phê

Giá cà phê co giật mạnh, nhà vườn lo

Cà phê 'mất mùi' trong đại dịch Covid
Diễn biến giá cà phê phái sinh robusta nửa đầu niên vụ 2019-2020. Đồ thị: barchart.com

Cà phê "mất mùi"

Giá cà phê tại thị trường trong nước, ngày 1-4, đã rời khỏi cột mốc 30 triệu đồng/tấn và đang về quanh 29,5 triệu đồng/tấn. Đó không phải là tin của ngày “cá tháng tư” mà là sự thật.

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ Tết Canh Tý đến nay đã làm giá cà phê “mất mùi” dần. Đóng cửa phiên 31-3, giá cà phê phái sinh London chốt ở mức 1.186 sau khi tạo đáy trong ngày ở mức 1.162 đô la Mỹ/tấn.

Chỉ trừ cú thọc sâu bất ngờ vào ngày 9-3 vừa qua chạm đến mức 1.115 đô la/tấn, suốt những ngày giao dịch gần đây trên sàn London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, giá nằm ở vùng thấp nhất tính từ đầu niên vụ bắt đầu từ 1-10-2019 (xem đồ thị ở trên).

Dịch Covid-19 không chỉ làm đứt gãy các công đoạn giao nhận hàng hóa, các nhà xuất khẩu không ký được hợp đồng mới, nhưng không vì thế mà giá đứng yên tại các mức cao đã lập trước đây.

Nhu cầu giảm hẳn

Nhiều nước thuộc hàng các quốc gia có sức tiêu thụ lớn trên thế giới, như các thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, ngay cả các nước xuất khẩu như Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia, El Salvador… đều yêu cầu công dân nước mình thực hiện “cách ly xã hội”, đóng cửa quán xá nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch nguy hiểm Covid-19.

Ngay tại Trung Quốc, dù đỉnh dịch đã qua cả tháng nay, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, phải cần rất nhiều thời gian nữa mới lấy lại mức tiêu thụ như trước. Các chuỗi quán cà phê như Starbucks, Luckin Coffee… trên lãnh thổ Trung Hoa đại lục vẫn còn rất e dè mở lại vì người dân đang còn tâm lý phòng ngừa.

Trước đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã từng ước đoán mức tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc trong thời kỳ tháng 9-2014 đến 9-2020 tăng 51% lên 3,3 triệu bao. Nhưng nhiều người cho rằng dự đoán này nay không còn chính xác vì chuỗi cung ứng cà phê từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (TQ) đã bị phá vỡ.

Nhật Bản là nước tiêu thụ cà phê lớn thứ tư thế giới. Hàng năm, nước này phải sử dụng chừng 490.000 tấn cà phê. Tuy nhiên, từ ngày đại dịch hoành hành, lượng khách du lịch giảm hẳn, các chuỗi quán, nhà hàng khách sạn giảm mua nguyên liệu để chế biến phục vụ. Cổ phiếu một số chuỗi quán tại Nhật Bản như Komeda Holdings, Ginza Renoir mất 10% giá trị tính từ cuối tháng 12 năm ngoái đến nay.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới chỉ sau Brazil. Trong ba tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu chừng 7,33 triệu bao, đạt 653 triệu đô la Mỹ, giảm 7,8% về lượng nhưng lại giảm đến 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019, Tổng cục Thống kê cho biết. Như vậy, thị trường yếu đều từ hai phía cả xuất lẫn nhập khẩu.

Cuộc phiêu lưu còn đầy rủi ro

Giá yếu, nhưng điều rủi ro nhất cho nhà vườn và nhà xuất khẩu là không thể biết khi nào tình trạng đình đốn giá cả và hàng hóa kiểu này chấm dứt.

Trong khi đó, để đối phó với những khó khăn kinh tế do dịch bệnh gây ra, nhiều nước xuất khẩu cà phê đã hạ lãi suất đồng nội tệ, phá giá đồng tiền. Ngay tại Brazil, nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, giá trị đồng nội tệ Reais (Brl) mất giá liên tục, đến nay 1 đô la ăn 5,20 Brl, là ở vùng thấp nhất từ khi đồng tiền này ra đời.

Trong khi đó, Ấn Độ, Colombia và Indonesia đều công bố giảm lãi suất, giá cà phê càng trở nên cạnh tranh trên thị trường nội địa các nước và hứa hẹn một đợt bùng phát bán cà phê bằng mọi giá khi thị trường nghe tin Covid-19 bước đầu được khống chế ở một số nước.

Tại Indonesia và Brazil, vụ thu hoạch robusta năm 2020 đã bắt đầu. Các thông tin dự báo đều cho rằng sản lượng robusta ở tại đây đều tăng, như Brazil chừng 19-20 triệu bao, là mức cao kỷ lục chưa từng thấy. Brazil là nước sản xuất cả arabica lẫn robusta, trước đây nước này chủ yếu bán arabica nhưng hiện nay đã sản xuất nhiều robusta để bán trên thị trường.

Trên các sàn tài chính, các quỹ đầu tư chưa muốn chọn hai sàn cà phê làm nơi trú ẩn an toàn cho vốn của họ. Chính vì vậy, phía trước, giá cà phê chưa hết tiêu cực nếu không muốn nói là còn lắm rủi ro.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới