Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cá tra vào Nga: chặt không thể chặt hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cá tra vào Nga: chặt không thể chặt hơn

Thứ trưởng Lương Lê Phương (trái) và, Trưởng ban điều hành xuất khẩu cá tra sang Nga Dương Ngọc Minh (giữa) tại hội thảo. Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Hội thảo xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lương Lê Phương chủ trì chiều 24-3 đã trở thành buổi “tập dượt” cho các doanh nghiệp được phép xuất khẩu.

Hơn ai hết, các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam thừa hiểu tầm quan trọng tới mức nào khi con cá tra quay trở lại thị trường Nga trong bối cảnh khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới hiện nay.

Mua cá tra phải mua kèm tôm, mực  

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương ở Tiền Giang, cũng là trưởng ban điều hành xuất khẩu cá tra vào Nga, kể lại rằng ngày 18-3 đàm phán với các nhà nhập khẩu Nga kéo dài từ 8 giờ sáng tới 2 giờ đêm mới kết thúc. Trong đàm phán, phía Nga đưa ra nhiều điều kiện gắt gao về chất lượng sản phẩm và ép phía Việt Nam.

“Nga họ tạm dừng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam vào ngày 28-12 năm ngoái là do chính chúng ta đưa qua một lượng hàng quá lớn trong thời gian ngắn, rồi cạnh tranh giảm giá bán, giảm chất lượng khiến các doanh nghiệp Nga hoảng hốt.

Họ cũng bị thiệt hại vì lô hàng sau rẻ hơn lô hàng trước, doanh nghiệp này mua rẻ hơn doanh nghiệp kia, nên cuối cùng họ kiến nghị Chính phủ Nga tạm dừng nhập khẩu”, ông Minh nói lên sự thật.

Chuyện con cá tra của Việt Nam không vào được Nga, chính các nhà nhập khẩu Nga cũng công nhận nông dân và doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt mà ngay cả các nhà nhập khẩu Nga cũng khốn đốn khi họ không có hàng cung cấp cho mạng lưới phân phối của họ.

Thống nhất được số lượng và chất lượng cá xuất khẩu là thành công của đoàn đàm phán Việt Nam. Theo thông tin do ông Minh nói tại hội thảo, ngày mai, 25-3, các nhà nhập khẩu Nga sẽ đưa sang hợp đồng đợt đầu tiên là 7.000 tấn; trong đó, 5.000 tấn cá tra hàng thường còn 2.000 tấn đóng gói (1 kg/gói).

Không chỉ bán cá, các doanh nghiệp Việt Nam còn đàm phán chuyển từ cung cách bán cá tra giá thấp trước đây thành mặt hàng thủy sản chính bán vào Nga mà các nhà nhập khẩu Nga, nếu muốn mua nhiều cá tra của Việt Nam, phải mua kèm theo các loại thủy sản khác như tôm, mực, hàng khô, chả (surimi), như một cách giúp các loại thủy sản khác của ta có cơ hội thâm nhập thị trường Nga.

“Chúng tôi chứng minh rằng các nhà nhập khẩu Nga khó có thể tìm nguồn hàng thủy sản ở đâu có số lượng lớn cung cấp cho người tiêu dùng Nga như cá tra của Việt Nam”, ông Minh cho hay. Trong năm ngoái, Việt Nam đã xuất vào Nga với hơn 118.000 tấn với kim ngạch 188 triệu đô la Mỹ, mà các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng cá tra của ta đã đi vào “vùng nông thôn, hang cùng ngõ hẻm của Nga”.

Từ chỗ trước đây, doanh nghiệp Việt Nam mạnh ai nấy bán, giá cứ rớt liên tục, nay các doanh nghiệp Việt Nam cùng bán theo giá thỏa thuận. Ông Minh nói thẳng là giá cá tra bán đợt đầu 1,7 đô la Mỹ/kg, sau đó tăng dần lên 1,8 đô la Mỹ trong khi trước đây, có lúc doanh nghiệp Việt Nam chỉ bán 1,2 đô la Mỹ/kg.

Thậm chí các doanh nghiệp nào của Nga từng nợ tiền mua cá của doanh nghiệp Việt Nam, nếu muốn mua trở lại, phải trả hết nợ cũ.

Chặt không thể chặt hơn

Nông dân nuôi cá tra của Việt Nam sẽ được lợi khi xuất khẩu cá tra vào Nga, một thị trường đầy tiềm năng. Ảnh: Hồng Văn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lương Lê Phương cho biết, ngoài cá tra, lần này còn có hàng khô, chả cá, mực cũng đều được xuất trở lại nên ông lo lắng cho việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nhà máy làm hàng khô, chả cá, vì một khi một mặt hàng nào đó vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì phía Nga có thể vịn vào lý do đó để ngưng nhập khẩu trở lại.

Ông Phương không thể không lo lắng khi sáng nay, 24-3, ông nhận văn bản khiếu nại chất lượng thủy sản của một khách hàng Ai Cập, một tháng trước cũng đã có một khách hàng khác ở nước này khiếu nại; hai tháng trước thì có một khách hàng Đức khiếu nại.

Trong khi đó, để đảm bảo an toàn cho các nhà nhập khẩu Nga, ông Minh, trưởng đoàn đàm phán của doanh nghiệp Việt Nam, cam kết với các nhà nhập khẩu Nga rằng nếu họ nhận hàng của doanh nghiệp Việt Nam nào đó có chất lượng sai so với cam kết, Công ty cổ phần Hùng Vương của ông Minh sẽ là nơi đền bù thiệt hại cho nhà nhâp khẩu Nga.

Bà Trần Bích Nga, Cục phó Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cơ quan phụ trách kiểm tra chất lượng thủy sản của Việt Nam, cho biết phía Việt Nam cũng đề nghị phía các nhà nhập khẩu Nga mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để cùng nhau giám sát chất lượng cá sang Nga.  

Trong khi đó, phía Nga đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phải có văn bản cam kết thực hiện việc giám sát cá tra xuất vào Nga. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã ký văn bản cam kết và thứ trưởng Lương Lê Phương cũng đã có một thư bảo đảm với các nhà nhập khẩu Nga rằng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ triển khai các biện pháp chặt chẽ để quản lý chất lượng con cá trước khi vào Nga.

Mới đây nhất, hôm 20-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng ký quyết định ban hành quy trình kiểm soát chất lượng xuất khẩu cá sang Nga, quy định chặt chẽ tỷ lệ mạ băng hàng đông lạnh không quá 20%; không được gia công ở ngoài các cơ sở nằm trong danh sách được phép xuất thủy sản vào Nga; nếu có 3 lô hàng liên tiếp bị khách hàng Nga cảnh báo nhiễm khuẩn thì phía Việt Nam sẽ ngưng cho doanh nghiệp đó xuất khẩu.  

“Chặt không thể chặt hơn”, bà Nga nói; còn ông Phương lẫn ông Minh đều cho rằng nếu thành công lần này, có thể nhân rộng mô hình kiểm soát chất lượng sang các mặt hàng thủy sản khác như hàng thủy sản khô, mực, bạch tuột, chả cá.  

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tiêu thụ thủy sản ở Nga hiện đang tăng mạnh, đạt mức 17 kg/người/năm, cao hơn EU (10-12kg); trong đó, cá đông lạnh tiêu thụ chiếm phần lớn, 12 kg/người/năm. Năm ngoái Nga nhập 1,5 triệu tấn thủy sản thì cá chiếm phần lớn với 1,2 triệu tấn mà đứng đầu là cá hồi, kế theo sau là cá tra của Việt Nam.

Ngoài cá, Việt Nam còn có thể xuất khẩu tôm sú sang Nga khi có tin cho hay, chỉ riêng tập đoàn C.P của Thái năm ngoái bán tôm sang Nga hơn 200 triệu đô la Mỹ. Do vậy, ông Minh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam, nếu thành công trong lần thâm nhập trở lại này thì kim ngạch xuất sang Nga không chỉ là 200 triệu đô la Mỹ hàng thủy sản, mà có thể lên tới 500 triệu đô la Mỹ trong vài năm tới.

Ông Minh còn cho biết, có thông tin tháng 7 tới đây, phía Nga sẽ tạm ngưng nhập khẩu hàng khô, mực, bạch tuột, chả cá của Trung Quốc, đây cũng là cơ hội lớn của các mặt hàng thủy sản Việt Nam.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới