Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các bị can trong vụ bầu Kiên thừa nhận lách luật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các bị can trong vụ bầu Kiên thừa nhận lách luật

Lan Nhi

Các bị can trong vụ bầu Kiên thừa nhận lách luật
Ông Nguyễn Đức Kiên tự bào chữa tại tòa phúc thẩm. Ảnh:N.L

(TBKTSG Online) – Ngày xét xử thứ 9 vụ án tại Ngân hàng ACB có tình tiết mới khi các bị can là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng ACB thừa nhận lách luật để ủy thác gửi tiền, còn ông Kiên thừa nhận sai nhưng cho rằng không cố ý làm trái.

Trong những ngày vừa qua, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các bị can khác đều đề nghị tòa phúc thẩm tuyên ông Kiên và các bị can không phạm các tội danh mà tòa sơ thẩm đã kết án vì không đủ căn cứ để kết tội các thân chủ của họ.

Tuy nhiên, hôm nay 10-12, khi được thẩm vấn, nhiều bị can như ông Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải lại thừa nhận với tòa về việc ACB đã lách luật để ủy thác gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác, trong đó có Vietinbank, dù tại thời điểm ủy thác Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có hướng dẫn về Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) liên quan đến vấn đề này.

Bản thân bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng nói rằng, tại thời điểm 2011, khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực, HĐQT ACB đã họp ra quyết định dừng ủy thác vì xác định các hành vi này là sai trái nhưng sau đó ACB vẫn tiếp tục thực hiện. Thậm chí, ông Kiên còn nói với tòa về việc dự tính bỏ 718 tỉ đồng tiền cá nhân nộp cho ACB để sửa sai về hành vi ủy thác nhưng ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB tại thời đó không đồng ý.

“Lỗi của tôi và anh em ở ACB là biết rõ những cái đó sai song không phải là cố ý làm trái mà do không nắm bắt được những thay đổi của pháp luật để có những điều chỉnh phù hợp,” ông Kiên thú nhận.

Đại diện Viện Kiểm sát tham gia phần tranh tụng tiếp tục khẳng định họ có đủ cơ sở để buộc ông Kiên và đồng phạm 4 tội danh trên. Vị đại diện cho rằng, họ cập nhật diễn biến, tình tiết mới vụ án tại phiên phúc thẩm để đưa ra lời buộc tội chứ không chỉ căn cứ vào bản án sơ thẩm. Viện vẫn buộc tội ông Kiên kinh doanh trái phép cho dù ông Kiên viện dẫn các khái niệm trong Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư…để khẳng định hành vi góp vốn mua cổ phiếu, cổ phần là không phải đăng ký kinh doanh.

Viện kiểm sát cho rằng, 5 công ty của bị cáo Kiên góp vốn mua cổ phần nhằm mục đích sinh lời, là hành vi kinh doanh. Tại công văn 935 của Tổng cục Thống kê, hoạt động mua cổ phần, cổ phiếu được xếp vào mã 64990. Vì thế, 5 công ty mà bị cáo thực hiện kinh doanh có mã ngành nói trên mà không có đăng ký kinh doanh là vi phạm pháp luật.

Viện khẳng định, tại hợp đồng mua bán vàng của Công ty Thiên Nam có nội dung mua bán trạng thái vàng có thể chuyển đổi thành vàng vật chất, vàng nguyên liệu, và như vậy không thể coi là hoạt động phái sinh mà là phạm tội kinh doanh trái phép do kinh doanh vàng đã bị NHNN cấm. Thiên Nam đã kinh doanh vàng mà không đăng ký.

Ông Kiên vẫn tiếp tục bị buộc các tội trốn thuế tại công ty B&B do vừa lập công ty này để kinh doanh, vừa chỉ đạo vợ và em gái thực hiện các công việc do mình yêu cầu về hợp đồng ủy thác, và hai người thực hiện chỉ làm theo lệnh của ông Kiên nhằm tạo ra các thủ thuật để né thuế thu nhập doanh nghiệp 85 tỉ đồng.

Tương tự, Viện cũng bảo vệ cơ quan điều tra và cho rằng, ông Kiên bị khởi tố vì tội lừa đảo là đúng do trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã phát hiện ông này chuyển nhượng số cổ phần đang thế chấp cho tập đoàn Hòa Phát nhưng lại cam kết là không có thế chấp, tranh chấp. Mặt khác, nếu không lừa đảo thì ông Kiên đã không viết đơn từ trại giam xin khắc phục hậu quả, chuyển trả số tiền 264 tỉ đồng lại cho Hòa Phát. Trong quá trình xét xử tại tòa phúc thẩm, ông Kiên nhiều lần khẳng định ông có viết đơn đó nhưng không xuất phát từ mong muốn chủ quan mà bị ép.

Mời xem thêm:

Vụ án ông Nguyễn Đức Kiên: Viện Kiểm sát đề nghị y án 30 năm tù

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới