Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cá ta, cá Tây

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cá ta, cá Tây

Chiêu Nghi

Con cá hô vàng nặng 118 kg do anh Đặng Công Vũ (ngụ xã Bình Thạnh), tài công bến đò đưa khách sang sông bắt được trưa ngày 01-11 vừa qua. Ảnh: Q.Dũng/NLĐO.

(TBKTSG) – Mới đây một người dân miền Tây Nam bộ – anh Đặng Công Vũ, làm nghề đưa đò ở xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang – đã bắt được con cá hô khổng lồ nặng đến 118 ki lô gam trên sông Hậu.

Ngay sau khi thông tin được đưa lên các phương tiện truyền thông thì nhiều thương lái đã đến hỏi mua. Cuối cùng, anh Vũ đã bán cho thương lái từ TPHCM mua về làm thịt với giá 110.000 đồng/ki lô gam, tổng cộng được hơn 13 triệu đồng. Anh Vũ cũng cho biết một người dân địa phương đã hỏi mua với giá vài triệu để thả cá về lại sông nước nhưng anh không bán.

Anh Vũ không phải là người đầu tiên bắt được cá hô khổng lồ ở vùng ĐBSCL. Trước đó đã có một số người bắt được cá hô nặng cả trăm ki lô gam và cũng bán cho nhà hàng vì được giá cao. Theo Wikipedia, cá hô là loài cá nước ngọt, có vây, sống ở Biển Hồ (Campuchia), thường xuôi theo sông Cửu Long về các tỉnh đồng bằng Nam bộ vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 Âm lịch.

Điều đáng nói là cá hô đã được Ủy ban Sông Mê kông đưa vào Sách đỏ vì có nguy cơ tuyệt chủng. Thế nhưng điều này chẳng được mấy ai quan tâm, cá hô vẫn tiếp tục bị đánh bắt, nhà hàng vẫn sẵn sàng mua làm thịt và cuối cùng vẫn luôn có thực khách chờ đợi món cá hô. Đấy là nói “số phận” của cá ta. Còn cá bên Tây thì sao?

Khoảng đầu tháng 9-2010, nhiều tờ báo mạng đưa tin anh Raphael Biagini ở Pháp câu được cá vàng nặng 13,6 ki lô gam, có bộ vảy vàng rực, trông thật đẹp. Anh và bạn bè đã “canh” chú cá vàng được cho là lớn nhất thế giới này trong suốt sáu năm qua. Thỏa niềm đam mê đi câu, ôm chú cá trong tay, chụp tấm hình làm kỷ niệm xong, anh… thả cá về lại với thế giới sông nước của nó.

Chắc chắn anh Biagini là người rất quý trọng thiên nhiên và yêu mến động vật – là những điều hẳn anh đã được dạy từ những ngày đầu cắp sách đến trường – nên mới làm như thế. Xem người mà ngẫm đến ta. Không thể trách những người đã bắt được cá hô khi họ bán cá cho thương lái mua về xẻ thịt bởi cuộc sống của đa số người dân vùng nông thôn vẫn còn rất nghèo khó. Cầm trên tay cả chục triệu đồng là một số tiền lớn không dễ có trong khi trước mắt họ vẫn còn bao nhiêu khó khăn. Còn anh Biagini, thật rõ là có cuộc sống thoải mái hơn nên mới đủ sức “nuôi dưỡng” niềm đam mê câu cá đến sáu năm trời.

Có đáng trách chăng là tại sao ở Việt Nam lại không có phương cách nào khả dĩ nhằm bảo vệ loài cá quý? Nếu vì cuộc sống hay vì nhận thức kém mà người dân phải bán cá thì tại sao ta không thể hy vọng ở những người có thẩm quyền, chí ít là tại địa phương bắt được cá, bỏ ra số tiền tương đương, để mua lại chú cá và thả nó về với sông nước. Nếu điều này xảy ra trong tương lai thì đây sẽ là bài học rất quý về tình yêu thiên nhiên, góp phần hình thành nên ý thức bảo vệ loài cá hô nói riêng và thiên nhiên, môi trường trong cộng đồng nói chung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới