Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ca tử vong vì bệnh dại gia tăng do người bệnh chủ quan không tiêm phòng

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 40 ca tử vong do bệnh dại, tập trung ở nhiều tỉnh phía Nam. Theo chuyên gia Viện Pasteur TPHCM, nhiều người nghĩ rằng chó, mèo đã tiêm phòng sẽ không truyền bệnh dại nên có thói quen trì hoãn, chủ quan không đi tiêm phòng ngay. Hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại do không tiêm phòng hoặc tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh dại sau phơi nhiễm.

100% người tử vong do bệnh dại đều không tiêm phòng

Ngày 5-10, tại buổi thảo luận “Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh dại – Nâng cao nhận thức về phòng dại cho cộng đồng, hướng tới mục tiêu không ai phải tử vong vì bệnh dại” do Hội Y học dự phòng TPHCM tổ chức, ThS. BS. Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, phụ trách điều hành Trung tâm xét nghiệm y sinh học lâm sàng và dịch vụ khoa học kỹ thuật thuộc Viện Pasteur TPHCM, cho biết tại Việt Nam, từ đầu năm nay đến cuối tháng 9-2022, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong vì bệnh dại; trong đó Bến Tre là địa phương đứng đầu với 11 trường hợp tử vong.

Thời gian cao điểm của bệnh dại từ tháng 5 đến tháng 8 – giai đoạn thời tiết nắng nóng nhất, thuận lợi cho virus phát triển. Bệnh dại trên người có xu hướng tăng trong hai năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2022. Về tỷ lệ tử vong, “100% người tử vong do không tiêm phòng hoặc tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh dại sau phơi nhiễm. 70% người tử vong do dại vì đi lấy nọc hoặc điều trị thuốc nam, không xử lý vết thương sau phơi nhiễm”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Nói về nguyên nhân khiến số ca tử vong do dại tăng trong thời gian vừa qua, bác sĩ Tuấn cho biết, hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại do mọi người không đi tiêm vaccine phòng ngừa sau khi bị động vật cắn, cào hoặc liếm lên vùng da bị tổn thương. Nhiều người nghĩ rằng chó, mèo đã tiêm phòng sẽ không truyền bệnh dại hoặc có thói quen trì hoãn, chủ quan không đi tiêm phòng ngay; chờ đợi theo dõi động vật cắn nếu có biểu hiện bất thường thì mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng.

Bên cạnh nhận thức của người dân về căn bệnh này còn hạn chế, công tác quản lý đàn chó còn lỏng lẻo, tỷ lệ tiêm vaccine dại trên chó còn thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh dại có chiều hướng tăng trong thời gian vừa qua.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Viện Pasteur TPHCM, khuyến cáo khi bị động vật cào, cắn, liếm vào vết thương hở, người bị thương cần đi tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt. Ảnh: M.T

Tâm lý lo ngại tác dụng phụ của vaccine dại

Bên cạnh sự chủ quan, tâm lý sợ tác dụng phụ của vaccine dại như gây mất trí nhớ, ảnh hưởng đến thần kinh… cũng là một rào cản khiến người dân e ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm. Theo chuyên gia Viện Pasteur TPHCM, những quan niệm về vaccine dại không phải không có cơ sở, bởi lịch sử vaccine dại đã có rất lâu đời. Trước đây, vaccine phòng ngừa bệnh dại dùng công nghệ cũ, nghĩa là nuôi cấy trên tế bào và không được tinh khiết. Trường hợp làm không sạch và kỹ càng thì còn những mô thần kinh. Các mô thần kinh này ảnh hưởng đến cơ thể của người tiêm.

Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam chỉ cấp giấy phép cho vaccine sản xuất bằng công nghệ tế bào (không có mô thần kinh). Những vaccine thế hệ mới được sản xuất bằng công nghệ mới là sử dụng tế bào Vero và điều chế từ nhiều nguồn khác nhau. Hiện vaccine được kiểm tra với các quy trình chặt chẽ, đảm bảo tính an toàn cho tất cả người tiêm, kể cả phụ nữ mang thai vẫn có thể sử dụng bình thường. Hiệu quả của vaccine phòng dại rất cao, cũng như không có tác dụng phụ sau tiêm.

Việc tiêm phòng dại sẽ tùy thuộc vào từng vết thương, tình trạng động vật cắn để bác sĩ đưa ra lịch tiêm phù hợp. Số mũi tiêm có thể là 3-5 mũi, tùy thuộc vào từng đối tượng khác nhau.

Để xử trí khi bị chó, mèo hoặc súc vật cắn, bác sĩ khuyến cáo người bị cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây được xem là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại. Vết thương sau khi rửa bằng nước cần rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt; đồng thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị càng sớm càng tốt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới