Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cá tra lại bị nói xấu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cá tra lại bị nói xấu

Chế biến cá tra ở Công ty cổ phần Hùng Vương, Tiền Giang. Ảnh: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) – Trong buổi làm việc với đại diện Bộ Ngoại giao Pháp hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Hoàng Văn Phong đã dành ra 10 phút để chiếu video clip và thuyết trình về quy trình nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam.  

Nội dung thuyết trình của Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nhằm chứng minh sự xuyên tạc, bịa đặt trong một bài báo trên Interrnet về quy trình công nghệ nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam.  

“Đánh” vào tâm lý của người tiêu dùng  

“Nếu ai không hiểu con cá tra của Việt Nam được nuôi và chế biến như thế nào mà đọc và tin vào bài báo đó thì có lẽ sẽ nghĩ là thật kinh khủng, chẳng bao giờ dám ăn”, Phó chủ tịch thường trực Vasep, ông Nguyễn Hữu Dũng nói tại hội thảo “Liên kết dọc-giải pháp cho phát triển thủy sản bền vững” tổ chức tại TPHCM ngày 9-4-2008.  

Theo ông Dũng, bài báo nói trên đã bôi đen một cách trắng trợn quy trình nuôi và chế biến cá tra tại Việt Nam. Chẳng hạn về việc cho cá đẻ trứng, bài báo đã bịa ra rằng các chủ trại nuôi cá tra của Việt Nam phải bơm nước tiểu của phụ nữ có thai để “bắt” cá đẻ !!!  

Thực ra, để cá đẻ trứng đồng loạt trong môi trường nuôi nhân tạo, các nhà chăn nuôi thường phải dùng một loại kích thích tố cho cá đẻ gọi là HCG. Trên thế giới, không chỉ cá tra mà nhiều loài cá khác khi sinh sản trong môi trường nuôi nhân tạo đều phải dùng kích thích tố này. Và trong giới khoa học ai cũng biết loại kích thích tố này có nhiều trong nước tiểu của phụ nữ mang thai. Điều đó hoàn toàn không phải các nhà chăn nuôi Việt Nam bơm nước tiểu vào cá.  

Đây không phải là lần đầu tiên con cá tra của Việt Nam bị bôi xấu. Hơn một năm trước, ở thị trường Úc cũng xảy ra một trường hợp gần như tương tự, sau khi các doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào Úc. 

Trước đó, khi sản lượng phi lê cá tra của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng đột biến, ngoài sự kiện các chủ trại nuôi cá nheo của Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá cá tra, đã xuất hiện nhiều bài báo ở Mỹ có nội dung bịa đặt về con cá tra Việt Nam; rằng nó được nuôi trong môi trường dơ dáy, mất vệ sinh và nhiều lời chê bai khác nhằm đánh vào tâm lý của người tiêu dùng.  

Và theo ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc Agifish, nhà chế biến xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà bây giờ cá tra Việt Nam bị bôi nhọ ở thị trường EU, vì đơn giản là hơn một nửa trong kim ngạch 1 tỉ đô la Mỹ  xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm ngoái là vào thị trường EU.  

“Những chiến dịch bôi nhọ một cách trắng trợn như vậy thường có những người đứng đằng sau với ý đồ hất cẳng cá tra Việt Nam ra khỏi thị trường”, ông Hậu nói.  

Thiếu bền vững  

Giá cá đã ổn định trở lại

Giá cá tra trong 3 tháng đầu năm nay trồi sụt thất thường. Trước Tết Nguyên đán ở mức 14.200 đồng/kg, sau đó tăng lên 15.300 đồng và trong tháng 3 qua đã giảm mạnh xuống còn 13.000 đồng/kg, trong bối cảnh các doanh nghiệp thiếu tiền đồng nhưng thừa đô la Mỹ và không bán được đô la Mỹ để lấy tiền đồng mua cá.

Hiện nay, giá cá tra 15.500 đồng/kg và theo Vasep, có thể lên 16.000 đồng/kg vào tháng tới.

Trên thị trường thủy sản thế giới, các tra được ví như “Cô gái Lọ Lem” – một sản phẩm của người nghèo vùng sông nước ĐBSCL. Nhưng chỉ trong 7 năm qua, con cá tra đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, xuất hiện trên bàn ăn từ người giàu tới người nghèo ở Mỹ, EU, Nhật, Nga và nhiều quốc gia khác. Hiện giờ, sản lượng xuất khẩu của nó chỉ đứng sau cá hồi và cá rô phi trong danh mục cá nước ngọt.  

Còn ở trong nước, sản lượng cá nuôi phát triển quá nóng, năm ngoái đã tăng vọt lên hơn 1 triệu tấn cá nguyên liệu; mà chỉ tiêu này trước đó, Bộ Thuỷ sản cũ (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự tính sẽ đạt được vào năm 2010. Công suất chế biến của các nhà máy cũng tăng mạnh mẽ; số nhà máy chế biến cá đã lên con số hơn 100.  

Sự phát triển quá nóng đã kéo theo hệ lụy là thiếu tính bền vững. Biểu hiện dễ thấy nhất là giá cá tra nguyên liệu  trồi sụt thất thường. Năm ngoái, có lúc lên đến mức kỷ lục 17.000 đồng/kg, có lúc lại chỉ còn 13.000 đồng/kg và cả doanh nghiệp lẫn người nuôi cá đều đổ lỗi cho nhau. Điệp khúc nông dân đổ xô nuôi nhiều thì cá rẻ và ngược lại cứ lặp đi lặp lại, tình trạng tương tự như mía đường hay chuyện chặt cây này trồng cây khác của nông dân.  

Thực ra, từ đầu những năm 2000, vấn đề phát triển bền vững trong việc nuôi và chế biến cá tra đã được đặt ra và được nói nhiều vào năm 2004, sau khi Việt Nam bị xử thua trong vụ kiện chống bán phá giá phi lê cá tra vào thị trường Mỹ. Nhược điểm của ngành nuôi và chế biến cá tra là thiếu sự liên kết cho cả quy trình từ sản xuất con giống, thức ăn, thuốc, chủ trại nuôi tới nhà chế biến.  

Điểm yếu đó đã được đề cập chi tiết  tại một hội thảo về liên kiết dọc ở Cần Thơ vào ngày 7-4 và tại TPHCM sau đó hai ngày. Tuy nhiên, giá cả và sức tiêu thụ con cá tra hiện nay đang thiếu tính bền vững trên thị trường thế giới thì ít ai đề cập.

Nuôi cá tra rất cần tính bền vững cả quy trình từ nuôi tới chế biến ở nhà máy. Ảnh: Hồng Văn.

Một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra (không muốn nêu tên) cho biết, giá phi lê cá tra xuất khẩu vào EU hiện chỉ khoảng 1,8 euro/kg, rẻ hơn so với giá nửa lít nước tinh khiết bán ở thị trường này. “Chúng ta chiếm lĩnh thị trường thế giới là nhờ cạnh tranh bằng giá cá rẻ”, nhà doanh nghiệp này nói và cho rằng, chính vì cạnh tranh bằng giá cá rẻ nên chất lượng cá đang trên đà đi xuống, nếu không chặn đứng kịp thời.  

Ông dẫn chứng vào năm 2006, một tổ chức của Đức đã lấy mẫu cá tra và nhiều loài cá nước ngọt khác đang bày bán trên thị trường Đức để phân tích thì phi lê cá tra sinh thái của Việt Nam có hàm lượng nước 79,9%, tương đương với nhiều loài cá nước ngọt của các nước khác nhưng phi lê cá tra thông thường thì thật đáng lo ngại khi hàm lượng nước lên tới 82,3%.  

“Một ngày nào đó, có thể các bà nội trợ ở thị trường EU sẽ không lựa chọn mua phi lê cá tra của Việt Nam khi họ nghĩ rằng chỉ toàn là nước trong cá chứ thịt chẳng bao nhiêu!”, ông nói. Trong khi EU tiêu thụ hơn 50% sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam hiện nay.  

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, hàm lượng nước trong phi lê cá tra được cấp đông theo phương pháp “mạ băng” là 50%, nhưng trên thực tế, hàm lượng nước trong phi lê cá đang tăng dần. Điều làm nhiều người lo lắng, theo ông Dũng, là một số doanh nghiệp chế biến cá tra đã nhập hơn 30 chiếc máy giúp làm tăng hàm lượng nước trong phi lê cá tra, tới mức mà Vasep đã phải kiến nghị và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát ký công văn khẩn yêu cầu hải quan cấm cho nhập loại máy này.  

Thị trường cá nước ngọt của EU được phân chia thành ba loại. Danh mục màu xanh gồm các loài cá không gây ô nhiễm môi trường, an toàn cho người tiêu dùng và được khuyến khích tiêu dùng; danh mục màu đỏ gồm các loài cá được nuôi và chế biến không nhân đạo, hoặc nếu nuôi và chế biến nó sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái; danh mục màu vàng gồm các loài cá được khuyến cáo là có thể chuyển qua danh mục màu đỏ nếu không được xử lý tốt, ngược lại nếu được xử lý tốt môi trường, chất lượng cá, có thể chuyển qua danh mục màu xanh.  

Con cá tra Việt Nam hiện đang nằm trong danh mục màu vàng ở thị trường EU và như vậy cho thấy tính chất thiếu bền vững của mặt hàng xuất khẩu này.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới