Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các chuỗi siêu thị nước ngoài rút khỏi Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các chuỗi siêu thị nước ngoài rút khỏi Trung Quốc

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Tập đoàn siêu thị lớn thứ hai thế giới Carrefour (Pháp) vừa quyết định rút khỏi Trung Quốc vì không chịu nổi sức ép cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ thương mại điện tử nội địa đang cướp thị phần nhờ thế mạnh giao hàng.

Carrefour không phải thương hiệu chuỗi siêu thị nước ngoài đầu tiên và cuối cùng "buông" thị trường đông dân nhất thế giới.

Các chuỗi siêu thị nước ngoài rút khỏi Trung Quốc
Năm ngoái, doanh thu của Carrefour tại Trung Quốc giảm xuống còn 3,6 tỉ euro, mức thấp nhất trong một thập kỷ. Ảnh: Bloomberg

Cuộc tháo chạy tập thể

Hôm 24-6, tập đoàn Carrefour thông báo bán 80% cổ phần ở mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho tập đoàn bán lẻ hàng gia dụng và điện tử Suning.com (Trung Quốc), đang được Alibaba hậu thuẫn tài chính, với giá 4,8 tỉ nhân dân tệ (700 triệu đô la Mỹ).

Suning.com cho biết thương vụ này sẽ giúp kết hợp thế mạnh mạng lưới giao hàng và chiến lược số hóa của Suning.com với chuỗi cung ứng toàn cầu và kinh nghiệm quản lý siêu thị của Carrefour.

Chuỗi siêu thị Carrefour, từng một thời thống trị tại nhiều thành phố tại Trung Quốc, là chuỗi bán lẻ phương Tây mới nhất rút khỏi thị trường Trung Quốc vì hụt hơi trong cuộc ganh đua với các đối thủ bản địa đang khai thác tốt xu hướng đặt mua thực phẩm và giao hàng tận nhà của người tiêu dùng Trung Quốc.

Năm ngoái, doanh thu của Carrefour tại Trung Quốc giảm 5,9%, xuống còn 3,6  tỉ euro, khiến tập đoàn này hứng khoản lỗ 32 triệu euro. Carrefour đang vận hành 210 đại siêu thị (có diện tích trên 6.000m2) và 24 cửa hàng tiện lợi ở 51 thành phố của Trung Quốc.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Citigroup ghi nhận giá trị của thương vụ khá rẻ vì mức định giá chỉ tương đương khoảng 20% doanh thu của Carrefour ở Trung Quốc vào năm ngoái, so với mức định giá trung bình trong ngành siêu thị là 84% doanh thu.

Song họ cho rằng việc nhanh chóng buông thị trường Trung Quốc bằng mọi giá có thể là một bước đi khôn ngoan của Carrefour nhằm tránh thua lỗ ngày càng tăng giữa lúc bức tranh kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đang ảm đạm. Thị phần siêu thị của Carrefour ở Trung Quốc rơi về 4,6% vào năm ngoái so với mức 8,2% vào năm 2009, theo Citigroup.

Trước Carrefour, các chuỗi bán lẻ phương Tây tên tuổi khác như Tesco (Anh), Walmart (Mỹ) đã bán các lượng cổ phần lớn cho các đối tác Trung Quốc. Chuỗi siêu thị nội thất Home Depot (Mỹ) đã đóng cửa toàn bộ chuỗi siêu thị tại Trung Quốc vào năm 2012. Năm 2011, chuỗi siêu thị hàng điện tử Best Buy (Mỹ) đóng cửa 9 siêu thị thương hiệu Best Buy tại Trung Quốc. Đến năm 2014, Best Buy quyết định bán toàn bộ 184 cửa hàng mang thương hiêu Five Star tại nước này.

Năm ngoái, chuỗi bán lẻ thời trang Marks & Spencer (Anh) hoàn tất cuộc tháo chạy khỏi Trung Quốc sau khi đóng cửa gian hàng trực tuyến trên nền tảng Tmall (Alibaba) và bán mảng kinh doanh nhượng quyền ở Hồng Kông, Macau. Hai năm trước đó, Marks & Spencer đã đóng cửa 10 cửa hàng ở Trung Quốc đại lục.

Chuỗi bán sĩ Metro (Đức) cũng đang cân nhắc bán 93 siêu thị tại Trung Quốc với mức giá 1,5-2 tỉ đô la.

Đối với các chuỗi bán lẻ phương Tây, tìm kiếm một mô hình kinh doanh có lợi nhuận ở Trung Quốc không còn là câu chuyện dễ dàng vì chi phí trả trước cho các vị trí thuận tiện để đặt các siêu thị là rất lớn.

Trong khi đó, hoạt động giao hàng nổi lên như là một bài toán hóc búa nhất của ngành kinh doanh thực phẩm toàn cầu khi nhu cầu về sự tiện lợi của người tiêu dùng ngày càng tăng. Xây dựng hệ thống logistics để phục vụ các hoạt động giao hàng là một vấn đề khó khăn và tiềm ẩn rủi ro cao.

Áp lực cạnh tranh từ các đối thủ bản địa

Một siêu thị Carrefour ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

Tại Trung Quốc, các đối thủ bản địa đang cướp dần thị phần bán lẻ thực phẩm. Để tồn tại và duy trì tăng trưởng, các tập đoàn siêu thị như Walmart (Mỹ) buộc phải hợp tác với một trong những "ông lớn" nội địa đang kiểm soát không gian thương mại điện tử ở Trung Quốc hoặc bán cổ phần cho các đối thủ cạnh tranh.

Hồi đầu năm nay, tập đoàn Amazon thông báo vào tháng 7 này, sẽ đóng cửa gian hàng trực tuyến, chuyên bán hàng của các doanh nghiệp Trung Quốc cho người tiêu dùng trong nước trên trang Amazon.cn sau nhiều năm chứng kiến thị phần liên tiếp sụt giảm.

Giới phân tích cho rằng Amazon đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ hai công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc là Alibaba và JD.com cũng như các đối thủ bản địa khác.

Jonathan Cheng, Giám đốc thực hành bán lẻ phụ trách khu vực Trung Quốc mở rộng của hãng tư vấn Bain & Co, nhận định: “Tình hình cạnh tranh ở Trung Quốc quyết liệt đến nỗi bạn thực sự phải nỗ lực gấp đôi để chiến thắng”.

Michael Norris, Giám đốc chiến lược và nghiên cứu ở công ty AgencyChina, nhận định: “Rau quả, thịt và sữa được giao đến tận nhà bạn và xu hướng đó đã lên mức cao trào vào thời điểm này. Các đại siêu thị đã không điều chỉnh trước những thay đổi này. Giờ đây, khách hàng không nhất thiết tìm kiếm sản phẩm mà là sản phẩm đang tìm đến khách hàng”.

Trung Quốc là thị trường đặt mua thực phẩm trực tuyến và giao tận nhà lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 45% thị trường toàn cầu, theo công ty Sanford C. Bernstein. Để cạnh tranh trên thị trường giao thực phẩm nhanh, các sản phẩm phải được bố trí trong vòng bán kính 3km so với địa chỉ của khách hàng để có thể giao cho khách trong vòng 30 phút sau khi họ đặt hàng. Các đại siêu thị ở Trung Quốc thường nằm ở vùng rìa của các thành phố nên rất khó để cạnh tranh giao hàng với các đối thủ khác.

Tiến vào Trung Quốc từ năm 1995, Carrefour là một trong số ít các chuỗi thực phẩm phương Tây nhanh chóng tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới. Sự hiện diện của Carrefour đã giúp thay đổi bức tranh bán lẻ thực phẩm ở Trung Quốc, vốn còn xa lạ với mô hình siêu thị vào thập niên 1990.

“Họ (Carrefour) đã kinh doanh siêu thị quá lâu nên việc đầu tư vào mảng thương mại điện tử, logistics và các nhà kho với biên lợi nhuận rất mỏng sẽ là nỗ lực hoàn toàn mới”, Ker Zheng, chuyên gia tư vấn thương mại điện tử ở công ty Azoya Group, nói.

Trong vài năm qua, giao hàng trực tiếp trở thành sự lựa chọn phổ biến của người tiêu dùng Trung Quốc. Dữ liệu lớn và các mạng lưới logistics được mở rộng đã giúp xu hướng giao hàng này lan sang thực phẩm, cho phép các siêu thị giao các mặt hàng thực phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn.

Các "ông lớn" bán lẻ ở Trung Quốc như Alibaba, JD.com đang thử nghiệm kết hợp trải nghiệm mua sắm thương mại điện tử tại siêu thị. Chẳng hạn, tại các siêu thị thực phẩm tươi Hema của Alibaba, khách hàng có thể mua thực phẩm bằng cách dùng điện thoại scan các mã vạch trên sản phẩm và thanh toán bằng ví điện tử Alipay. Tại chuỗi siệu thực phẩm 7FRESH của JD.com, khách hàng cũng có thể tận tay kiểm tra các nông sản rồi dùng ứng dụng di động để đặt mua và chờ giao hàng.

Walmart cho biết vào cuối năm nay, hơn 400 siêu thị của tập đoàn này ở Trung Quốc sẽ giao hàng cho khách trong vòng một tiếng thông qua sự hợp tác với JD.com. Tại các nền tảng như Taobao (Alibaba), Pinduoduo, cũng như WeChat, nông dân có thể phát sóng trực tiếp (live-streaming) và bán nông sản của họ trực tiếp cho người tiêu dùng.

Theo Wall Street Journal, Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới