Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các chuyên gia lo lắng về nợ xấu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các chuyên gia lo lắng về nợ xấu

Hồng Phúc

Các chuyên gia lo lắng về nợ xấu
Theo các chuyên gia, chỉ có thể biết được tình hình sức khỏe của các ngân hàng sau khi rà soát nghiêm minh chất lượng tài sản và công khai để thị trường không đánh đồng tất cả các ngân hàng làm một.

(TBKTSG Online) – Các chuyên gia kinh tế cho rằng hai vấn đề lớn nhất của ngành ngân hàng hiện nay là nợ xấu và thanh khoản. Nếu không thể giải quyết sớm mối lo này, thì nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Phát biểu tại hội thảo cập nhật tình hình kinh tế toàn cầu và kinh tế vĩ mô Việt Nam hôm 15-11, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng làm sạch hệ thống ngân hàng phải là một trong những mục tiêu ưu tiên chính của năm 2012.

“Cần giải quyết bảng cân đối tài sản của khu vực ngân hàng, cho một số ngân hàng xấu ra đi. Rõ ràng nhà nước cần chuẩn bị cho vấn đề nợ xấu và chừng nào còn chậm trễ giải quyết thì nợ xấu sẽ còn tiếp tục tăng. Nếu làm nhanh, có ưu tiên cao thì sẽ giải quyết nhanh các khó khăn của nền kinh tế”, ông nói.

Ông hoài nghi về số liệu thống kê chính thức về nợ xấu, nhưng lại có vẻ không xấu, với con số chính thức là 3,2% của tổng dư nợ tín dụng. Ông dự đoán, trên thực tế (với những dấu hiệu của thị trường và các thống kê không chính thức) có thể có những con số gấp nhiều lần.

Theo ông, trong tình huống xấu nhất, thị trường bất động sản khó khăn và các ngân hàng gặp vấn đề về thanh khoản nên khó đảo nợ, sinh ra nợ xấu dây chuyền, nhà nước phải can thiệp. Nhưng dự trữ ngoại hối thấp và thâm hụt ngân sách lớn cũng hạn chế đáng kể khả năng can thiệp của Chính phủ.

“Thị trường bất động sản đang bắt ngân hàng làm con tin và ngân hàng đang bắt toàn bộ nền kinh tế làm con tin”, một đại diện công ty tư vấn tài chính nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.

Trong một nghiên cứu về tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam vừa được hoàn tất bởi ông Harry Hoàn Trần, Chủ tịch Công ty StoxPlus, kiêm cố vấn về quản lý rủi ro cho Ngân hàng Lioyds Bank tại London và Tổng giám đốc StoxPlus Thuân Nguyễn, hai ông dẫn nguồn số liệu từ NHNN cho biết, tính đến 31-12-2010, tổng tài sản trong hệ thống đã lên tới hơn 3,5 triệu tỉ đồng (175 tỉ đô la Mỹ) và dư nợ cho vay ở mức 125 tỉ đô la Mỹ, tương đương với 120% GDP. Nếu so với Thái Lan (100%) và Hàn Quốc (80%), thì đây là một mức nợ cao báo động của kinh tế Việt Nam.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn rất nhiều so với GDP (30%/năm trong ba năm từ 2008 đến 2010), các ngân hàng đã đưa lượng tiền rất lớn ra nền kinh tế. Các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn rẻ trước đó đã đầu tư tràn lan kém hiệu quả và dung dưỡng nợ xấu. Ngành ngân hàng được coi là hấp dẫn và có lãi, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình năm 2010 cũng chỉ có 12,9%.

Theo công bố của NHNN, các ngân hàng Việt Nam có 12% dư nợ, tương đương với hơn 12 tỉ đô la Mỹ nằm trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Đây là hai ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng khoảng kinh tế và là mối nguy làm tăng nợ xấu.

“Chính phủ sẽ phải có các biện pháp cương quyết với nợ xấu trong giai đoạn tới, thậm chí khoanh nợ xấu lại như trước đây ta đã từng làm và Trung Quốc đã từng làm”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới