Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các chính sách khả dĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các chính sách khả dĩ

(TBKTSG Online) – Trước tình hình giá lương thực tăng vọt ở khắp thế giới, nhiều nước đang có những chính sách khác nhau nhằm bảo đảm an ninh lương thực và mang lại lợi ích cao nhất cho nông dân nước mình. Tuy nhiên, mỗi chính sách đều có cái được và cái mất.

Áp dụng hạn ngạch

Giới hạn lượng lương thực được xuất khẩu trong từng thời kỳ, tạm thời không cho xuất khẩu là những hình thức sử dụng hạn ngạch để hạn chế xuất khẩu. Đây là biện pháp dễ dàng nhất và có tác động ngay tức thì. Ví dụ ở nước ta, sau khi Chính phủ có chủ trương quy định lượng gạo xuất khẩu năm nay ở mức 4 triệu tấn và từ nay đến hết quí 3 không quá 3,2 triệu tấn, giá gạo có xu hướng giảm nhẹ trên thị trường nội địa. Hiện nay giá lúa tăng nhẹ trở lại vì doanh nghiệp vẫn đang mua vào để thực hiện hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, hạn ngạch là cơ chế khó quản lý, dễ nảy sinh tình trạng thiếu phối hợp để thua lỗ trong những hợp đồng thời kỳ đầu áp dụng hạn ngạch. Với giấy phép hạn ngạch trong tay, các công ty xuất khẩu dễ ép giá nông dân và thu hết phần lớn lợi nhuận trong khi ngân sách nhà nước không thu được đồng nào. Việc thay đổi hạn ngạch cũng sẽ gây khó cho nhà xuất khẩu khi đã lỡ ký hợp đồng với nước ngoài. Quy trình xác nhận hợp đồng, kiểm tra đối chiếu hạn ngạch cũng phức tạp và kéo theo là chi phí không đáng có. Rào cản hạn ngạch cũng làm cho doanh nghiệp xuất khẩu đánh mất thị trường khi không đáp ứng được yêu cầu của bên nhập khẩu.

Đánh thuế xuất khẩu

Argentina là một trường hợp điển hình của việc đánh thuế lên lương thực xuất khẩu. Thoạt tiên chính sách áp thuế khoảng 20% của Argentina đã đem lại những kết quả tích cực. Nông dân Argentina phải chú trọng đồng đều giữa thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa và nhờ đó, giá lương thực bên trong Argentina không tăng mạnh và Chính phủ Argentina thu thêm ngân sách để giải quyết các vấn đề kinh tế từ thời khủng hoảng năm 2002. Tuy nhiên, nay khi mức thuế xuất khẩu được nâng lên khoảng 40%, chính sách thuế này tỏ ra mất tác dụng. Nông dân biểu tình, phản đối mạnh mẽ, sản lượng lương thực được dự báo sẽ giảm sút vì nông dân không có lãi.

Ngoài trường hợp thái quá như Argentina khi thuế suất quá cao, đánh thuế xuất khẩu lương thực như gạo là biện pháp dễ áp dụng, dễ điều chỉnh. Chẳng hạn khi giá nội địa đang cao, một mức thuế xuất khẩu cao sẽ khuyến khích nông dân và thương nhân bán lương thực vào nội địa để khỏi phải chịu thuế xuất khẩu, nhờ đó làm giảm giá lương thực trong nước. Khi giá đã xuống ở mức chấp nhận được thì thuế cũng được giảm để tận dụng cơ hội xuất khẩu ra bên ngoài.

Có người cho rằng chính sách thuế xuất khẩu sẽ làm cho phần lớn lợi nhuận có được từ việc lương thực tăng giá vào tay người nông dân so với khi áp dụng hạn ngạch, ngoài phần thu cho ngân sách. Hiện nay Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu khả năng áp dụng thuế xuất khẩu gạo.

Cả hai biện pháp hạn ngạch và đánh thuế xuất khẩu đều có khả năng làm giảm sản lượng lương thực vì nông dân sẽ tìm cách chuyển việc sử dụng đất vào mục đích khác, không chịu hạn ngạch hay thuế. Và vì thế, giá lương thực trên bình diện toàn thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng cao, giới đầu cơ tài chính lại nhảy vào để kiếm lợi trên những hợp đồng phái sinh.

>> Toan tính cho hạt gạo xuất khẩu

>> Đối phó với khủng hoảng lương thực

VÂN CẦM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới