Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cà phê rớt giá, người kinh doanh như ngồi trên lửa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cà phê rớt giá, người kinh doanh như ngồi trên lửa

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – "Cú sốc’’ giá trên thị trường cà phê đã làm cho nông dân và các nhà cung cứng cà phê thêm "xót ruột", nhất là người kinh doanh cà phê lòng như thiêu như đốt vì giá cà phê suốt những tháng ngày qua liên tục hạ chưa tìm được điểm dừng

Những đợt nắng nóng cháy da ở thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã tạm qua. Thời tiết những ngày cuối tuần có phần dịu lại.

Dù chưa nhận những trận mưa lớn như nhiều người nơi đây mong đợi và thường gọi đó là ‘’mưa vàng’’ nhưng mây đã bắt đầu chặn dần ánh nắng chói chang và hơi mát của khí trời cao nguyên phả vào da thịt, ai cũng cảm nhận được.

Thành lập hiệp hội cà phê đặc sản: Nhu cầu gấp rút!

Cà phê rớt giá, người kinh doanh như ngồi trên lửa
Đồ thị giá cà phê kỳ hạn London. Nguồn: barchart.com – tác giả diễn giải.

Nhưng mới đây, những ‘’cú sốc’’ giá trên thị trường cà phê đã làm cho nông dân và các nhà cung cứng cà phê thêm "xót ruột", nhất là người kinh doanh cà phê lòng như thiêu như đốt vì giá cà phê suốt những tháng ngày qua liên tục hạ chưa tìm được điểm dừng.


Như bao nhiêu người cung ứng cà phê khác, chị Lý ở Buôn Hồ, một thị xã cách trung tâm TP. Buôn Mê Thuột 40 km về phía Bắc, đứng ngồi không yên vì lượng cà phê chừng non 1.000 tấn bán giao kho vẫn còn treo đó chưa chốt giá.

Nhiều bạn hàng khác cũng như chị mua cà phê rải đều từ đầu vụ với nhiều mức khác nhau, giá từ 36 đến 34 triệu đồng mỗi tấn, cùng rủ nhau bán "trừ lùi" giao vào kho để đợi giá cao lên mới chốt giá.

Thế nhưng, từ bấy đến nay, giá cà phê trên sàn kỳ hạn và thị trường nội địa cứ rớt liên tục làm bạn hàng muốn chốt bán cũng không xong vì đã lỡ mua giá cao. "Nay bán giá thấp làm sao được", chị Lý nói.

Kể từ giữa tháng 10-2018 tức khi vừa mới vào niên vụ 2018-2019 đến nay, giá kỳ hạn cà phê đã từ đỉnh 1.832 đô la/tấn lập ngày 18-10-2018 đã kết thúc với đáy 1.341 đô la/tấn vào ngày 3-5-2019, mất 491 đô la/tấn (xem đồ thị).

Nếu lấy giá bình quân đầu vào chừng 35 triệu đồng/tấn, người kinh doanh cà phê dễ đã lỗ 4-5 triệu đồng mỗi tấn. Đó là chưa tính đến thiệt hại do bán theo phương thức "chênh lệch" (differential) so với giá niêm yết của sàn giao dịch kỳ hạn cà phê robusta London.

Giá cà phê giảm được nhiều nhà phân tích cho rằng do lượng cung ứng cà phê các loại vẫn chưa hề giảm trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2018-2019 bắt đầu từ 1-10-2018 đạt 63,15 triệu bao (60kg/bao), tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cà phê arabica chiếm 41,08 triệu bao, tăng 7,1% và robusta 22,07 triệu bao, giảm 0,9%, theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) mới đây cho biết.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê Việt Nam 4 tháng đầu năm 2019 đạt 10,48 triệu bao, giảm 13,5% về lượng nhưng giảm 22,6% về giá trị đạt 1,1 tỉ đô la so với cùng kỳ 2018.

Như vậy, có thể nói rằng lượng robusta xuất khẩu toàn cầu giảm theo ICO là do Việt Nam bán ra ít. Theo nguồn tin từ Indonesia cho rằng trong tháng 4-2019 xuất khẩu cà phê nước này chỉ đạt 72.105 bao, giảm 48,84% nhưng do đây là tháng cuối vụ của Indonesia. Nước này đang bắt đầu vào mùa thu hoạch với sản lượng niên vụ mới ước gần 12 triệu bao, trong đó có chừng 85% là robusta.

Trong khi đó, số liệu sơ kết xuất khẩu cà phê tháng 4-2019 của Bộ Thương Mại Brazil cho biết nước này đạt gần 2,7 triệu bao, tăng 0,735 triệu bao tương đương 37,73% so với cùng kỳ 2018. Vụ thu hoạch robusta của Brazil thường bắt đầu từ tháng Tư và arbica tháng Bảy hàng năm.

Kinh doanh dựa trên chênh lệch là cách mua bán lấy cơ sở giá niêm yết của sàn làm chuẩn so với giá bán FOB (giao hàng qua lan can tàu): nếu dưới giá London, thường được gọi là "trừ lùi", nếu cao hơn thì "cộng tới". Do cà phê Việt Nam loại 2, tối đa 5% đen vỡ thường bán thấp hơn giá niêm yết của sàn kỳ hạn, nên các nhà xuất khẩu trong nước gọi quen hợp đồng này là "bán trừ lùi".

Với loại hợp đồng này, người bán phải giao hàng trước vào kho, nhận tạm ứng 70% tiền hàng. Đến khi chốt giá cuối cùng bằng cách hai bên thoả thuận một mức giá nào đó khi sàn đang giao dịch, người bán mới nhận được khoản tiền còn lại và tất toán hợp đồng. Trong trường hợp cụ thể của niên vụ này, với hướng giá kỳ hạn ngày càng xuống, cơ hội chốt giá bán để hoà vốn là rất khó, còn hầu hết đều thua lỗ.

Ngoài việc bán cà phê xuất khẩu lỗ do giá kỳ hạn giảm, người cung ứng còn thiệt do giá "trừ lùi" càng lúc càng co lại. Nếu như đầu vụ, giá xuất khẩu ở mức trừ 70-80 đô la/tấn dưới giá niêm yết, thì nay mức này chỉ còn trừ 10 hay có nơi ngang bằng (level) so với giá London.

Giả sử hiện nay ai còn hợp đồng chưa giao với mức trừ 70 đô la, thì nay họ phải mua mức ngang bằng giá kỳ hạn trừ cho khoản giá bán trừ lùi.

Tình thế khó khăn hiện nay làm hầu hết các nhà cung ứng và xuất khẩu như đang ngồi trên lửa, chốt bán không được, giữ chờ chốt cũng không xong, bán mới cũng không thể.

“Nay chỉ biết ngồi chịu trận,” chị Lý nói. Chịu trận với tâm lý nôn nóng chờ giá lên. Nhưng chờ giá lên, biết đến lúc nào… trong khi nguồn cung ứng trên thế giới càng lúc càng dồi dào và các vùng tiêu thụ chính tại châu Âu và châu Mỹ chuẩn bị vào mùa hè, lượng sử dụng cà phê giảm.

Đóng cửa sàn kỳ hạn cà phê London ngày 3-4-2019 chốt tại 1.345 đô la/tấn sau khi chạm đáy 1.341 trong phiên, là mức thấp nhất tính từ tháng 2-2016.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới