Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các chuyên gia quốc tế đánh giá tác động phán quyết của PCA

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các chuyên gia quốc tế đánh giá tác động phán quyết của PCA

Chánh Tài tổng hợp

(TBKTSG Online) – Sau khi Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết hôm qua (12-7) về vụ Philippines kiện ‘đường lưỡi bò” mà Trung Quốc áp đặt trái phép ở Biển Đông, các chuyên gia quốc tế nhận định dù phán quyết này không giải quyết được các tranh chấp ở Biển Đông nhưng nó là một thất bại nặng nề với uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá tác động phán quyết của PCA
Một phiên điều trần về vụ kiện Philippines v. Trung Quốc tại tòa PCA tháng 7-2015. Ảnh PCA

Cú đánh mạnh đối với Bắc Kinh

Học giả Rajeswari Rajagopalan ở tổ chức tư vấn Quỹ Nghiên cứu Người quan sát ở Delhi (Ấn Độ) cho rằng phán quyết của PCA khẳng định Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông là một cú đánh mạnh đối với Bắc Kinh. Bà Rajagopalan nói: “Thực tế họ đã tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông dựa vào bằng chứng lịch sử như bạn biết đó, một vài mẩu gốm sứ được phát hiện trên các đảo san hô, đó là điều không thể hợp lệ ở PCA”.

Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận hay ghi nhận phán quyết của PCA nhưng phán quyết này “có sức tàn phá” đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, theo nhà phân tích Xie Yanmei ở Tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) có trụ sở ở Brussels, Bỉ. Tuy nhiên, bà Yanmei lưu ý rằng trong ngắn hạn, phán quyết không tạo ra nhiều thay đổi. Yanmei nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục thấy cách cư xử trịch thượng như chúng ta đã từng thấy đặc biệt là từ phía Trung Quốc”. Theo bà Yanmei, phán quyết sẽ làm leo thang khẩu chiến giữa các bên liên quan nhưng “leo thang căng thẳng quân sự không phải là không thể tránh khỏi”.

Trong khi đó, chuyên gia luật quốc tế Julian Ku ở Đại học Hofstra tại New York (Mỹ) nói rằng phán quyết của PCA “có cơ sở rất vững về pháp luật”. Ông cho rằng phán quyết này gây bất lợi lớn đối với Trung Quốc về mặt pháp lý trong vấn đề Biển Đông. Ông nói PCA có thể tránh đưa ra phán quyết về đường lưỡi bò nhưng họ đã không làm như vậy khi kết luận rằng không có căn cứ pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong đường lưỡi bò.

Chuyên gia Sean King ở Công ty tư vấn Park Strategies (Mỹ) cho rằng mặc dù phán quyết của PCA không giải quyết được các tranh chấp ở Biển Đông nhưng đây là lời khiển trách nặng đối với Bắc Kinh.

Trung Quốc sẽ phản ứng cứng rắn?

Học giả Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington nhận định: “Tôi dự đoán sẽ có một phản ứng rất cứng rắn từ Trung Quốc vì nước này thua Philippines ở hầu hết mọi luận điểm (trong vụ kiện)”.

Phán quyết này sẽ xác nhận quan điểm của Mỹ xem Trung Quốc như là nước hung hăng ở Biển Đông và cũng xác nhận quan điểm của Trung Quốc coi Mỹ là thù địch và là nước đứng sau quy trình xét xử trọng tài ở PCA. Điều này có thể làm gia tăng thêm căng thẳng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông.

Phó Giáo sư M. Taylor Fravel, MIT

Theo AFP, Trung Quốc có thể rút khỏi UNCLOS và tiến hành xây dựng ở bãi cạn Scarborough, khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế Philippines nhưng bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012. Bắc Kinh cũng có thể tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, đòi hỏi các máy bay phải thông báo cho phía Trung Quốc khi bay qua Biển Đông.

Đồng tình với nhận định của Bonnie Glaser, Tiến sĩ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á -Yusof Ishak (Singapore) cho rằng Trung Quốc sẽ phản ứng để bộc lộ thái độ giận dữ bằng các lời lẽ hoặc bằng các hành động hung hăng hơn ở Biển Đông.

Cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của hải quân  Mỹ Dennis Blair, hiện nay là chủ tịch tổ chức tư vấn Sasakawa USA ở Washington (Mỹ), nhận định mặc dù Trung Quốc có khả năng sẽ không khơi mào hành động quân sự để đáp trả phán quyết của PCA nhưng nước này có thể tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Đông và gia tăng quấy nhiễu ngư dân Philippines hoặc tiến hành các hành động khiêu khích khác.

Phó Giáo sư M. Taylor Fravel giảng dạy khoa học chính trị ở Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhận định phán quyết của PCA là một thắng lớn lợi cho Philippines.  Tuy nhiên, ông cho rằng phán quyết này sẽ xác nhận quan điểm của Mỹ xem Trung Quốc như là nước hung hăng ở Biển Đông và cũng xác nhận quan điểm của Trung Quốc coi Mỹ là thù địch và là nước đứng sau quy trình xét xử trọng tài ở PCA. Điều này có thể làm gia tăng thêm căng thẳng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông. Trong một động thái ám chỉ đến Mỹ và các đồng minh, hôm qua, báo chí nhà nước Trung Quốc gọi PCA là ‘con rối’ của các thế lực bên ngoài.

Tạo lợi thế cho Philippines trên bàn đàm phán

“Phán quyết của PCA sẽ không giải quyết được vấn đề Biển Đông nhưng sẽ tác động lớn đến các cuộc đàm phán về các tranh chấp ở đây trong tương lai. Phán quyết của PCA sẽ làm thay đổi các điều kiện đàm phán mà Trung Quốc đặt ra đối với Philippines và các nước nhỏ hơn”, Tiến sĩ Markus Gehring, giảng dạy luật ở Đại học Cambridge (Anh), nhận định.

Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario cho rằng phán quyết của PCA mở ra con đường tiến đến giải pháp lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông. Ông nói: “Phán quyết này cung cấp nền tảng để thúc đẩy đàm phán và hợp tác giữa tất cả các bên liên quan bao gồm Trung Quốc”.

Nhà phân tích chính trị Richard Heydarian ở Đại học De La Salle (Philippines) nhận định tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chắc chắn sẽ nghiên cứu các phương án tận dụng phán quyết nhằm khai thác các nhượng bộ từ Trung Quốc. Ông cũng lưu ý rằng Mỹ và các đồng minh sẽ gây sức ép tối đa để chính phủ Philippines ra tuyên bố hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết, trong khi đó, Trung Quốc sẽ làm tất cả mọi thứ để thuyết phục Philippines không sử dụng phán quyết để làm bẽ mặt Bắc Kinh.

Cho đến nay, Philippines chỉ đưa ra tuyên bố chừng mực về phán quyết của PCA. Hôm qua, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói rằng “Philippines hoan nghênh phán quyết quan trọng này” và “kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và điềm tĩnh”.

Tuy nhiên, học giả Bonnie Glaser cho rằng Mỹ sẽ không muốn Trung Quốc thỏa hiệp với Philippines. Bà nói: “Tôi nghĩ rằng Mỹ muốn nhìn thấy Trung Quốc đối xử các nước láng giềng với sự tôn trọng, chứ không phải với cách tiếp cận luật của kẻ mạnh”. Glaser nhận định phán quyết của PCA sẽ tạo cho Philippines một số lợi thế và nếu Philippines sử dụng chúng một cách hợp lý, Trung Quốc sẽ sẵn sàng chấp nhận điều kiện Philippines đưa ra trong đàm phán, thì lúc đó,  kết quả tích cực có thể được tạo ra.

Phản ứng trước phán quyết của PCA, ngày 13-7, Trung Quốc ngang nhiên công bố sách trắng khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với “các đảo và các vùng nước xung quanh”  ở Biển Đông. Phát biểu với báo chí tại lễ công bố sách trắng tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân công kích các thẩm phán của PCA khi nói rằng không có ai trong số họ là người châu Á nên họ không thể hiểu rõ vấn đề và cũng bất công khi chọn họ xét xử vụ kiện.

Ông này cũng đổ lỗi cho Philippines “đã tạo ra và khuấy động” vấn đề ở Biển Đông. Ông nói Trung Quốc hy vọng Philippines quay trở lại đàm phán song phương với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ông ngang nhiên tuyên bố rằng Trung Quốc có quyền thiết lập ADIZ  trên Biển Đông nhưng liệu Trung Quốc có cần ADIZ không còn tùy thuộc vào “mức độ đe dọa mà chúng tôi đối mặt”.

Ngày 12-7, Tổng Thư kí Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp ở Biển Đông theo phương cách hòa bình thông qua đối thoại và dựa trên pháp luật quốc tế. Ông cũng kêu gọi các bên tránh các hành động gây khiêu khích hoặc làm gia tăng các căng thẳng ở Biển Đông.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ra tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là kết luận cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc lẫn Philippines. Tuyên bố bày tỏ hy vọng hai bên tuân thủ phán quyết.

Ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton cũng hoan nghênh phán quyết của PCA và cho rằng Biển Đông rất quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Bà nói: “Mỹ có lợi ích sâu sắc và vĩnh cửu ở Biển Đông cũng như đối với dòng chảy thương mại, rất quan trọng đối với nền kinh tế chúng tôi, đi qua vùng biển này. Điều quan trọng là tất cả các bên tranh chấp phải tuân thủ phán quyết này và tiếp tục theo đuổi các phương cách đa phương và hòa bình để giải quyết các tranh chấp giữa họ”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố hối thúc Bắc Kinh “tôn trọng tuyệt đối Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) đã giúp thiết lập trật tự pháp lý quốc tế ở các biển và đại dương”.

(Theo USA Today, AFP, Financial Times)

Đọc thêm:

– Một số phán quyết và lập luận của PCA

– Giá dầu thô tăng sau phán quyết của PCA

– Tòa PCA bác bỏ chủ quyền của TQ trên biển Đông

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới