Các bộ từ chối cấp vốn sửa sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất
Lan Nhi
(TBKTSG Online)- Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) từ chối cấp vốn để sửa chữa hai cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài vì không có tên trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
![]() |
Sân bay Nội Bài. Ảnh: Hồng Ngọc |
Đầu năm nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung hai dự án cải tạo đường lăn, sân đỗ tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào danh mục bố trí vốn ngân sách 2016-2020 và vốn trung dài hạn 2021-2025, tổng trị giá 4.152 tỉ đồng.
Lý do là cả hai hệ thống đường lăn và sân đỗ ở 2 sân bay do khai thác vượt tần suất thiết kế, các hãng lại tiếp nhận ồ ạt các loại máy bay thế hệ mới với áp suất bánh hơi lớn và tải trọng lớn nên 3 năm gần đây, hệ thống đường lăn, sân đỗ các cảng hàng không đều xuống cấp nhanh. Nhất là sân cảng hàng không Tân Sơn Nhất cần phải thay thế kết cấu hoàn toàn.
Vấn đề là khi cổ phần hóa Tổng công ty cảng hàng không (ACV) cách đây vài năm, hệ thống đường lăn và sân đỗ tại các cảng hàng không trên cả nước đều không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi bán cổ phần mà Nhà nước giữ lại giao cho ACV quản lý, khai thác. Do đây là tài sản Nhà nước nên ACV dù có nguồn tiền lợi nhuận dồi dào cũng không thể bỏ tiền tự ý nâng cấp, sửa chữa nếu chưa được nhà nước chấp thuận.
Khi Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét, cấp 4.152 tỉ đồng cho ACV, Bộ Tài chính đã trả lời rằng: phương án chia số tiền nâng cấp, sửa chữa lên thành 2 phân kỳ vốn là hợp Luật ngân sách và Luật đầu tư công. Nhưng hai dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và sân đỗ tại hai cảng hàng không không có trong danh mục đầu tư công trung hạn (2016-2020) từ ngân sách bố trí cho Bộ GTVT.
Bộ KH-ĐT cũng đồng tình trong một văn bản khác gửi Chính phủ từ cuối năm 2019, cho rằng hai dự án không thuộc danh mục dự kiến sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Còn đối với bố trí ngân sách 2021-2025, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở xem xét đề nghị này.
Cũng do tài sản thuộc nhà nước nên khi ACV đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng nguồn chênh lệch thu-chi từ khai thác khu bay do doanh nghiệp đang tạm quản lý trong giai đoạn 2019 vì Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không chưa được phê duyệt cũng không chấp thuận. Lý do là Thủ tướng chưa có quyết định điều chuyển tài sản khu bay từ Bộ GTVT sang ACV theo hình thức tăng vốn Nhà nước.
Do đó, ACV có nguồn lợi nhuận để lại của doanh nghiệp khá dồi dào và hiện đang tạm giữ nguồn phí thu hộ Nhà nước nhưng vẫn không thể có cơ chế được triển khai sửa chữa hệ thống đường lăn, sân đỗ.